Thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống như đau nhiều gây mất ngủ, thoát vị nặng làm yếu liệt,... khiến người bệnh phải nghỉ làm, tốn kém nhiều chi phí điều trị. Nhiều người vì không hiểu mức độ nguy hiểm của bệnh mà xem thường bệnh tật làm trì hoãn quá trình điều trị. Việc nâng cao hiểu biết về bệnh lý này sẽ giúp người bệnh nhận diện mức độ bệnh và phương pháp điều trị nào phù hợp. Thấu hiểu nhu cầu tìm hiểu về sức khỏe, Hệ thống Nhà thuốc Việt sẽ chia sẻ đến các bạn đọc các thông tin về thoát vị đĩa đệm là gì, nguyên nhân, dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, cách bác sĩ chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm ra sao ngay trong bài viết sau đây.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Hiểu rõ về đĩa đệm
Cột sống của chúng ta được cấu tạo nhiều đốt sống, giữa mỗi đốt sống sẽ có một lớp đệm được gọi là đĩa đệm.
Đĩa đệm là một cấu trúc nằm giữa các đốt sống
Cấu tạo của đĩa đệm
Đĩa đệm là một cấu trúc chiếm khoảng 25-33% chiều dài cột sống. Đĩa đệm có dạng hình nêm, có độ cong lồi, nằm trong các khoảng trống giữa các thân đốt sống liền kề. Mỗi đĩa đệm bao gồm ba thành phần cơ bản: một nhân đĩa nằm ở vị trí trung tâm; hai tấm sụn nằm ở phía dưới và phía trên cùng với và vòng xơ bao quanh nhân đệm.
Cột sống bình thường của con người chứa 23 đĩa đệm (6 đĩa ở cột sống cổ, 12 đĩa cột sống ngực ngực và 5 đĩa ở vùng cột sống thắt lưng), mỗi đĩa dày chỉ vài mm.
Chức năng của đĩa đệm
Bạn có thể hình dung đĩa đệm giống như phuộc nhún của xe máy. Các đĩa đệm nằm giữa có cương đốt sống cứng nhắc có chức năng chịu lực, cho phép chuyển động (uốn cong, duỗi và xoay) dễ dàng và hạn chế những chấn thương trên cột sống. Đĩa đệm cũng cung cấp sự bảo vệ cho các cấu trúc thần kinh nằm trong ống sống của xương đốt sống và thần kinh đi bên cạnh cột sống.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Như các bạn đã biết thì đĩa đệm có cấu tạo là một nhân nhầy ở giữa và vòng bao xơ xung quanh. Khi đĩa đệm bị trượt ra khỏi vị trí của nó, có thể gây rách bao xơ dẫn đến nhân nhầy bị thoát ra ngoài, chèn vào dây thần kinh gây nên cơn đau lưng. Tình trạng này được gọi là thoát vị đĩa đệm.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm thoái hóa sớm hơn nhiều so với các mô cơ xương khác, tăng dần theo độ tuổi, tuổi càng cao thì khả năng thoái hoá và mức độ thoái hoá càng lớn, đặc biệt là ở nam giới. Khi con người già đi, các đĩa đệm trở nên kém linh hoạt hơn và dễ bị rách hoặc vỡ ngay cả khi bị căng hoặc xoắn nhẹ. Không quá bất ngờ khi thoái hoá là nguyên nhân thường gặp của thoát vị đĩa đệm.
Tuy nhiên đôi khi vật động nặng hoặc mang vác sai tư thế cũng có thể dễ đến thoát vị đĩa đệm. Việc dùng cơ lưng thay vì cơ chân, cơ đùi để nâng vật nặng có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Xoay người khi nâng cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm. Hiếm khi nguyên nhân là do một chấn thương như té ngã hoặc bị đánh vào lưng.Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở trẻ em nhưng trường hợp này rất hiếm.
Đĩa đệm có thể bị vỡ đột ngột do có quá nhiều áp lực đè lên đĩa cùng một lúc. Ví dụ như té ngã và tiếp đất trong tư thế ngồi có thể gây ra một lực rất lớn xuyên qua cột sống. Nếu lực đủ mạnh, đốt sống có thể bị gãy hoặc đĩa đệm có thể bị vỡ. Đĩa đệm ngoài ra cũng có thể bị vỡ do một lực nhỏ nếu lực này là do cộng dồn theo thời gian khi bạn tạo ra một chấn thương lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó là lý do nhiều người bệnh phát hiện ra thoát vị đĩa đệm ở độ tuổi trẻ cảm thấy bất mãn với chẩn đoán này vì trong thời gian gần đây họ không hề chấn thương hay mang vác vật gì quá nặng. Lúc này người bệnh sẽ phải hồi cứu lại liệu rằng trong quá khứ, họ có từng có những thói quen không tốt có thể dẫn đến chấn thương vùng cột sống hay không?
Các yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm
Nếu bạn muốn phòng tránh thoát vị đĩa đệm hoặc đã thoát vị nhưng mong muốn kiểm soát tốt tình hình để tránh tăng nặng tình trạng bệnh thì việc nắm rõ các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng!
Cân nặng
Khi cân nặng cao, phần lưng dưới của bạn phải chịu một lực rất lớn, lực đó là để năng đỡ phần trên của cơ thể bạn. Vì thế có một cơ thể cân đối sẽ có lợi không chỉ đối với cột sống mà còn cả khớp gối của bạn.
Nghề nghiệp
Những người làm công việc đòi hỏi thể chất có nguy cơ mắc các vấn đề về lưng cao hơn. Các động tác nâng, kéo, đẩy, xoay và vặn người lặp đi lặp lại cũng có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Hút thuốc
Chắc các bạn đọc sẽ rất bất ngờ với yếu tố nguy cơ này. Chúng ta thường tin rằng hút thuốc là chỉ có hại cho phổi. Nhưng tác động xấu của thuốc lá có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan, mà bao gồm trong đó có cả đĩa đệm. Hút thuốc làm tăng tốc quá trình thoái hoá đĩa đệm bằng cách lấy đi các chất dinh dưỡng thiết yếu của đĩa đệm cột sống, gây tổn thương cho vòng sợi và nhân nhầy.
Lái xe thường xuyên
Không chỉ có những người làm các công việc lao động hao tổn sức lực mới có nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Việc một tài xế xe ngồi lâu khi di chuyển xe đường dài, kết hợp với sự rung động từ động cơ xe có thể gây áp lực lên cột sống dẫn đến chấn thương và thoát vị đĩa đệm.
Tập luyện thể thao cường độ cao sai tư thế
Tập luyện thể thao sai tư thế dẫn đến thoát vị đĩa đệm
Tập thể dụng cường độ cao với các bài tập nặng như nâng tạ nhưng sai tư thế có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Ngược lại một số động tác thể dụng có thể cải thiện được tình trạng trượt đĩa đệm. Vì vậy để bảo vệ cột sống, với các hoạt động thể thao mà cột sống phải chịu lực nhiều, bạn nên luyện tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia thể thao.
Nhận biết dấu hiệu thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm gây ra triệu chứng theo hai cách. Đầu tiên, nhân nhầy bị vỡ vào ống sống có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh trong ống sống. Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy vật liệu nhân nhầy gây ra sự kích thích hóa học ở rễ thần kinh. Cả áp lực lên rễ thần kinh và kích thích hóa học đều có thể dẫn đến các triệu chứng đau, yếu và/hoặc tê ở vùng cơ thể mà dây thần kinh thường đi qua.
Cột sống của chúng ta chia làm ba phần từ trên xuống dưới là cột sống cổ, cột sống ngực và cột sống thắt lưng. Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra tại đĩa đệm cột sống cổ và vật sống thắt lưng. Trong khi đó thoát vị tại vị trí cột sống ngực ít xảy ra hơn hẳn vì cột sống ngực là phần cột sống ít di động hơn so với tại cổ và lưng.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây nên tiêu tiểu không tự chủ
Triệu chứng thường gặp nhất của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là đau tại vị trí cột sống bị thoát vị. Khi thoát vị nặng sẽ dẫn đến chèn ép nhiều dây thần kinh sẽ gây nên các triệu chứng yếu chân, tê chân lan theo đường đi của thần kinh, thậm chí có thể rối loạn vấn đề đi tiêu đi tiểu (như tiểu nhiều lần, tiêu tiểu không kiểm soát. Cơn đau gây ra do thoát vị sẽ tăng nặng khi bạn cúi người, hoặc ở tư thế nằm ngửa duỗi thẳng chân và nâng cao chân. Thường đau sẽ giảm khi nằm nghỉ ngơi, tuy nhiên nếu thoát vị nặng bạn có thể cảm thấy đau mọi lúc bất kể đang hoạt động hay nghỉ ngơi. Thoát vị đĩa đệm lưng là thường gặp nhất so với thoát vị ở hai vị trí còn lại.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ khi xảy ra gây đau tại chỗ, khi có chèn ép nhiều vào đường ra của dây thần kinh gây đau hoặc cảm giác tê lan xuống vai, cánh tay, cẳng tay và ngón tay, thậm chí có thể gây yếu sức cơ ở tay.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống ngực
Cột sống ngực do có độ bất động nên hầu như hiếm gặp, thường xảy ra ở đoạn cuối của cột sống ngực do vùng này có khả năng di động hơn. Các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống ngực cũng bao gồm đau tại chỗ, khi bệnh diễn tiến nặng có thể đau nhiều hơn tại chỗ, đau lan chân và yếu các cơ mà nhóm thần kinh tại vị trí cột sống này này phân phối đến.
Cách chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm dựa trên thăm khám
Thăm khám giúp bác sĩ xác định người bệnh đau có phải do thoát vị đĩa đệm hay không?
Việc chẩn đoán thoát vị nhân nhầy bắt đầu bằng việc hỏi bệnh sử đầy đủ và khám thực thể. Các câu hỏi chính mà bác sĩ thường sẽ là:
- Người bệnh có bị chấn thương gần đây không?
- Đau tại vị trí nào?
- Người bệnh có bị tê không? Tê ở đâu?
- Người bệnh có yếu tay chân hay không? Yếu tại vị trí nào?
- Trước đây người bệnh đã có từng bị tương tự hay chưa?
- Gần đây người bệnh có bị sụt cân, sốt hoặc ốm đau gì không?
- Bạn có gặp bất thường trong việc đi tiêu, đi tiểu hay không?
Ngoài hỏi bệnh, bác sĩ sẽ còn cần thăm khám các dấu hiệu lâm sàng để xác định đau là do thoát vị đĩa đệm, kiểm tra người bệnh đã có tình trạng yếu cơ hay chưa, có rối loạn cảm giác hay không và tại vị trí nào để ước đoán vị trí đĩa đệm đang bị tổn thương.
Thường nếu đã xác định đau trên người bệnh là do thoát vị đĩa đệm gây ra, mà người bệnh lại có kèm theo tình trạng yếu liệt chi, hoặc rối loạn vấn đề đi tiêu đi tiểu, sẽ được xem là tình huống khẩn, người bệnh cần được xem xét phẫu thuật càng sớm càng tốt để cứu vãn trước khi tổn thương không thể phục hồi.
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm dựa trên xét nghiệm
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm không chỉ dựa trên thăm khám mà phải dựa trên hình ảnh để xác định chẩn đoán, và đưa ra chỉ định can thiệp (điều trị) như thế nào là phù hợp với từ đối tượng người bệnh.
X-quang
Với người bệnh lớn tuổi hoặc có té ngã, phim X-quang cột sống chụp hướng thẳng và nghiêng thường được chỉ định đầu tiên vì chi phí rẻ. Tuy nhiên phim chụp X quang chỉ có thể thấy xương chứ không thấy được đĩa đệm. Mục đích của phim X-quang chỉ để khảo khác mức độ hao mòn do thoái hoá cột sốt, cũng như các tình trạng gãy, lúc sau chấn thương.
MRI
MRI có thể giúp nhận diện được thoát vị đĩa đệm
Phim chụp có thể chẩn đoán được thoát vị đĩa đệm là phim MRI chụp không cản từ (không bơm thuốc cản quang). Với loại phim này bác sĩ có thể quan sát được đĩa đệm và thấy được liệu đĩa đệm có bị di lệch, bao xơ có vỡ dẫn đến tràn nhân nhầy đĩa đệm hay không. Ngoài ra trên MRI cũng có thể đánh giá được mức độ chèn ép là nhiều hay ít, là một trong những yếu tố để quyết định người bệnh có cần mổ hay không hay có thể điều trị bằng các phương pháp bảo tồn khác. Trên phim MRI cũng có thể quan sát những tổn thương gãy, vỡ, xẹp lún của xương cột sống.
Điện cơ
Những tình trạng yếu cơ nhưng cơn đau không rõ ràng, hoặc nghi ngờ yếu, khó nhận định có phải do thoát vị đĩa đệm gây nên hay không, điện cơ có thể giúp đánh giá được dây thần kinh nào bị tổn thương, từ đó đối chiếu với tổn thương đĩa đệm trên phim chụp MRI để đưa ra kết luận.
Phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm
Chỉ vì thoát vị đĩa đệm không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ phải phẫu thuật. Việc điều trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào các triệu chứng. Nó cũng phụ thuộc vào việc các triệu chứng đang dần trở nên tồi tệ hơn - hay liệu chúng có thuyên giảm hay không. Nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Nếu các triệu chứng trở nên tốt hơn, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi và chờ xem liệu các triệu chứng có biến mất hay không. Nhiều người ban đầu gặp vấn đề do thoát vị đĩa đệm, nhận thấy rằng bệnh sẽ khỏi hoàn toàn sau vài tuần hoặc vài tháng.
Điều trị bảo tồn
Với những trường hợp thoát vị đĩa đệm nhẹ: đau tại chỗ, có thể có hoặc không tê lan tay/chân, người bệnh không bị yếu chi, điều trị bảo tồn sẽ là lựa chọn đầu tiên. Thoát vị đĩa đệm có thể tự hồi phục sau 2 tới 12 tuần từ lúc xảy ra chấn thương gây thoát vị đĩa đệm.
Theo dõi thêm
Nếu đau ít, người bệnh có thể được bác sĩ đề nghị theo dõi tình trạng đau thêm mà không điều trị gì. Nếu cơn đau không thể chịu đựng được và có tình trạng yếu hoặc tê tiến triển, bạn sẽ cần tái khám để được đánh giá lại phương pháp điều trị phù hợp.
Nghỉ ngơi
Bên cạnh theo dõi sự tiến triển hoặc thuyên giảm của tình trạng đau, nghỉ ngơi, hạn chế các môn thể thao nặng, mang vác nặng hay các động tác gây ảnh hưởng đến vị trí đau cũng cần thực hiện kèm.
Thuốc giảm đau
Có nhiều loại thuốc để giảm cơn đau do thoát vị đĩa đệm
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau, thuốc giảm đau được bác sĩ kê toa để giảm triệu chứng. Thuốc giảm đau có nhiều loại, giảm đau theo nhiều cơ chế và giảm đau nhiều mức độ khác nhau. Thuốc giảm đau càng mạnh càng có nhiều tác dụng phụ hơn, một số loại có thể gây nghiện. Thuốc giảm đau nhẹ không kê toa hiện nay là Paracetamol, bạn có thể mua mà không cần kê toa. Tuy nhiên với các loại giảm đau khác, hãy đảm bảo rằng bạn được chỉ định dùng dưới kê toa của bác sĩ vì một số thuốc giảm đau có giới hạn số ngày sử dụng do gây nghiện.
Tiêm Steroid ngoài màng cứng
Tiêm giảm đau là liệu pháp giảm đau nếu bạn đau dữ dội mà giảm đau viên uống không giảm được cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên hiệu quả là giảm cơn đau cấp tính một cách tạm thời.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể cải thiện tình trạng trượt đĩa đệm và giảm đau hiệu quả nếu bạn tập tại cơ sở có khoa vật lý trị liệu uy tín. Bên cạnh được hướng dẫn các động tác phù hợp, khoa vật lý trị liệu sẽ còn nhiều phương pháp giảm đau khác mà bác sĩ vật lý trị liệu có thể chỉ định giúp giảm đau cho bạn như điện xung, sóng siêu âm hoặc một số dụng cụ trị liệu khác.
Châm cứu và Cấy chỉ
Y học cổ truyền trước nay với những trường hợp đau lưng mạn tính do thoát vị đĩa đệm chưa có chỉ định mổ hoặc thuốc giảm đau không hiệu quả có thể mang đến lợi ích đáng kể.
Châm cứu có thể giảm đau và tê do thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên thường điều trị một liệu trình bạn sẽ phải châm cứu mỗi ngày trong vòng 7-14 ngày theo liệu trình của bác sĩ Y học cổ truyền mới mang đến hiệu quả kỳ vọng.
Cấy chỉ cũng tương tự châm cứu nhưng thay vì châm kim rồi rút ra, bác sĩ sẽ châm các sợi chỉ tự tiêu vào các huyệt đạo. Cấy chỉ tốn kém hơn châm cứu, nhưng kéo dài hiệu quả mà chỉ cần thực hiện một lần thay vì phải đến cơ sở y tế mỗi ngày để châm cứu.
Điều trị phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm sẽ được thực hiện trong trường hợp người bệnh bị thoát vị dẫn đến yếu liệt chi hay rối loạn tiêu tiểu. Bác sĩ sẽ sửa chữa đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí, giải phóng áp lực đè lên vùng thần kinh bị tổn thương, gọi là phẫu thuật giải ép, thay thế đĩa đệm. Trường hợp có tổn thương xương cột sống do chấn thương, phần xương cột sống sẽ được sửa chữa trong cùng một cuộc phẫu thuật.
Không phải thoát vị đĩa đệm chỉ xảy ra ở người cao tuổi và không phải trường hợp thoát vị đĩa đệm nào cũng cần phải phẫu thuật. Hãy lưu tâm những yếu tố nguy cơ có thể gây nên thoát vị đĩa đệm để tránh những động tác có hại cho cột sống và đĩa đệm. Bên cạnh đó, tác giả của bài viết mong rằng các bạn đọc có thể nhận diện được tình trạng thoát vị đĩa đệm của bản thân hoặc người thân thuộc mức độ nặng hay nhẹ để có thái độ phù hợp và khi nào thì cần gặp bác sĩ chuyên môn để điều trị.
Chúc các bạn luôn có một sức khỏe thật tốt và hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết kiến thức về sức khoẻ tiếp theo trên website của Nhà thuốc Việt. Trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm cần sử dụng thuốc, người bệnh tìm mua thuốc chính hãng, có dược sĩ chuyên môn cao tư vấn về cách sử dụng, xử trí khi có tác dụng phụ, hãy liên hệ nhà thuốc Việt:
– Hotline: 0985508450
– Zalo: 0985508450
Địa chỉ:
Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM