Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Thoái hóa khớp háng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị thoái hóa khớp háng

Khớp háng là một khớp lớn và phải thường xuyên gánh chịu sức nặng của cơ thể nên việc bị tổn thương khớp háng cũng thường gặp và gây hậu quả nghiêm trọng. Ban đầu bệnh gây đau, sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, vận động cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời và diễn biến nặng có thể gây biến đổi cấu trúc khớp, thậm chí có thế có thể dẫn đến tàn phế.


Thoái hóa khớp háng gây khó khăn trong vận động hàng ngày

Thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng  là một bệnh lý về cơ xương khớp chủ yếu gặp ở người lớn tuổi. Theo thời gian, sụn khớp và xương dưới sụn bị bào mòn làm thay đổi cấu trúc ban đầu của khớp háng, khiến hai đầu xương nhanh chóng cọ xát vào nhau khi cử động gây ra những cơn đau dai dẳng và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. 

Triệu chứng thoái hóa khớp háng

Đau nhức

Triệu chứng đầu tiên mà ở hầu hết các bệnh nhân đều cảm nhận được là cảm giác đau nhức. Tùy vào mức độ tổn thương và giai đoạn phát triển của bệnh mà tính chất cơn đau có sự thay đổi

Giai đoạn sớm

Cơn đau chủ yếu tập trung ở vùng bẹn, có thể lan xuống mông, đùi hoặc thậm chí là khớp gối, đồng thời đau tăng khi người bệnh cử động hoặc đứng lâu.

Giai đoạn sau

Tần suất xuất hiện cơn đau nhiều hơn, bệnh nhân đau dữ dội vào sáng sớm và thường xảy ra khi bệnh nhân đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc khi di chuyển, đôi khi có xu hướng đau mỏi về chiều tối sau một ngày dài. Thâm chí sẽ xuất hiện những cơn đau nhói mỗi khi vận động xoay người, gập người hoặc dạng háng, khi nghỉ ngơi sẽ hết đau.

Giai đoạn muộn

Khi bệnh đến giai đoạn này sẽ có những cơn đau xuất hiện dồn dập vào buổi sáng khi vừa thức dậy và đau mỏi hơn về chiều tối. Về sau, bệnh nhân đau kể cả khi đang nghỉ ngơi, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.

Ngoài ra còn một số dấu hiệu, biểu hiện khác kéo theo trong bệnh thoái hóa khớp háng như:

Khô khớp

Đây là hiện tượng dịch khớp tiết ra không đủ để bôi trơn trong khớp, nên dễ dàng nghe được âm thanh lạo xạo, lục cục phát ra khi cử động khớp.

Cứng khớp

Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mỏi và tê cứng khi vận động hoặc co duỗi khớp háng, thường diễn ra vào sáng sớm hoặc ngồi quá lâu, có thể kèm theo giảm biên độ vận động của khớp

Nguyên nhân thoái hóa khớp háng

Thường phân ra 2 nhóm nguyên nhân chính gây nên thoái hóa khớp háng là nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát. 

Nguyên nhân nguyên phát

Nguyên nhân này thuộc về các yếu tố lão hóa. Tức là chủ yếu gặp ở người cao tuổi và chiếm tỉ lệ cao nhất (chiếm 50% trường hợp, hay gặp ở người trên 60 tuổi).

  

Thoái hóa khớp háng hay gặp ở người lớn tuổi

Bởi theo thời gian mật độ xương giảm dần, quá trình lão hóa xương khớp diễn ra nhanh và quá trình phục hồi tổn thương yếu dần đi. Người già thường dễ bị loãng xương và các cấu trúc như sụn, xương dưới sụn bị phá hủy không thể phục hồi được nữa.

Nguyên nhân thứ phát

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thoái hóa khớp háng như

 + Bệnh nhân có tiền sử khớp háng bị viêm do thấp khớp, viêm khớpviêm cột sống dính khớp, viêm khớp do lao.

 + Chấn thương khớp háng do thực hiện các hoạt động thể chất có cường độ cao thường xuyên và duy trì trong thời gian dài như liên tục tham gia các môn thể thao mang tính đối kháng, va chạm nhiều (bóng đá, bóng rổ…). Hay những người phải thường xuyên lao động chân tay, mang vác vật nặng (công nhân, nông dân…)

 + Thoái hóa khớp háng sau chấn thương như: gãy cổ xương đùi, trật khớp háng hoặc vỡ ổ cối, gãy xương hông, rách sụn chêm hoặc bất kỳ chấn thương nào khác tại khu vực này cũng đều góp phần khiến khớp háng suy yếu, dễ bị bào mòn.

 + Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi không được điều trị dứt điểm nên khi bước sang tuổi trung niên dễ bị thoái hóa khớp háng.

 + Do bẩm sinh: Cấu tạo khớp háng dị dạng bẩm sinh có nguy cơ cao gây nên các vấn đề như loạn sản, trật khớp và thậm chí là tình trạng thoái hóa ở khớp háng.

 + Thoái hóa khớp háng do biến chứng của các bệnh khác như gút, đái tháo đường, bệnh huyết sắc tố,...

 + Thừa cân, béo phì: mặc dù không phải yếu tố nguy cơ nhưng cân nặng quá mức thúc đẩy tiến triển của bệnh thoái hóa khớp háng ngày càng trầm trọng hơn.

Điều trị thoái hóa khớp háng

Giống như các bệnh lý về cơ xương khớp khác thì bệnh thoái hóa khớp háng thực tế không thể chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy mục tiêu của những phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc giúp giảm cảm giác đau nhức và kiểm soát tình trạng đau dai dẳng ở khớp. Cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân và đặc biệt giảm thiểu nguy cơ tàn phế, các biến chứng nguy hiểm khác. 

Tuy nhiên do khớp háng được che bởi nhiều lớp mô cơ và dây chằng bên ngoài nên những thương tổn ở bộ phận này thường khó nhận biết, đồng thời dễ bị nhầm với tổn thương thắt lưng hoặc xương chậu. Chính vì vậy việc thăm khám chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là rất cần thiết cho người bệnh.

Phương pháp hỗ trợ không dùng thuốc

Phương pháp này có hiệu quả với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng ở giai đoạn sớm với những triệu chứng nhẹ và chưa ảnh hưởng nhiều hay giới hạn khả năng vận động của bệnh nhân như:

 + Với những người có cân nặng quá mức nên giảm cân và giữ cân nặng cơ thể ở mức hợp lý để giảm áp lực lên khớp háng

 + Thay đổi và lựa chọn tư thế phù hợp khi vận động, làm việc để tránh gây thêm áp lực làm tổn thương khớp háng

 + Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nhằm duy trì khả năng vận động cũng như tính linh hoạt của khớp, đồng thời giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng như tim mạch hay đái tháo đường…

 + Tập vật lý trị liệu: giúp tăng cường lưu thông máu đem dưỡng chất đến khớp háng. Qua đó duy trì và tăng cường tính linh hoạt của khớp háng cũng như nâng cao sức mạnh của các mô cơ xung quanh khớp háng. Tuy nhiên cần lựa chọn các bài tập vật lý trị liệu phù hợp và có cường độ vừa phải, có sự hướng dẫn của bác sỹ hay các chuyên gia về xướng khớp để không làm nặng thêm tình trạng thoái hóa khớp háng.

 + Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lối sống khoa học như tránh lạm dụng rượu, bia, nước ngọt có gas, tránh hút thuốc lá, … Ngoài ra cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho khớp (cá béo, rau xanh, các loại hạt,..)

 + Đặc biệt với những người trẻ tuổi cần chú tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe để xương khớp khỏe mạnh và làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên của xương khớp. 

Chế độ dinh dưỡng khoa học cải thiện rất nhiều tình trạng thoái hóa khớp háng

Phương pháp sử dụng thuốc

 + Sử dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm.

 + Sử dụng thuốc corticoid

Các thuốc giảm đau kháng viêm là lựa chọn đầu tay của nhiều bác sỹ điều trị nhằm xoa dịu triệu chứng của những cơn đau nhức dai dẳng gây khó chịu cho người bệnh.

Với những trường hợp nhẹ: lựa chọn là các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen… 

Với trường hợp thoái hóa nặng: bệnh nhân sẽ cần dùng đến các loại thuốc kê toa như duloxetine hoặc tramadol. Tramadol là một trong số ít thuốc giảm đau opioid được kê đơn do những loại khác trong nhóm thuốc này có tính gây nghiện cao.

Đôi khi bác sĩ cũng sẽ chỉ định tiêm steroid cho bệnh nhân để giảm sưng đau. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời do thuốc có thể kéo theo một số tác động tiêu cực đối với cơ thể nếu được sử dụng lâu dài.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau không thể loại bỏ cơn đau hoàn toàn. Thực tế, cơn đau chỉ được tạm thời đẩy lui,làm cho người bệnh cảm giác lành bệnh tạm thời và chắc chắn sẽ tái phát sau khi thuốc hết hiệu lực. Ngoài ra việc sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau là “con dao hai lưỡi” nên người bệnh cần đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi áp dụng biện pháp này. Việc lạm dụng thuốc hoặc tự ý thay đổi liều lượng, thời gian dùng thuốc có nguy cơ gây tổn hại đến thận, dạ dày và gan.

Phương pháp phẫu thuật

Bởi việc sử dụng thuốc chỉ giúp giảm đau tạm thời và không thể giải quyết triệt để nguyên nhân gốc rễ gây đau. Ngoài ra khi diễn tiến bệnh nặng và chuyển biến theo chiều hướng xấu làm  khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng, người bệnh cũng cần các phương pháp điều trị đặc hiệu hơn.  Nhằm điều trị triệt để nguyên nhân gốc rễ gây đau và cải thiện chức năng vận động khớp háng, giảm thiểu biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. 

Các phương pháp phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp háng đó là:

Tái tạo bề mặt chỏm xương đùi

Khi bệnh nhân thoái hóa khớp háng ở giai đoạn sớm và chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho phẫu thuật thay khớp háng, có thể lựa chọn phương pháp tái tạo bề mặt chỏm xương đùi cho bệnh nhân. Trong phương pháp này, thay vì cắt đi chỏm xương đùi hình cầu, thì chỉ loại bỏ bề mặt bị thương tổn và bọc lại bằng một lớp kim loại. Điều này làm cho ma sát giữa chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu giảm bớt, từ đó giúp người bệnh bớt đau.

Sửa trục xương đùi, ghép xương ổ cối

Phương pháp cũng được chỉ định trong các trường hợp thoái hóa khớp háng giai đoạn sớm do nguyên nhân trật khớp háng hoặc thiểu sản.

Thay khớp háng

Chỉ định thay khớp háng với các trường hợp thoái hóa khớp háng nặng, khiến cho bệnh nhân đau nhiều và thường gặp ở các bệnh nhân trên 60 tuổi. 

 

Phẫu thuật thay khớp háng cho các trường hợp thoái hóa khớp háng nặng

Thay khớp háng được phân loại thành hai dạng gồm:

Thay một phần khớp háng

Được chỉ định khi lớp sụn bị bào mòn và khớp chỉ bị tổn thương một phần.

Thay khớp háng toàn phần

Phương pháp này sẽ loại bỏ toàn bộ khớp háng bị tổn thương bao gồm việc lấy bỏ phần chỏm xương đùi và ổ cối của xương chậu và thay thế bằng khớp nhân tạo, từ đó giúp bệnh nhân cải thiện khả năng hoạt động. Các trường hợp có chỉ định này chủ yếu như:

 + Người bệnh trên 60 tuổi

 + Bệnh nhân có bệnh nền gây tổn thương khớp háng (viêm khớp dạng thấp, hoại tử xương…)

 + Triệu chứng bệnh nghiêm trọng (các cơn đau kéo dài, gây khó khăn khi lên xuống cầu thang hoặc đứng lên từ tư thế ngồi…

Hiện nay có 2 kỹ thuật sử dụng trong thay khớp háng là:

Kỹ thuật thay khớp háng thông thường

Là kỹ thuật được sử dụng trước đây, có nhiều hạn chế như: vết mổ lớn, cắt rạch nhiều phần mềm xung quanh khớp háng, thời gian phẫu thuật kéo dài, thời gian nằm viện sau khi phẫu thuật dài,...

Kỹ thuật thay khớp háng ít xâm lấn

Là một kỹ thuật mới, khắc phục được nhiều hạn chế của kỹ thuật thay khớp háng thông thường. Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ và ê kíp mổ phải có kinh nghiệm, cùng với đó là có đầy đủ dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng.

Những bài tập chữa thoái hóa khớp háng

Bài tập mở khớp háng đơn giản

Chuẩn bị tư thế: Người tập nằm ngửa.

Thực hiện động tác:

Người tập nằm ngửa, dựng hai đầu gối lên sát cạnh nhau, chân chống xuống đất. Hai tay để bên cạnh thân người, lòng bàn tay úp.

Từ từ đưa hai đầu gối rời xa nhau, mở rộng khớp háng cho tới khi đầu gối hai bên mở được tối đa. Chạm được xuống mặt sàn càng tốt. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây. Chân không được nhấc lên khỏi mặt đất.

Tiếp theo nâng hai đầu gối lên đưa về vị trí ban đầu.

Thực hiện 5 – 7 lần bài tập.

Bài tập mở chân sang ngang tư thế ngồi

Chuẩn bị tư thế: Người tập ngồi thẳng lưng.

Thực hiện động tác:

Người tập ngồi thẳng lưng, hai lòng bàn chân hướng vào nhau. Hai đầu gối bắt đầu với tư thế hình chữ V.

Hai tay giữ phần hống để cố định xương chậu.

Hít sâu. Dùng hai tay để ở hai bên đầu gối ấn chúng về phía mặt sàn cho cho đầu gối và bắp đùi chạm sàn.

Giữ tư thế 5 giây rồi thở ra, đưa đầu gối về vị trí ban đầu.

Thực hiện động tác 5 lần.

Ngoài ra còn những bài tập đơn giản, dễ thực hiện cho bệnh nhân đau khớp háng như đi bộ với tốc độ vừa phải, tập thể dục dưới nước, tập yoga,..

 

Đi bộ với tốc độ vừa phải tốt cho người thoái hóa khớp háng

Việc lựa chọn và thường xuyên tập luyện với các bài tập là điều rất cần thiết cho bệnh nhân thoái hóa khớp háng nhưng cần lựa chọn bài tập phù hợp và kiểm soát các động tác khi tập. Nếu cảm thấy đau nhiều khi tập các bài tập cần nghỉ ngơi và đổi qua bài tập khác phù hợp hơn.Tránh gây thêm áp lực và làm nặng tình trạng thoái hóa khớp háng.

Thoái hóa khớp háng là quá trình lão hóa tự nhiên trong cơ thể và không một ai tránh được điều này. Tuy nhiên mức độ nặng hay nhẹ, đơn giản hay nghiêm trọng thì khác nhau và chúng ta có thể kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế các cơn đau. Chính vì vậy xây dựng lối sống khoa học để có xương khớp khỏe mạnh khi còn trẻ là điều rất cần thiết.Ngoài ra khi có dấu hiệu đau ở vùng xung quanh khớp háng cần tiến hành thăm khám để chẩn đoán và có các phương pháp điều trị phù hợp tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

Nếu có bất kỳ khó khăn hay thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Nhà thuốc Việt qua hotline 0398883456 - với kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn, cung cấp các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, chúng tôi tin rằng Hệ thống Nhà Thuốc Việt sẽ hỗ trợ bạn những thông tin đúng và phù hợp nhất.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo Phương

Xem thêm:

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật