Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Thuốc loãng xương: Lựa chọn cần cân nhắc hiệu quả và tác dụng phụ

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Loãng xương là căn bệnh phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là người cao tuổi. Việc sử dụng thuốc loãng xương đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh, và đồng thời cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hãy cùng Nhà thuốc Việt tìm hiểu chi tiết về các loại thuốc loãng xương phổ biến hiện nay, cũng như cách sử dụng hiệu quả để bảo vệ sức khoẻ xương.

Bệnh loãng xương là gì? Loãng xương có chữa được không?

Loãng xương là bệnh lý làm cho xương trở nên giòn và dễ gãy. Điều này làm tăng đáng kể nguy cơ gãy xương ngay cả sau một cú ngã hoặc va chạm nhẹ. Đáng lo ngại là bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng, nên nhiều người chỉ phát hiện mình bị loãng xương sau khi đã bị gãy xương. Những vết gãy này có thể gây ra những thay đổi lớn trong cuộc sống, để lại nhiều di chứng, gây đau đớn, tàn tật và mất đi sự tự lập. Chính vì vậy, việc phòng ngừa và điều trị loãng xương là rất quan trọng!

Các vết gãy thường liên quan đến loãng xương thường xảy ra ở hông, cột sống và cổ tay. Gãy xương cột sống là phổ biến nhất, nhưng nhiều người lại xem nhẹ đau lưng như là một dấu hiệu của sự lão hóa và không được chẩn đoán đúng cách.

Mặc dù hiện tại bệnh vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc sử dụng các loại thuốc loãng xương kết hợp với thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa và làm ngưng quá trình tiến triển của bệnh. Tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính và tiền sử bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu cuối cùng của việc điều trị là tăng cường sức mạnh của xương, giảm nguy cơ gãy xương và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thuốc loãng xương đóng vai trò quan trọng trong điều trị loãng xương

Khi nào cần uống thuốc loãng xương?

Điều trị loãng xương bằng thuốc sẽ được áp dụng khi người bệnh được chẩn đoán mắc loãng xương bởi bác sĩ. Cụ thể, điều trị thuốc loãng xương sẽ được đề xuất trong các trường hợp sau:

  • T-score ≤ -2.5 độ lệch chuẩn (SD) trên máy đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA).
  • T-score từ -1 đến -2.5 SD ở những người bệnh có nguy cơ cao gãy xương lớn do loãng xương.
  • Người bệnh có tiền sử bị gãy xương do loãng xương.

Để phòng ngừa loãng xương, bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc trong các trường hợp người bệnh bị thiếu xương (khi xương bị giảm chất lượng nhưng vẫn chưa tới mức loãng xương) và có nguy cơ cao bị gãy xương trong vòng 10 năm tới. Nguy cơ này thường được xác định qua các công cụ đánh giá nguy cơ lâm sàng như FRAX.


Thuốc loãng xương giúp giảm thiểu nguy cơ gãy xương ở người có mật độ xương giảm

Các loại thuốc điều trị loãng xương

Hiện nay có nhiều lựa chọn điều trị loãng xương vô cùng đa dạng. Chúng đã được chứng minh có thể làm giảm nguy cơ gãy xương hông lên đến 40%, gãy xương đốt sống từ 30-70%, và với một số loại thuốc, giảm nguy cơ gãy xương ngoài đốt sống từ 15-20%.

Nếu bạn có chỉ định điều trị thuốc loãng xương, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc phù hợp cho từng người bệnh cụ thể. Các yếu tố sẽ được xem xét bao gồm nguy cơ đối với một loại gãy xương cụ thể (như nguy cơ gãy xương cột sống so với gãy xương hông), các bệnh lý bạn đang mắc phải và các thuốc đang dùng. Cuối cùng, các yếu tố chi phí, khả năng tuân thủ của từng người cũng sẽ ảnh hưởng đến khuyến nghị của bác sĩ về lựa chọn phương án điều trị.

Theo Phác Đồ Điều Trị Loãng Xương Bộ Y Tế 2014 và Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (ACP) 2023 về  về điều trị dược lý cho bệnh loãng xương, các thuốc được sử dụng sẽ gồm có:

Nhóm Biphosphonates

Hiện là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị loãng xương người già, phụ nữ sau mãn kinh, nam giới, loãng xương thứ phát do corticosteroid. Thuốc có tác dụng ức chế tế bào hủy xương. Các thuốc trong nhóm Bisphosphonat được phê duyệt cho cả phòng ngừa và điều trị loãng xương gồm:

  • Alendronate (Fosamax): là loại thuốc loãng xương 1 tuần uống 1 viên, thường được sử dụng bởi nhiều bác sĩ hiện nay.
  • Risedronate (Actonel): viên uống mỗi tuần hoặc mỗi tháng 1 lần.
  • Ibandronate (chỉ được FDA phê duyệt cho phụ nữ sau mãn kinh) (Boniva): viên uống mỗi tháng 1 lần hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi quý.
  • Zoledronic acid (Aclasta) truyền tĩnh mạch, một năm chỉ dùng một liều duy nhất. Thuốc có khả năng hấp thu tốt, không gây kích ứng đường tiêu hóa như các loại thuốc uống. Tác dụng phụ có thể gặp là các triệu chứng giống nhiễm cúm, thường gặp trong lần tiêm đầu tiên và bác sĩ có thể kê Paracetamol trước khi truyền để giảm các phản ứng phụ này.

Tác dụng không mong muốn:

  • Viêm thực quản: tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng Bisphosphonates dạng uống là gây khó chịu dạ dày, viêm dạ dày nên bạn cần uống thuốc vào buổi sáng với nhiều nước ít nhất 30 phút trước khi ăn và uống các loại thuốc khác, và bạn nên giữ tư thế thẳng đứng ít nhất 30 phút sau khi uống để ngăn ngừa viêm thực quản.
  • Hoại tử xương hàm.
  • Gãy xương đùi không điển hình.
  • Hạ canxi máu.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
  • Bất thường ở thực quản (ví dụ: hẹp thực quản).
  • Không có khả năng đứng hoặc ngồi thẳng trong ít nhất 30 phút sau khi điều trị bằng bisphosphonates dạng uống.
  • Suy thận.
  • Hạ canxi máu.
  • Thời kỳ mang thai/cho con bú: không có chống chỉ định rõ ràng, cần cân nhắc các rủi ro/lợi ích tùy từng  trường hợp.

Với sự tiến bộ của y học, các nhóm thuốc điều trị loãng xương khác cũng được phát mình và đưa vào sử dụng. Trong trường hợp có chống chỉ định với liệu pháp bisphosphonate, không cải thiện với bisphosphonates hoặc không thể chịu đựng được do tác dụng phụ liệu pháp bisphosphonate, các nhóm thuốc này có thể được cân nhắc.

Bisphosphonates là lựa chọn đầu tay khi điều trị thuốc loãng xương

Thuốc Denosumab

Denosumab có thể được sử dụng cho người bệnh loãng xương có chức năng thận bị suy giảm (không thể sử dụng Bisphosphonates) và nam giới đang trải qua liệu pháp giảm androgen cho ung thư tuyến tiền liệt. Thuốc được sử dụng qua đường tiêm dưới da mỗi 6 tháng 1 lần. Các tác dụng phụ tiềm năng của Denosumab bao gồm hạ canxi máu và hoại tử xương hàm, mặc dù hiếm gặp.

Thuốc PTH và các chất tương tự (Teriparatide và Abaloparatide)

Là các lựa chọn thay thế cho những người bệnh có nguy cơ cao hoặc rất cao bị gãy xương. Cơ chế tác động của chúng tương tự như hormon cận giáp người, giúp tăng hoạt động của tế bào tạo xương. Các tác dụng phụ có thể bao gồm tăng canxi máu (thường là tạm thời), chóng mặt, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, co thắt cơ và cần thận trọng khi sử dụng ở những người bệnh có các yếu tố nguy cơ đối với ung thư xương, chẳng hạn như bệnh Paget, tiền căn ung thư trước đây hoặc từng xạ trị xương.

Thuốc Romosozumab

Romosozumab là một kháng thể đơn dòng chống lại sclerostin, hoạt động bằng cách tăng hình thành xương và giảm tái hấp thu xương. Thuốc này được dùng như một lựa chọn thay thế cho phụ nữ sau mãn kinh có nhiều gãy xương đốt sống hoặc có nguy cơ gãy xương rất cao. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng Romosozumab ở những người bệnh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao vì Romosozumab có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong do tim mạch. 

Thuốc Raloxifene

Raloxifene là một chất điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (SERM), có thể được sử dụng cho những người bệnh có nguy cơ cao bị ung thư vú. Tuy nhiên, Raloxifene có thể làm tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

Thuốc Calcitonin

Calcitonin được sử dụng để điều trị loãng xương sau mãn kinh (mặc dù ít được sử dụng do có sẵn các lựa chọn thay thế hiệu quả hơn) và có thể được chỉ định ngắn hạn để giảm đau cấp tính do gãy xương đốt sống. Calcitonin ức chế quá trình tái hấp thu xương và cần theo dõi mật độ khoáng xương (BMD) trong quá trình điều trị. Tác dụng phụ của Calcitonin là có thể làm tăng nguy cơ ung thư. 

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone ức chế quá trình tái cấu trúc xương và có thể được chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen có liên quan đến việc tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và một số loại ung thư như ung thư vú, nội mạc tử cung và buồng trứng. Khi điều trị bằng Estrogen, người bệnh nên kết hợp với liệu pháp progesterone để giảm nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung.

Có nhiều loại thuốc loãng xương thay thế trong trường hợp không thể sử dụng Bisphosphonates

Các thuốc được phê duyệt để điều trị loãng xương ở nam giới

Ở nam giới, chỉ có một số thuốc loãng xương có thể được chỉ định bao gồm:

  • Alendronate, risedronate, axit zoledronic, và teriparatide
  • Denosumab được phê duyệt cho nam giới nhận điều trị liệu pháp thiếu hụt Androgen cho ung thư tuyến tiền liệt.

Các thuốc khác

Bên cạnh việc sử dụng thuốc loãng xương, bổ sung canxi và vitamin D là cần thiết để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu. Để duy trì sức khỏe xương tốt nhất, bạn nên bổ sung từ 500 đến 1.500mg canxi mỗi ngày, cùng với 800 đến 1.000 IU vitamin D hàng ngày. Đối với những người bệnh lớn tuổi hoặc những người có chức năng thận suy giảm, có thể cần sử dụng Calcitriol (chất chuyển hóa của vitamin D) với liều lượng từ 0,25 đến 0,5 mcg mỗi ngày.

Trong quá trình điều trị loãng xương, bạn có thể cần sử dụng các loại thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau. Các lựa chọn thường bao gồm:

  • Thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen hoặc Naproxen.

Trong một số trường hợp loãng xương thứ phát do bệnh lý (như cường giáp, đái tháo đường, ăn uống không đủ dinh dưỡng, sử dụng Corticoid, lợi tiểu kéo dài…), bác sĩ sẽ cần phải tìm ra nguyên nhân chính gây ra loãng xương và chỉ định thuốc điều trị phù hợp. 

Phải sử dụng thuốc loãng xương trong bao lâu?

Nhóm Bisphosphonates

Việc điều trị bằng bisphosphonates nên được xem xét ngưng sau 5 năm ở phụ nữ không có tiền sử gãy xương đốt sống. Đối với những người bệnh có nguy cơ cao bị gãy xương chính do loãng xương, nên xem xét tổng thời gian điều trị là 10 năm đối với bisphosphonates dạng uống hoặc 6 năm đối với zoledronic acid. Việc ngưng sử dụng bisphosphonates tạm thời có thể được thực hiện sau 3-5 năm điều trị, nhưng thời gian tối ưu của kỳ nghỉ này vẫn chưa rõ ràng. 

Abaloparatide, teriparatide

Thời gian điều trị bằng Abaloparatide và Teriparatide nên kéo dài 2 năm. Sau khi ngừng thuốc, có thể chuyển sang sử dụng bisphosphonates hoặc denosumab.

Romosozumab

Thời gian điều trị bằng Romosozumab là 1 năm. Sau đó, có thể chuyển sang sử dụng bisphosphonates hoặc denosumab.

Denosumab

Việc điều trị bằng Denosumab không có thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, sau khi ngừng thuốc, nên chuyển sang sử dụng một loại thuốc loãng xương khác để duy trì hiệu quả điều trị.

Cần lưu ý gì khi dùng thuốc trị loãng xương?

Cũng như mọi loại thuốc khác, các phương pháp điều trị loãng xương chỉ hiệu quả khi được sử dụng đúng cách. Theo các báo cáo, có đến một nửa số người bệnh loãng xương tự ý ngừng điều trị sau một năm. Nếu bạn được kê đơn thuốc điều trị loãng xương, hãy nhớ rằng việc tuân thủ điều trị sẽ giúp bạn tăng mật độ xương, giảm mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc lo ngại nào, đừng ngừng thuốc mà không thảo luận với bác sĩ của bạn. Việc tự ý ngừng điều trị có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của bạn.

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về thời gian uống thuốc loãng xương

Cách phòng ngừa và ngăn bệnh tiến triển

  • Dinh dưỡng
    • Để duy trì sức khỏe xương, chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò then chốt, đặc biệt là việc bổ sung đủ canxi và protein - những chất dinh dưỡng thiết yếu cho xương. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy hai chất này trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt…
    • Ở người lớn tuổi, khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất giảm dần, dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do không cung cấp đủ protein và vitamin cần thiết qua thực phẩm hàng ngày. Vì vậy, việc cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung canxi và vitamin D là cần thiết, đặc biệt khi chế độ ăn thiếu sữa và thời gian tiếp xúc ánh nắng mặt trời ít. Vitamin D rất quan trọng cho quá trình hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe xương. Một người trưởng thành cần ít nhất 15 phút tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mỗi ngày để tạo đủ vitamin D. Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua các thực phẩm như cá dầu, trứng, nấm và các sản phẩm từ sữa hoặc nước trái cây được bổ sung vitamin D.
  • Hoạt động thể chất và duy trì cân nặng hợp lý
    • Tập thể dục đều đặn là một phần không thể thiếu trong việc giữ gìn sức khỏe xương. Các hoạt động thể dục không chỉ giúp cải thiện sự cân bằng, tư thế và sức mạnh cơ bắp, mà còn giúp ngăn chặn quá trình mất xương và giảm khối lượng cơ khi chúng ta già đi. Đặc biệt, người lớn tuổi nên tập trung vào các bài tập chịu trọng lượng và những bài tập giúp cải thiện sự cân bằng và sức mạnh cơ bắp.
    • Duy trì cân nặng hợp lý cũng rất quan trọng. Cơ thể quá gầy (BMI dưới 19) có thể gây hại cho xương.
  • Tránh hút thuốc và uống rượu nhiều.
    • Hạn chế việc hút thuốc và uống rượu nhiều cũng là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe xương.
  • Cẩn thận trong việc phòng ngừa té ngã, cả trong nhà và ngoài trời.
    • Té ngã là một trong những nguyên nhân gây gãy xương thường gặp ở người già. Một số bệnh lý xuất hiện theo quá trình lão hóa như cao huyết áp, tụt huyết áp, rối loạn tiền đình, đục thủy tinh thể, viễn thị… làm tăng khả năng té ngã.
  • Khám và tham vấn bác sĩ chuyên khoa về tình trạng của mình
    • Nhận biết được các yếu tố có thể dẫn đến loãng xương và thực hiện kiểm tra sớm để phát hiện bệnh là yếu tố then chốt trong phòng loãng xương. Nếu cần thiết, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ về việc kiểm tra sức khỏe xương của bạn, nhất là khi đã nhận thấy các dấu hiệu nguy cơ liên quan đến loãng xương.

Kết hợp dinh dưỡng và tuân thủ điều trị thuốc loãng xương giúp ngăn bệnh tiến triển

Kết luận

Thuốc loãng xương là một phần quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh loãng xương tiến triển, giúp bảo vệ sức khỏe xương và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Hiểu rõ về các loại thuốc, cách sử dụng và tác dụng phụ có thể gặp phải là cần thiết để đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị. Hy vọng qua bài viết trên, Nhà Thuốc Việt đã cung cấp những thông tin hữu ích để bạn có cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn về các thuốc loãng xương.

---------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP (Ban hành kèm theo Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế) 

---------------------------------------------

Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

• Website: https://nhathuocviet.vn

• Hotline: 0985508450.

• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet

• Địa chỉ số 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM.

• Địa chỉ số 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM.

 

Tham gia bình luận:

  • bb96

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật