Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy do đâu? Mẹ cần làm gì?

Bài viết được tham vấn bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân
Hiện tượng trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng vì không biết tình trạng này có nguy hiểm không? Đây có thể là triệu chứng bình thường hoặc cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nên các bậc phụ huynh lưu ý. Hãy cùng Nhà Thuốc Việt tìm hiểu những thông tin về vấn đề trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy ở bài viết sau đây nhé.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Cha mẹ cần nắm rõ nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy để có phương pháp xử lý đúng và kịp thời.

Trẻ chưa tiêu hóa hết thức ăn

Nhiều trẻ đi ngoài phân lỏng có mùi chua, chất nhầy cùng với bọt vì chưa tiêu hóa hết lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Điều này xảy ra do trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa non nớt, men tiêu hóa chưa được hoàn chỉnh nên không tiêu thụ hết lượng đường trong sữa. 
Trẻ chưa tiêu hóa hết thức ăn khiến phân có mùi chua và nhầy

Trẻ chưa tiêu hóa hết thức ăn khiến phân có mùi chua và nhầy

Trẻ nhiễm Rotavirus

Trẻ có thể bị nhiễm Rotavirus do tiếp xúc trực tiếp với bề mặt có chứa virus. Khi nhiễm loại virus này, trẻ sẽ bị sốt, đi ngoài, nôn ói, mất nước nghiêm trọng. Đồng thời, trẻ có thể đi ngoài lên tới 20 lần một ngày kèm theo tình trạng phân lỏng, có bọt, nhầy và màu xanh dưa cải.  

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa 

Táo bón và tiêu chảy là các triệu chứng phổ biến khi trẻ bị rối loạn tiêu hoá. Nếu trẻ sơ sinh bị táo bón, phân của trẻ sẽ có nhầy màu trắng hoặc đỏ lẫn tia máu. Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón là do trẻ bú mẹ quá ít, chế độ dinh dưỡng của mẹ không khoa học hoặc do sữa công thức chứa ít chất xơ, đạm khó tiêu.
Nếu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, trẻ có thể đi ngoài từ 5 - 10 lần trong ngày kèm theo phân có nhiều chất nhầy lẫn máu, mùi chua. Ngoài ra, trẻ sẽ có các biểu hiện như bú kém, mệt mỏi, nôn trớ. Nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy là do vi khuẩn tấn công hệ tiêu hóa nhạy cảm của trẻ.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa

Khi bị nhiễm khuẩn bởi các loại vi khuẩn như E.coli, Salmonella, Shigella,.... trẻ sẽ có dấu hiệu tiêu chảy, phân có mùi chua và có nhầy, có máu kèm theo dấu hiệu sốt cao, buồn nôn. Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hoá là do môi trường xung quanh trẻ không đảm bảo vệ sinh.

Thay đổi nguồn sữa (đổi sữa công thức mới, mẹ đổi cách cho con bú)

Trẻ sơ sinh khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột trong chế độ ăn, đặc biệt là nguồn sữa. Với trẻ sơ sinh uống sữa công thức, khi mẹ đổi sang sản phẩm mới sẽ khiến trẻ dễ đi phân có mùi chua và chất nhầy do sản phẩm nhạy cảm với hệ tiêu hóa của con.  Ngoài ra, với trẻ bú mẹ, nếu mẹ đổi cách cho con bú cũng có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ khó bắt nhịp kịp. Những trẻ bú sữa mẹ đầu (có nhiều nước, vitamin, protein) và sữa cuối (nhiều năng lượng và dưỡng chất hơn) không đều sẽ hấp thu nhiều đường hơn, dẫn đến tình trạng phân lỏng, phân xanh lá, có nhiều chất nhầy.  

Bé mọc răng

Trong giai đoạn mọc răng trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng đi phân có mùi chua và nhầy. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là vì cơn đau do mọc răng kích thích ruột tiết nhiều chất nhầy. Đồng thời, khi trẻ mọc răng sẽ khiến nước bọt tiết ra nhiều nhưng lại không được tiêu hóa nên được thải ra ngoài dưới dạng chất nhầy. 
Mọc răng khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Mọc răng khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột mãn tính đặc thù ở trẻ em. Bệnh gây viêm nhiễm và kích thích tại bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa, ngăn cản quá trình hấp thu dinh dưỡng và có thể dẫn đến mùi phân chua, kèm theo các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi và nôn mửa.

Vấn đề về tuyến tụy

Hoạt động của tuyến tụy không tốt làm trẻ không thể hấp thu hoặc tiêu hóa chất béo, từ đó trẻ đi phân có màu nhạt hoặc trắng kèm theo chất nhầy.

Vấn đề về gan

Khi gan của trẻ có vấn đề sẽ xuất hiện dấu hiệu tiểu tiện không thường xuyên và da, mắt bị vàng. Một số ít trường hợp, trẻ đi phân có chất nhầy và màu nhạt, trắng.

Triệu chứng trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài phân có mùi chua ở mức độ nhẹ và dạng sền sệt lỏng, không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào bất thường khác thì hoàn toàn bình thường, cha mẹ có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài phân có mùi chua kèm theo các triệu chứng sau đây thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:
  • Trẻ đi ngoài phân lỏng liên tục 24 giờ thì có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
  • Trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần với tần suất nhiều, trong phân có lẫn máu. Đây có thể là một triệu chứng cảnh báo về bệnh lý hoặc vấn đề nội tiết nào đó.
  • Đi ngoài kèm theo sốt,  đau bụng, nôn mửa, xanh xao, mệt mỏi và quấy khóc. Đây có thể là biểu hiện của nhiễm trùng hoặc các vấn đề tiêu hóa và dạ dày.
Triệu chứng trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy
Triệu chứng trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy 

Trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy, mẹ cần làm gì?

Dưới đây là một số biện pháp để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy:

Chế độ dinh dưỡng cho bé

Nếu bé bú mẹ hoàn toàn thì mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống hằng ngày của mẹ. Mẹ cần bổ sung vitamin và khoáng chất bằng cách ăn nhiều rau xanh, sữa chua, trái cây và thực phẩm giàu đạm như cá và thịt để giúp cải thiện chất lượng sữa mẹ và dinh dưỡng cho bé. Ngoài ra, mẹ cần hạn chế các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đường, và tinh bột trong thực đơn ăn uống hằng ngày.
Nếu bé uống sữa công thức, tình trạng phân có mùi chua trong 2 - 3 ngày đầu có thể là do bé chưa quen với các thành phần có trong sữa. Tuy nhiên, sau khoảng 5 - 6 ngày mà tình trạng này không cải thiện thì mẹ nên đổi loại sữa khác cho bé.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng khi trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Thay đổi chế độ dinh dưỡng khi trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Vệ sinh sạch sẽ

Trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy cũng có thể do rối loạn tiêu hoá gây ra, vì thế, mẹ cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt cho cả bé và mẹ.

Bổ sung lợi khuẩn

Nếu nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy là do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột thì mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về việc bổ sung lợi khuẩn cho bé. Việc bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và cải thiện tình trạng tiêu hóa cho bé.
Bổ sung lợi khuẩn khi trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Bổ sung lợi khuẩn khi trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy

Trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu trẻ đi phân có mùi chua và nhầy không đi kèm bất kỳ triệu chứng nào và chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn thì không phải dấu hiệu của bệnh lý, cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu bất thường sau thì cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám:
  • Trẻ đi phân có lượng chất nhầy hoặc máu nhiều hơn bình thường.
  • Trẻ bị tiêu chảy, sốt, nhức mỏi người.
  • Trẻ bị mất nước với các triệu chứng như môi khô nứt nẻ, trũng mắt, đi tiểu ít
  • Trẻ đi ngoài có nhầy sau khi uống thuốc.
  • Trẻ sinh non hoặc dưới 3 tháng tuổi có dấu hiệu đi ngoài phân nhầy.
Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy. Khi gặp tình huống này, trước tiên mẹ nên giữ bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân và có phương pháp xử lý đúng cách. Nếu tình trạng không thuyên giảm, kèm theo các dấu hiệu bất thường thì mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật