Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

[MÁCH BẠN] Cách hạ sốt cho trẻ và những lưu ý quan trọng

Bài viết được thực hiện bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền

Với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ con rất thường bị sốt. Tùy theo nguyên nhân mà bé có mức độ sốt khác nhau. Do đó, hiểu rõ về sốt, cũng như cách hạ sốt cho trẻ sẽ giúp ba mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc các con. Khi đó, bạn sẽ biết được đâu là cơn sốt không đáng ngại và khi nào thì nên đưa bé đến viện. Tất cả những điều đó sẽ được Nhà thuốc Việt chia sẻ trong bài viết dưới đây, bạn hãy theo dõi nhé!

Sốt là gì?

Sốt không xấu như bạn nghĩ. Thực chất, sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể để chống lại tác nhân gây hại, điển hình là vi khuẩn và virus. Với cùng một tác nhân, cả người lớn và trẻ em đều có thể bị sốt. Nhưng, sốt nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Vì đặc thù cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, và sức đề kháng của bé cũng yếu hơn người lớn. 

Sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể

Sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể

Đối với sốt, kiểm soát nhiệt độ là điều quan trọng nhất. Mà để làm được điều đó, chúng ta cần biết một số thông tin khái quát về như sau:

1. Phân biệt sốt và tăng thân nhiệt

Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao. Nhưng, thân nhiệt cao cũng có thể do tăng thân nhiệt. Do đó, các mẹ cần phân biệt sốt và tăng thân nhiệt dựa vào một số điểm sau:

Đặc điểm

Sốt

Tăng thân nhiệt

Giống nhau

- Thân nhiệt tăng cao hơn bình thường

Khác nhau

- Có thể giảm thân nhiệt bằng thuốc hạ sốt

- Lau người và nghỉ ngơi chỉ là phương pháp bổ trợ

- Không thể giảm thân nhiệt khi dùng thuốc hạ sốt

- Thân nhiệt giảm sau khi dùng biện pháp tỏa nhiệt vật lý như lau người, nghỉ ngơi nơi mát, uống nhiều nước 

Nguyên nhân

- Nhiễm vi khuẩn, virus

- Tác dụng phụ của thuốc

- Sau tiêm phòng

- Mọc răng

- Thời tiết nóng

- Hoạt động nhiều ngoài trời

- Uống ít nước khi hoạt động nhiều

2. Bao nhiêu độ là sốt?

Trẻ được coi là sốt khi thân nhiệt thuộc 1 trong 3 trường hợp sau: 

  • ≥ 37,2°C vào sáng sớm 
  • ≥ 37,8°C bất kỳ lúc nào sau sáng sớm 
  • Cao hơn giá trị hàng ngày bình thường đã biết của trẻ

Lưu ý: Vị trí đo khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Nhiệt độ đo ở hậu môn và tai cao hơn nhiệt độ miệng khoảng 0,6°C. Trong khi đó, nhiệt độ ở da (trán, nách) thấp hơn nhiệt độ ở miệng khoảng 0,6°C. 

Nguyên nhân trẻ bị sốt

Một số nguyên nhân sốt ở trẻ

Một số nguyên nhân sốt ở trẻ

Bạn biết đấy, so với người lớn, cơ thể trẻ em mỏng manh hơn rất nhiều. Do đó, trẻ có thể bị sốt vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung, dù ở độ tuổi nào các bé đều có thể bị sốt vì một trong những nguyên nhân sau: 

  • Nhiễm trùng: là nguyên nhân chính gây ra sốt không chỉ ở trẻ em mà cả ở người lớn. Đây là phản ứng phòng vệ tự nhiên của cơ thể, giúp chống lại nhiễm trùng. Khi nhiễm khuẩn (viêm da, viêm đường hô hấp, viêm màng não,...) trẻ có thể sốt cao trên 38oC, kèm theo quấy khóc, biếng ăn. 
  • Virus: một số loại virus có thể gây sốt, chẳng hạn như: virus cảm, virus cúm, virus gây bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết,...
  • Sốt sau tiêm ngừa vaccine: Cả trẻ em và người lớn đều có thể sốt sau tiêm phòng. Nhưng trẻ em thường dễ bị sốt hơn. Sốt sau tiêm thường không quá đáng ngại, đây là phản ứng tự nhiên khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên có trong vaccine.  
  • Mọc răng: sốt nhẹ là tình trạng thường thấy khi trẻ trong giai đoạn mọc răng. Nhưng nếu các bé sốt trên 38oC, trẻ có thể sốt do nguyên nhân khác. 
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc có khả năng gây sốt cho trẻ. Do đó, nếu bé nhà bạn đang dùng thuốc, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc.  

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt 

Nhiệt độ là thước đo chuẩn nhất dùng để xác định trẻ có bị sốt hay không. Do đó, bố mẹ cần lưu ý cách sử dụng khi sử dụng nhiệt kế để đo được chính xác thân nhiệt của bé. Tùy theo loại nhiệt kế mà cách sử dụng sẽ khác nhau. 

>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách đo nhiệt kế điện tử theo từng vị trí đo chính xác nhất

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể biết trẻ bị sốt dựa vào một số triệu chứng thường đi cùng với sốt như: 

  • Cơ thể đổ nhiều mồ hôi
  • Quấy khóc nhiều
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi, thiếu sức sống
  • Dễ cáu gắt
  • Đau nhức toàn thân
  • Có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn

Cách hạ sốt cho trẻ an toàn và hiệu quả

Sau khi xác định biết được trẻ bị sốt, các mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng một trong những cách sau:

1. Lau người cho trẻ bằng nước ấm

Cơ chế tự nhiên của cơ thể là nóng thì giãn, mà lạnh thì co. Do đó, nước ấm giúp lỗ chân lông trên da bé nở ra dễ dàng hơn. Nhờ vậy mà, nhiệt bên trong cơ thể dễ dàng đi ra ngoài. Trong khi đó, nước lạnh chỉ khiến lỗ chân lông co lại, hạn chế tỏa nhiệt. Điều này làm bé khó hạ sốt hơn. Do đó, các mẹ nên dùng nước ấm chứ không phải là nước lạnh để lau người cho bé. 

Lau người bằng nước ấm là cách hạ sốt hiệu quả

Lau người bằng nước ấm là cách hạ sốt hiệu quả

Trong trường hợp sốt nhẹ, thân nhiệt của bé có thể về mức bình thường sau vài lần lau người bằng nước ấm. Nếu sốt cao, lau người là phương pháp hỗ trợ rất tốt, giúp bé hạ sốt nhanh hơn. 

Khi lau người cho bé, các mẹ cần lưu ý sau: 

  • Thời gian lau cho bé nên duy trì trong 15 - 20 phút liên tục cho đến khi nhiệt độ bé về lại bình thường.
  • Nên dùng khăn mềm, thấm nước ấm, vắt khô, rồi lau người. Tránh để khăn quá ướt, làm nước đọng lại trên da khiến bé cảm thấy lạnh. 
  • Nhiệt độ nước vừa phải, khoảng 40 - 45 độ C (Mẹ sờ tay thấy ấm vừa đủ, không quá nóng là được)
  • Tập trung lau ở vùng trán, nách, bẹn, khuỷu tay, khuỷu chân để thoát nhiệt nhanh hơn.

2. Mặc quần áo rộng rãi

Đôi khi, sốt làm bé cảm thấy lạnh. Thế là các mẹ sẽ cho bé thêm một lớp áo. Và rồi, nhiệt lượng bé tỏa ra sẽ được giữ bên trong lớp áo ấy, khiến việc hạ sốt trở nên khó khăn hơn. 

Do đó, tốt nhất bạn nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. Việc này giúp nhiệt trong cơ thể bé dễ dàng ra ngoài hơn. Nếu bé lạnh, bạn có thể đắp một lớp chăn mỏng cho bé. 

>>> Có thể bạn quan tâm: TOP 12 cách hạ sốt nhanh chóng, hiệu quả tại nhà cực hay

3. Uống nhiều nước

Sốt khiến cơ thể trẻ mất nước rất nhiều. Do đó, các mẹ cần tăng cường bổ sung nước cho trẻ. Trong một số trường hợp sốt cao, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để bổ sung nước điện giải như Oresol. Riêng với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, các mẹ nên cho bé bú nhiều hơn để bù lại lượng nước đã mất. 

 

Uống nhiều nước giúp bé hạ nhiệt tốt hơn

Uống nhiều nước giúp bé hạ nhiệt tốt hơn

Khi bổ sung nước cho bé, các mẹ không nên cho bé uống 1 lần quá nhiều. Nên uống mỗi lần một ít (20 - 50 ml) và uống thường xuyên trong ngày. 

4. Không gian thoáng mát

Chúng ta luôn thở thoải mái khi ở không gian thoáng và mát. Và với các bé cũng vậy, không gian thoáng mát giúp nhiệt độ trong người bé được giải tỏa dễ dàng hơn. 

5. Thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt là lựa chọn hiệu quả nhất trong việc hạ sốt. Nhưng đây lại không phải là phương pháp an toàn nhất. Vì thuốc dù có an toàn đến đâu vẫn luôn có những tác dụng phụ nhất định. Do đó, bạn không nên lạm dụng thuốc để hạ sốt cho trẻ. 

Sử dụng thuốc hạ sốt là cách hạ sốt cho bé hiệu quả

Sử dụng thuốc hạ sốt là cách hạ sốt cho bé hiệu quả

Đặt biệt lưu ý đến liều dùng khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ em. Với trẻ sốt cao, ba mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt (paracetamol) với liều lượng là 10-15mg/kg/lần, mỗi lần dùng cách nhau từ 4 – 6 giờ. Lưu ý, không được cho trẻ uống paracetamol quá 5 lần 1 ngày, không được tự ý dùng Paracetamol để hạ sốt cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.

>>> Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về thuốc hạ sốt: TẠI ĐÂY

Lưu ý quan trọng khi hạ sốt cho trẻ

Sau cùng, khi biết được cách hạ sốt cho trẻ, các bạn cần lưu ý một số vấn để sau để đảm bảo an toàn cho trẻ:

Đưa trẻ đến bệnh viện khi cần thiết

Sốt ít khi nguy hiểm đổi với trẻ. Nếu được chăm sóc tốt, bé sẽ trở về bình thường sau 1 tuần điều trị và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sốt cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Khi đó, nếu không tìm ra và xử lý kịp thời, sẽ để lại nhiều di chứng. 

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện

Do đó, khi gia đình thấy bé có một trong những triệu chứng sau, cần đưa bé ngay đến cơ sở y tế gần nhất: 

  • Sốt liên tục không có dấu hiệu hạ sốt
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi có biểu hiện sốt, nhất là khi sốt trên 38 độ C
  • Cổ cứng, hôn mê
  • Thở nhanh hoặc khó thở
  • Buồn nôn, nôn
  • Co giật
  • Mắt trũng

>>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Dùng thuốc

  • Tại Việt Nam, Paracetamol (Acetaminophen) là thuốc hạ sốt được sử dụng nhiều nhất. Mặc dù đây là thuốc không kê toa, nhưng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng. 
  • Tuân thủ nguyên tắc cơ bản khi dùng Paracetamol cho trẻ về liều dùng và thời gian dùng thuốc. Không tự ý tăng liều khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. 
  • Không dùng nhiều hoạt chất có tác dụng hạ sốt cùng lúc. Chẳng hạn như Paracetamol và Ibuprofen. 
  • Không dùng 2 dạng bào chế khác nhau của cùng 1 thuốc. Ví dụ như Paracetamol dạng viên uống và dạng thuốc đặt trực tràng. 
  • Tuyệt đối không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ dưới 2 tháng tuổi khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng

Cho trẻ bú nhiều lần khi sốt, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi

Cho trẻ bú nhiều lần khi sốt, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi

  • Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, chỉ nên cho bé dùng sữa mẹ. Không nên dùng bất kỳ loại sữa hay thực phẩm bổ sung nào khác. 
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và chất xơ cho trẻ như rau, củ, quả các loại. Các mẹ cũng đừng quên nhóm thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, sữa) để bé phục hồi nhanh hơn.
  • Không tự ý dùng bất kỳ dược liệu nào để bồi bổ cho trẻ.
  • Không nên lau người cho trẻ bằng nước mát hoặc nước lạnh.
  • Để bé nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, tránh dùng máy lạnh.

>>> Xem thêm: [Bật mí] Trẻ bị sốt nên ăn gì và không nên ăn gì?

Kết luận

Sốt là tình trạng thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Biết được cách hạ sốt cho trẻ sẽ giúp các mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn. Mong rằng, những cách hạ sốt mà Nhà thuốc Việt đã chia sẻ sẽ hữu ích đối với bạn. 

Nếu bạn cần giúp đỡ và tư vấn chi tiết hơn về bệnh tình của trẻ, hãy liên hệ trực tiếp với Dược sĩ của Nhà thuốc Việt, bằng một trong những hình thức sau:

– Hotline/ Zalo: 0985508450

– Website: Nhathuocviet.vn

– Zalo OA:  https://zalo.me/2326937184300810408

Địa chỉ:

  • Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
  • Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Nguồn tham khảo: 

Sốt - MSD MANUAL

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật