Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Viêm đa khớp: bí quyết chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Bạn có từng cảm thấy đau nhức, sưng tấy, cứng khớp khiến việc đi lại, sinh hoạt trở nên khó khăn? Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm đa khớp - căn bệnh "đa diện" với nhiều biểu hiện phức tạp. Vậy, viêm đa khớp là gì? Và làm thế nào để điều trị căn bệnh dai dẳng này hiệu quả? Bài viết sau đây của Nhà Thuốc Việt sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về viêm đa khớp, giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.

Tổng quan viêm đa khớp

Viêm đa khớp (polyarthritis) là tình trạng viêm xảy ra ở ít nhất năm khớp, thường đi kèm với các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp, sưng tấy, nóng đỏ và hạn chế vận động. Khác với các bệnh lý xương khớp khác, viêm đa khớp có thể khó phân biệt do triệu chứng đa dạng và xuất hiện ở nhiều khớp.

Không chỉ gây đau đớn kéo dài, bệnh thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số trường hợp bị viêm đa khớp bị viêm đa khớp nặng có thể buộc phải nhập viện cấp cứu, nhưng cũng có trường hợp không có triệu chứng và âm thầm tấn công sức khỏe người bệnh trong nhiều tháng.

Viêm đa khớp là bệnh lý viêm khớp xảy ra tại nhiều vị trí

Nguyên nhân viêm đa khớp

Viêm đa khớp tuy là căn bệnh phổ biến nhưng nguyên nhân gây ra nó lại vô cùng đa dạng và phức tạp. Hiểu rõ nguyên nhân là bước đầu tiên để bạn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả căn bệnh này. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra viêm đa khớp.

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis):

Đây là "kẻ thù" số 1 trong nhóm bệnh viêm đa khớp, thường tấn công đối tượng từ 30 tuổi trở lên. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan đến yếu tố di truyền và rối loạn hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch "lầm tưởng" các mô khớp khỏe mạnh là kẻ thù, nó sẽ tấn công và gây ra tình trạng viêm mãn tính.

Triệu chứng của bệnh thường là đau đối xứng, ảnh hưởng đến nhiều khớp nhỏ ở tay, ngón tay, cổ tay, bàn chân,... Bệnh diễn biến mãn tính, có thể dẫn đến biến dạng khớp, tàn phế nếu không điều trị kịp thời.

Lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus):

Cũng là bệnh tự miễn, gây viêm và tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả khớp. Nguyên nhân chính xác cũng chưa được biết rõ, nhưng có thể do di truyền, môi trường và yếu tố nội tiết tố. Bệnh thường có triệu chứng như đau khớp, sưng tấy, sốt, mệt mỏi, phát ban da, mặt...

Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthropathy):

Đây là "bạn đồng hành" thường gặp của bệnh vảy nến, thường xuất hiện sau nhiều năm mắc bệnh da liễu này. Nguyên nhân được cho là do sự kết hợp của yếu tố di truyền và phản ứng miễn dịch với các tác nhân bên ngoài. Bệnh gây viêm và tổn thương khớp, có thể đối xứng hoặc không đối xứng tùy thể lâm sàng, thường thấy ở khớp nhỏ ở ngón tay, ngón chân.

Viêm khớp cột sống dính khớp (ankylosing arthritis):

Căn bệnh này chủ yếu tấn công nam giới ở độ tuổi thanh niên, gây viêm và cứng khớp cột sống, có thể dẫn đến tình trạng dính khớp vĩnh viễn. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ, nhưng có thể do di truyền và liên quan đến vi khuẩn HLA-B27. Triệu chứng thường là đau lưng, cứng khớp, đặc biệt vào buổi sáng và sau khi nghỉ ngơi. Bệnh có thể dẫn đến cột sống cứng, khó vận động nếu không điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây ra viêm đa khớp vô cùng đa dạng

Viêm khớp phản ứng (reactive arthritis):

Đây là "hậu quả" của một số bệnh nhiễm trùng như lây truyền qua đường tình dục, tiêu chảy do vi khuẩn hoặc chlamydia. Hệ miễn dịch tấn công các khớp sau khi đã tiêu diệt vi khuẩn, dẫn đến tình trạng viêm. Triệu chứng thường xuất hiện 1-4 tuần sau khi nhiễm trùng, ảnh hưởng đến một hoặc vài khớp lớn như đầu gối, hông, mắt cá chân,... Bệnh thường tự khỏi sau vài tuần, tuy nhiên có thể tái phát nếu không điều trị triệt để.

Viêm khớp do tinh thể (crystal arthropathy):

Viêm khớp do tích tụ tinh thể axit uric (gây bệnh gout) hoặc canxi pyrophosphate dihydrate (giả gout) trong khớp. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, gây đau nhức dữ dội, sưng đỏ khớp, đặc biệt là các khớp ngón chân, cổ chân, gối,... Và có thể tái phát nhiều lần.

Viêm mạch máu hệ thống (systemic vasculitis):

Viêm mạch máu ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bao gồm cả khớp, do hệ miễn dịch tấn công các mạch máu. Nguyên nhân có thể do di truyền, nhiễm trùng hoặc tác nhân môi trường. Ngoài tổn thương khớp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tổn thương tim, thận, não,...

Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến kể trên, viêm đa khớp còn có thể gặp trong một số bệnh cảnh nhiễm trùng, ung thư hoặc sử dụng một số loại thuốc đặc biệt.

Triệu chứng của viêm đa khớp

Viêm đa khớp có thể ẩn mình qua những triệu chứng đa dạng, khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hiểu rõ "bức tranh triệu chứng" này là bước đầu tiên để bạn phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

  • Đau khớp: đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện ở nhiều khớp cùng lúc, gây cảm giác nhức nhối, âm ỉ hoặc dữ dội, có thể tăng nặng vào buổi sáng hoặc khi vận động.
  • Sưng khớp: các khớp bị viêm thường sưng tấy, căng cứng, có thể kèm theo cảm giác nóng và đỏ. Tình trạng sưng tấy có thể xuất hiện đối xứng hoặc không đối xứng giữa các khớp.
  • Cứng khớp: cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng, khiến việc cử động trở nên khó khăn. Tình trạng này có thể kéo dài trong 30 phút hoặc hơn, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Hạn chế vận động: viêm đa khớp có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác cơ bản như gập, duỗi, xoay khớp, leo cầu thang, đi lại,...
  • Các dấu hiệu ngoài khớp: mệt mỏi, sốt, nổi ban da, bong da, bệnh lý tim mạch, hô hấp, thận, bệnh võng mạc…

Triệu chứng của viêm đa khớp không đặc trưng khiến bệnh khó chẩn đoán

Biến chứng viêm đa khớp

Viêm đa khớp có thể dẫn đến biến dạng khớp, khiến khớp bị cứng, cong vẹo, hạn chế vận động và ảnh hưởng đến khả năng cử động của người bệnh. Biến dạng khớp thường gặp nhất ở các khớp ngón tay, ngón chân, cổ tay, khuỷu tay và đầu gối. Các khớp bị cứng, đau khiến người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như đi lại, ăn uống, vệ sinh cá nhân,... Thậm chí cần đến sự trợ giúp của người khác. Cơn đau nhức dai dẳng do viêm đa khớp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của người bệnh, dẫn đến lo âu, trầm cảm, stress và giảm khả năng tập trung.

Tổng hợp các biến chứng trên có thể dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh bị viêm đa khớp. Họ có thể gặp khó khăn trong học tập, làm việc, tham gia các hoạt động xã hội và không thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. 

Chẩn đoán viêm đa khớp

Việc chẩn đoán viêm đa khớp cần một đánh giá tổng thể dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm:

Bệnh sử: hỏi bệnh sử là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình chẩn đoán viêm đa khớp. Các thông tin dưới đây có thể giúp ích phần nào trong việc chẩn đoán viêm đa khớp với các bệnh lý khớp khác.

  • Tuổi tác và giới tính: 2 yếu tố này có thể thu hẹp các lựa chọn chẩn đoán tiềm năng. Ví dụ, ở một bệnh nhân nam trẻ tuổi, bệnh lupus ban đỏ hệ thống (sle) đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách chẩn đoán phân biệt viêm đa khớp. Tỷ lệ mắc bệnh khớp tinh thể cao hơn ở bệnh nhân lớn tuổi…
  • Tiền sử bệnh: bác sĩ sẽ tìm hiểu về các bệnh lý hiện tại và quá khứ của bạn, đặc biệt là các bệnh liên quan đến rối loạn mô liên kết như hội chứng raynaud, khô mắt, vẩy nến, đau lưng viêm, bệnh viêm ruột tự miễn, nhiễm virus, tiêu chảy do nhiễm trùng và nhiễm trùng đường sinh dục.
  • Thời điểm khởi phát: việc xác định thời điểm khởi phát triệu chứng giúp phân loại viêm đa khớp cấp hay mãn tính.
    • Viêm đa khớp cấp: xuất hiện và tự giới hạn trong vòng 6 tuần. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng.
    • Viêm đa khớp mãn tính: triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần. Chẩn đoán thường do viêm khớp dạng thấp.
  • Tính chất của triệu chứng: triệu chứng có di chuyển từ khớp này sang khớp khác (di chuyển), xuất hiện đồng thời ở nhiều khớp (cộng dồn) hay xuất hiện xen kẽ (liên tục).
  • Tiền sử gia đình: bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử mắc các bệnh tự miễn trong gia đình, vì đây có thể là yếu tố nguy cơ di truyền cho bệnh viêm đa khớp.

Hỏi bệnh là bước quan trọng đầu tiên trong chẩn đoán viêm đa khớp

Khám lâm sàng: là "chìa khóa vàng" để mở cánh cửa chẩn đoán viêm đa khớp. Bác sĩ sẽ kiểm tra:

  • Khớp: số lượng khớp bị ảnh hưởng, sưng, đau, hạn chế vận động, biến dạng khớp (như vẹo cổ tay không duỗi được - dấu hiệu viêm khớp dạng thấp).
  • Ngoài khớp: các dấu hiệu ngoài khớp góp là một phần của bệnh hoặc các biến chứng do bệnh gây ra. Các dấu hiệu có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan, từ viêm gân, dây chằng, da (mẩn đỏ, loét), mắt (viêm mống mắt) cho đến các cơ quan sâu hơn như hạch bạch huyết, lách, gan, phổi, tim mạch, tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy), tiết niệu (suy thận), thần kinh (tê bì, yếu cơ).

Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh: các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh (x-quang, mri,...) sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bên cạnh đó, xét nghiệm tìm các tự kháng thể trong máu, xét nghiệm dịch khớp cũng góp phần đáng kể trong chẩn đoán viêm đa khớp.

Cần luôn ghi nhớ rằng không chỉ các bệnh lý về khớp mà còn một số bệnh lý khác như nhiễm trùng, ung thư và thậm chí một số loại thuốc cũng có thể gây ra tình trạng viêm đa khớp. Do đó, việc chẩn đoán cần được thực hiện cẩn thận và chính xác để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Điều trị viêm đa khớp

Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm đa khớp phù hợp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại viêm đa khớp, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể và nguyện vọng của bệnh nhân. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ một cách nghiêm ngặt để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ. Kết hợp điều trị bằng thuốc và không dùng thuốc một cách linh hoạt có thể mang lại hiệu quả điều trị toàn diện hơn.

Điều trị bằng thuốc:

  • Thuốc giảm đau thông thường (acetaminophen/paracetamol): giúp giảm đau nhẹ đến vừa.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): giảm đau, viêm và sưng khớp hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng phụ tiềm ẩn lên hệ tim mạch, tiêu hóa.
  • Kháng sinh: điều trị các trường hợp viêm đa khớp do nhiễm trùng.
  • Corticosteroid: giảm viêm mạnh mẽ, thường được sử dụng ngắn hạn hoặc tiêm trực tiếp vào khớp.
  • Nhóm thuốc chống thấp làm thay đổi diễn tiến bệnh (DMARDS): chậm lại hoặc ngăn chặn tiến triển của bệnh, cải thiện chức năng khớp và chất lượng cuộc sống.

Điều trị không dùng thuốc:

  • Tập thể dục: giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện linh hoạt khớp và giảm đau. Các bài tập an toàn cho khớp là những bài tập tác động thấp như bơi lội, đi bộ, đạp xe, tập yoga.
  • Tránh các động tác lặp đi lặp lại: chuyển động lặp đi lặp lại liên tục có thể làm tăng áp lực lên khớp của người bệnh. Hãy nhớ thay đổi tư thế và nghỉ giải lao hợp lý.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: giảm đau, sưng và viêm.
  • Sử dụng nẹp hoặc băng quấn: hỗ trợ khớp, giảm đau và cải thiện chức năng.

Phối hợp điều trị thuốc và không dùng thuốc viêm đa khớp mang lại hiệu quả cao hơn

Phòng bệnh viêm đa khớp

Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Đối với bệnh viêm đa khớp cũng vậy, tuy khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với nó bằng cách xây dựng "pháo đài" phòng thủ vững chắc. Dưới đây là những phương pháp giúp bạn phòng bệnh viêm đa khớp

Tránh các yếu tố nguy cơ gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm đa khớp:

  • Chấn thương khớp: sử dụng đồ bảo hộ khi tham gia hoạt động thể thao hoặc lao động nặng.
  • Nhiễm trùng: thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
  • Hút thuốc lá: hạn chế hoặc cai thuốc lá hoàn toàn. Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân gây ra khởi phát các đợt bùng phát của viêm đa khớp, đặc biệt trong viêm khớp dạng thấp.
  • Căng thẳng: áp dụng các biện pháp thư giãn như yoga, thiền,...

Chế độ ăn lành mạnh:

  • Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu omega-3.
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế các thực phẩm giàu Purin khi có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp tinh thể (gout) như hải sản, thịt đỏ, rượu…
  • Duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên khớp.

Tập thể dục thường xuyên:

  • Lựa chọn các bài tập ít tác động lên khớp như bơi lội, đi bộ, yoga,...
  • Tập luyện đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Khởi động kỹ trước khi tập và thả lỏng sau khi tập.
  • Phòng tránh các yếu tố nguy cơ góp phần giảm khả năng mắc viêm đa khớp

Viêm đa khớp không chỉ gây ra sự đau đớn và khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiểu rõ về bệnh lý và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp là chìa khóa để kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe. Bằng cách kết hợp giữa việc sử dụng thuốc điều trị, tập luyện thể thao và chăm sóc bản thân, bệnh nhân viêm đa khớp có thể tìm lại sự linh hoạt và thoải mái trong cuộc sống hàng ngày. Trên đây là bài viết tổng quan về viêm đa khớp, Nhà Thuốc Việt hy vọng bạn đọc đã có được cái nhìn rõ nét hơn về căn bệnh này.

---------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/pmc6812894/

https://arthritiscare.com.au/how-to-prevent-arthritis/#Can_you_prevent_arthritis

https://www.saintlukeskc.org/health-library/polyarthritis

---------------------------------------------

Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

• Website: https://nhathuocviet.vn

• Hotline: 0985508450.

• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet

• Địa chỉ số 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM.

• Địa chỉ số 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM.

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật