Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Phác đồ điều trị viêm khớp gối: nguyên tắc và các loại thuốc được sử dụng

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Viêm khớp gối là bệnh lý phổ biến, không chỉ gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh, mà còn khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Hiểu rõ về các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn các triệu chứng, và cải thiện chất lượng sống.

Trong bài viết sau, Nhà thuốc Việt sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về phác đồ điều trị viêm khớp gối - từ thuốc đến các liệu pháp hỗ trợ không dùng thuốc, giúp người bệnh và người nhà họ hiểu rõ các lựa chọn, và cách thức tiếp cận điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Viêm khớp gối là gì?

Viêm khớp gối là tình trạng viêm xảy ra tại khớp gối, trong đó sụn khớp bị và các cấu trúc xung quanh bị tổn thương. Đây là căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý về khớp với nhiều nguyên nhân đa dạng, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Đau khớp gối là triệu chứng thường gặp nhất. Cơn đau do viêm khớp gối không chỉ làm người bệnh giảm đi khả năng di chuyển mà còn có thể gây cứng khớp. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, các triệu chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến teo cơ và thậm chí là tình trạng khớp bị dính lại với nhau khiến việc đi lại bình thường cũng trở nên khó khăn.

Trong trường hợp viêm khớp gối do các nguyên nhân tự miễn, những dấu hiệu và biến chứng trên các cơ quan khác như mắt, tim, phổi, ruột, da… cũng góp phần khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.

Phác đồ điều trị viêm khớp gối cần được sử dụng phù hợp cho từng nguyên nhân

Nguyên nhân viêm khớp gối do đâu? 

Nguyên nhân viêm khớp gối được chia làm hai nhóm: viêm khớp gối nguyên phát và viêm khớp gối thứ phát. Trong đó, viêm khớp gối nguyên phát hay còn được biết đến là viêm khớp gối vô căn, thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng và phim chụp của người bệnh. Tuy được gọi là vô căn nhưng các nhà khoa học tin rằng một số yếu tố di truyền và môi trường có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tuổi cao, giới nữ, tiền sử gia đình mắc viêm khớp, vi chấn thương…

Trong các trường hợp còn lại, viêm khớp gối có thể do các bệnh lý khác gây ra, được gọi là viêm khớp gối thứ phát. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Viêm khớp sau chấn thương: đây là tình trạng phổ biến khi khớp gối bị tổn thương do tai nạn hoặc chấn thương thể thao, dẫn đến viêm và thoái hóa dần theo thời gian.
  • Viêm khớp dạng thấp: đây là một bệnh tự miễn tấn công các khớp, bao gồm cả khớp gối.
  • Gout: viêm khớp do gout xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến hình thành tinh thể urat trong khớp, gây viêm và đau nhức.
  • Viêm khớp nhiễm trùng: vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể xâm nhập vào khớp gối, gây viêm nhiễm và tổn thương sụn khớp.
  • Viêm khớp vảy nến: đây là một biến chứng của bệnh vảy nến, có thể ảnh hưởng đến khớp gối.
  • Thoái hóa khớp: theo thời gian, sụn khớp dần bị thoái hóa, trở nên mỏng manh và dễ bị tổn thương, dẫn đến viêm khớp gối.

Triệu chứng của viêm khớp gối

  • Đau khớp gối: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp gối. Trong thoái hóa khớp, cảm giác đau thường xuyên xuất hiện khi bạn di chuyển và có thể giảm bớt khi nghỉ ngơi. Trái ngược với thoái hóa khớp, đau khớp trong viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp vảy nến, đau khớp thường giảm sau khi vận động và tăng khi nghỉ. Đối với viêm khớp do Gout hay viêm khớp nhiễm trùng, triệu chứng có thể khởi phát đột ngột và dữ dội. 
  • Sưng: Viêm khớp gối có thể gây ra tình trạng sưng tấy ở gối một hoặc hai bên. Sưng không chỉ làm tăng kích thước của khớp mà còn gây cảm giác căng tức và đau nhức, ảnh hưởng đến khả năng cử động bình thường.
  • Cứng khớp, khó cử động: Sự cứng khớp thường gặp vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi lâu. Người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối, điều này làm giảm khả năng di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ hoặc leo cầu thang.
  • Các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, nốt dưới da, sang thương da dạng hồng ban hay vảy nến… cũng có thể gặp phù hợp với những nguyên nhân viêm khớp tương ứng.

Viêm khớp gối gây cứng khớp và hạn chế vận động

Phác đồ điều trị viêm khớp gối

Nguyên tắc điều trị viêm khớp gối

  • Điều trị lâu dài: viêm khớp gối là bệnh lý không dễ để điều trị triệt để. Một số nguyên nhân như vảy nến, viêm khớp dạng thấp gây bệnh cảnh viêm khớp gối mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, người bệnh cần kiên nhẫn, hợp tác chặt chẽ với bác sĩ, theo dõi sát sao quá trình điều trị cũng như thực hiện tốt những thay đổi lối sống để phòng bệnh tái phát.
  • Tuân thủ điều trị: tuân thủ phác đồ điều trị viêm khớp gối và tái khám đúng hẹn là điều cần thiết. Việc tự ý sử dụng thuốc mua ngoài không rõ loại hoặc dùng lại toa cũ mà không có sự đánh giá lại của bác sĩ là hết sức rủi ro. Một số loại thuốc điều trị triệu chứng viêm khớp gối có thể để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài như tăng nguy cơ tác dụng phụ tim mạch, loét dạ dày, suy tuyến thượng thận...
  • Kết hợp các phương pháp điều trị: các nhóm thuốc khác nhau có thể được kết hợp bởi bác sĩ chuyên khoa để tăng hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, việc áp dụng các liệu pháp hỗ trợ hay thực hiện phẫu thuật khi cần thiết có thể được cân nhắc nếu có chỉ định. 

Phối hợp với bác sĩ điều trị là nguyên tắc khi áp dụng phác đồ điều trị viêm khớp gối

Các thuốc dùng trong điều trị viêm khớp gối

Thuốc làm giảm triệu chứng:

  • Acetaminophen (Paracetamol)
    • Đây là một lựa chọn phổ biến để giảm đau nhẹ đến trung bình, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, acetaminophen không có tác dụng chống viêm.  
    • Liều thường dùng đối với người lớn có chức năng gan bình thường là 500mg lặp lại mỗi 6-8 tiếng nếu còn đau.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
    • NSAIDs giúp giảm đau và viêm hiệu quả. Các biệt dược phổ biến trong nhóm này là Ibuprofen, Meloxicam, Celecoxib, Diclofenac. Nguyên tắc sử dụng NSAIDs là dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Tuy có hiệu quả tốt hơn so với Acetaminophen và có dạng viên dễ sử dụng nhưng cần thận trọng vì chúng có thể gây ra các tác dụng phụ đối với dạ dày, tim mạch và thận nếu sử dụng lâu dài. Các chế phẩm dạng bôi tại chỗ có thể làm giảm tác dụng phụ của thuốc. Thuốc nên được sử dụng sau khi ăn no.
    • Ibuprofen dạng viên uống: 1.200-1.800 mg mỗi ngày, chia làm nhiều lần. Tối đa: 2.400 mg mỗi ngày. Trong trường hợp nặng hoặc cấp tính, có thể tăng lên 2.400 mg mỗi ngày, chia làm 2 lần. 
    • Ibuprofen dạng gel 5% hoặc 10%: bôi 50-125 mg (4-10 cm gel 5% hoặc 2-5 cm gel 10% gel) lên vùng gối bị đau tối đa 4 lần mỗi ngày, cách nhau ít nhất 4 giờ giữa các lần bôi liên tiếp. 
    • Celecoxib: 100 mg hoặc 200 mg, 2 lần/ngày. Tối đa: 400 mg mỗi ngày.
    • Meloxicam: 15 mg x 1 lần/ngày, có thể giảm xuống 7,5 mg x 1 lần/ngày nếu cần thiết.
    • Diclofenac: 75-150 mg mỗi ngày chia làm nhiều lần. Tối đa: 150 mg mỗi ngày.
  • Corticosteroids 
    • Có thể được tiêm trực tiếp vào khớp hoặc dùng qua đường uống để kiểm soát viêm nhanh chóng, đặc biệt trong các trường hợp viêm nặng. Tác dụng phụ có thể gặp bao gồm suy tuyến thượng thận, khó tiêu, buồn nôn, nôn, tăng cân, rối loạn đường huyết… Nên sử dụng sau ăn no để tránh các tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa. Các biệt dược thường được sử dụng trong nhóm này là: Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone.
    • Chống chỉ định sử dụng Corticosteroids cho các trường hợp đang nhiễm nấm, nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi cấp tính và đang điều trị với các loại thuốc đặc trị.
  • Glucosamine và Chondroitin sulfate
    • Những chất này được tìm thấy trong sụn khớp, có thể được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung đường  uống hoặc tiêm. Mặc dù hiệu quả của nhóm thuốc này vẫn còn gây tranh cải giữa các nghiên cứu lớn. Một số báo cáo của bệnh nhân chỉ ra rằng những chất bổ sung này có thể làm giảm đau nhưng không có bằng chứng nào hỗ trợ việc sử dụng Glucosamine và Chondroitin sulfate để làm giảm hoặc đảo ngược sự tiến triển của bệnh viêm khớp.
    • Dạng viên sủi Glucosamine hydrochloride: Liều thông thường: 1.250 mg/ngày, dùng một lần hoặc chia làm 2 lần. 
    • Dạng viên/bột Glucosamine sulfate pha dung dịch uống: Liều thông thường: 1.500 mg/ngày, dùng một lần hoặc chia làm 2-3 lần.
    • Dạng viên Chondroitin sulfate: 800 đến 1.200 mg/ngày.
  • DMARDs (Thuốc chống thấp làm thay đổi diễn tiến bệnh)
    • Được sử dụng trong các trường hợp viêm khớp nặng và kéo dài, không đáp ứng với các điều trị cơ bản kể trên. DMARDs có tác dụng giúp làm chậm quá trình tổn thương khớp. Các thuốc thuộc nhóm này gồm: Methotrexate, Sulfasalazin.

Có nhiều thuốc có thể được sử dụng trong phác đồ điều trị viêm khớp gối

Thuốc điều trị trong các trường hợp riêng biệt:

  • Thuốc hạ axit uric máu: Trong trường hợp viêm khớp do gout, thuốc hạ axit uric như allopurinol và febuxostat có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong máu, ngăn ngừa các đợt bùng phát viêm khớp.
  • Kháng sinh: Viêm khớp do nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh phù hợp với loại vi khuẩn gây bệnh.
  • Thuốc sinh học: được sử dụng riêng hoặc phối hợp với các nhóm thuốc kể trên để tăng tác dụng điều trị. Thuốc sinh học có tác dụng chậm, thường sau một đến vài tháng. Một số thuốc sinh học có thể kể đến như: Etanercept, Adalimumab, Golimumab, Infliximab.

Khi nào điều trị phẫu thuật viêm khớp gối?

Trong một số trường hợp nặng, triệu chứng vẫn còn dai dẳng dù đã tối ưu hóa điều trị bằng thuốc và các phương pháp hỗ trợ, hoặc với những trường hợp khớp bị tổn thương nhiều, dính khớp không thể đơn trị bằng thuốc, phẫu thuật có thể là lựa chọn cần thiết.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ trong viêm khớp gối

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị hỗ trợ cũng được nhấn mạnh trong phác đồ viêm khớp gối. Chúng đóng vai trò quan trọng góp phần giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả đã được chứng minh:

  • Tập thể dục 
    • Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp gối, giảm đau nhức, đồng thời giúp giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý. Thời gian tối thiểu dành cho tập thể dục là từ 150 phút trở lên. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu để lựa chọn bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Nghỉ ngơi hợp lý
    • Quan trọng không kém việc vận động thể lực, đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi sau hoạt động và giảm căng thẳng cho khớp gối. Người bệnh cũng nên tránh vận động quá sức, đặc biệt là các hoạt động gây đau nhức cho khớp.
  • Chế độ ăn lành mạnh
    • Một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm và sức khỏe tổng thể. Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và protein từ cá hoặc các nguồn thực vật giúp chống viêm, cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể và góp phần duy trì cân nặng hợp lý. Nên hạn chế các loại thực phẩm không tốt như đường công nghiệp, chất béo không bão hòa.

Chế độ ăn cân bằng và lành mạnh được nhấn mạnh trong phác đồ viêm khớp gối

  • Châm cứu
    • Trong một số trường hợp, châm cứu có thể giúp giảm đau nhức, cải thiện chức năng khớp và tăng cường lưu thông máu. Qua đó giúp hạn chế tác dụng phụ của các thuốc giảm triệu chứng.
  • Điện xung trị liệu
    • Điện xung là phương pháp trị liệu sử dụng các dòng điện tần số thấp tác động lên cơ thể nhằm mục đích điều trị, giảm đau và phục hồi chức năng. Chúng cũng được sử dụng và cho thấy hiệu quả tích cực trong một số trường hợp viêm khớp gối.
  • Tập vật lý trị liệu
    • Vật lý trị liệu là một thành phần thiết yếu trong kế hoạch điều trị viêm khớp gối. Các bài tập được thiết kế riêng bởi nhà vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện sức mạnh, độ dẻo dai và phạm vi chuyển động của khớp.

Các bài tập dành cho người bệnh viêm khớp gối

Các bài tập sau đây sẽ giúp tăng cường sức mạnh của các cơ bổ trợ cho hoạt động của khớp gối, giúp khớp hoạt động linh hoạt và trơn tru hơn. Bạn có thể tìm kiếm video hướng dẫn cho từng bài tập để thực hiện chuẩn xác nhất.

  • Gập duỗi cơ tứ đầu đùi (Quadriceps Stretch): duy trì sự linh hoạt quanh hông và đầu gối.
  • Bài tập nâng mông kết hợp duỗi chân (Bridge With Leg Extension Progression): Tăng cường sức mạnh cho lưng dưới, cơ bụng, cơ mông và gân chân ngỗng.
  • Ngồi xuống đứng lên (Sit-to-Stands): Tăng cường khả năng đứng lên từ tư thế ngồi.
  • Bước lên bục (Step-Ups): Giúp việc leo cầu thang và di chuyển xung quanh, lên và vượt qua chướng ngại vật trở nên an toàn và dễ dàng hơn.
  • Bước ngang với dây kháng lực (Side-Steps With Resistance Band): Tăng cường sức mạnh và sự ổn định của chân.
  • Bài tập trượt băng tốc độ (Speed Skaters With & Without Resistance Band): Giúp tăng cường sức mạnh cơ mông, cơ đùi và cải thiện sự linh hoạt của khớp gối.
  • Nâng chân (Leg Lifts): Nâng chân thẳng từ mặt đất lên, giúp tăng cường sức mạnh cho cơ mông và cơ tứ đầu đùi.
  • Ép chân với dây kháng lực (Leg Press With Resistance Band): Bài tập này mô phỏng động tác đẩy tạ chân nhưng sử dụng dây kháng lực, giúp tăng cường cơ tứ đầu đùi, gân chân ngỗng và bắp chân.
  • Nâng đầu gối ngồi với dây kháng lực (Seated Knee Lift With Resistance Band): Giúp tăng cường cơ hông.

Các bài tập khớp viêm gối góp phần làm khớp linh hoạt và trơn tru

Kết luận

Việc điều trị viêm khớp gối yêu cầu sự kiên nhẫn và cam kết thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn để đạt kết quả tốt nhất. Phác đồ điều trị viêm khớp gối - từ các phương pháp sử dụng thuốc cho đến các liệu pháp hỗ trợ không dùng thuốc, mỗi bước trong phác đồ điều trị đều đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh. Nhà Thuốc Việt hy vọng thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn và người thân trong hành trình đối mặt và vượt qua những thách thức do viêm khớp gối gây ra.

---------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

https://www.arthritis.org/health-wellness/healthy-living/physical-activity/getting-started/your-exercise-solution/lower-body-movements/knee-movements

https://www.mims.com/vietnam/drug/info/prednisolone?mtype=generic

https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/arthritis-of-the-knee/

---------------------------------------------

Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

• Website: https://nhathuocviet.vn

• Hotline: 0985508450.

• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet

• Địa chỉ số 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM.

• Địa chỉ số 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM.

Tham gia bình luận:

  • 0be6

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật