Trao đổi với PV Dân trí vì sao tạm dừng mở một số ngành trong lĩnh vực y tế như Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền ở trình độ ĐH và Dược ở trình độ ĐH và CĐ tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Để nâng cao chất lượng đào tạo”.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT có công văn về việc tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và trình độ CĐ, ĐH đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược, vậy lý do vì sao? PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
Thưa ông, lý do nào mà Bộ GD-ĐT tạm dừng mở một số ngành trong lĩnh vực y tế đối với các trường đào tạo đa ngành, không chuyên về y tế, có phải do chất lượng đào tạo của những trường này quá kém?
Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Y, Dược là vấn về quan trọng, liên quan đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển cả về thể lực, trí lực của toàn dân và các thế hệ mai sau. Do đó, việc xác định các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế phải có sự khác biệt cần thiết so với những ngành khác.
Trong quá trình quản lý các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế trong việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế theo hồ sơ mở ngành của một số trường đại học. Kết quả kiểm tra cho thấy cần có biện pháp mạnh hơn nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Vì vậy, sau khi thống nhất với Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đã quyết định thông báo tạm dừng mở một số ngành trong lĩnh vực y tế như Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền ở trình độ đại học và Dược ở trình độ Đại học và Cao đẳng tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
Việc tạm dừng mở các ngành nêu trên để nhằm: Rà soát và hoàn thiện các quy định về tiêu chí để nâng cao chất lượng đào tạo; dự báo, xác định nhu cầu sử dụng nhân lực y tế trong từng giai đoạn để xác định quy mô đào tạo nhân lực y tế của mỗi giai đoạn và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế phù hợp với nhu cầu sử dụng; đánh giá lại năng lực đào tạo của các cơ sở đang tham gia đào tạo nhân lực y tế và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của từng cơ sở để có biện pháp chấn chỉnh hoặc đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với những ngành đang đào tạo, giải pháp của Bộ thể nào để nâng cao chất lượng? Bộ có nhắc nhở các trường khác phải nâng cao chất lượng đầu vào không ?
Việc nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của toàn ngành cũng như của từng trường.
Trên cơ sở xác định rõ yêu cầu của việc làm, nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường xây dựng và công bố chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng nhất là về đội ngũ giảng viên và trang thiết bị phục vụ cho đào tạo.
Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học. Những ngành đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo không đáp ứng được các điều kiện theo quy định đã bị dừng tuyển sinh.
Hiện nay Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo trình độ cao đẳng và kiên quyết dừng tuyển sinh đối với những ngành không đảm bảo các điều kiện về chất lượng theo quy định. Một số ngành và chuyên ngành đào tạo đã hết thời hạn bị dừng tuyển sinh mà nhà trường chưa khắc phục được sẽ bị thu hồi quyết định mở ngành.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế đưa ra các quy định mới về điều kiện đảm bảo chất lượng và sẽ có lộ trình để các trường thực hiện.
Hiện nay có quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Ý của một lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, do không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nên việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng. Phải chăng trong thời gian qua, sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế trong đào tạo nhân lực y tế chưa chặt chẽ?
Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong đào tạo nhân lực y tế.
Lãnh đạo hai Bộ có lịch làm việc để thống nhất những vấn đề cần tập trung giải quyết trong từng giai đoạn. Cục Khoa học và Đào tạo Bộ Y tế và Vụ Giáo dục Đại học của Bộ GD-ĐT thường xuyên có giao ban, họp theo định kỳ hàng quý để phối hợp công tác và thống nhất giải quyết các vấn đề chung liên quan đến công tác đào tạo nhân lực y tế.
Bên cạnh việc phối hợp rà soát điều kiện để cho phép mở ngành, dừng mở ngành, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cở sở…, Vụ Giáo dục Đại học và Cục Khoa học và Đào tạo đã tham mưu đề xuất lãnh đạo hai Bộ cho mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội như ngành hộ sinh trình độ cao đẳng, ngành điều dưỡng trình độ thạc sĩ.... Hiện nay hai đơn vị đang nghiên cứu đề xuất lãnh đạo hai Bộ về các giải pháp thực hiện đào tạo nhân lực y tế ở một số chuyên ngành đang thiếu nhân lực như Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh.
Trong thời gian tạm dừng mở ngành, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.; xây dựng các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; đánh giá nhu cầu sử dụng nhân lực y tế và xác định nhu cầu đào tạo nhân lực y tế…
Bộ GD-ĐT chủ trương tạm dừng xem xét hồ sơ mở ngành y dược ở các trường đa ngành đến bao giờ, thưa ông?
Như tinh thần Công văn số 6975/ BGDĐT-GDĐH ngày 3/12/2014, sau khi có kết quả tiến hành rà soát và đánh giá hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc về đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực y tế của cả các trường chuyên ngành y dược và các trường đa ngành, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ cùng xây dựng và hoàn thiện tiêu chí mở ngành để đảm bảo chất lượng nhân lực y tế. Dự kiến công tác này được triển khai trong năm 2015.
Xin trân trọng cám ơn ông!