Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

[MÁCH BẠN] Cách làm 7 loại nước uống giải độc gan đơn giản ngay tại nhà

Gan - cơ quan phải hoạt động với công suất cao để loại trừ kịp thời chất độc từ thức ăn, đồ uống mà bạn đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, có những loại nước uống làm từ nguyên liệu quen thuộc mà bạn có thể dễ dàng chế biến để thanh lọc cơ thể và giải độc cho gan. Vậy trong vô vàng những thực phẩm ngoài kia, đâu là nguồn dưỡng chất mà gan bạn đang cần. Hãy theo dõi bài viết sau để biết chúng là gì, cũng như cách làm cụ thể những loại nước uống giải độc gan này nhé! 
 Mách bạn 7 cách làm nước uống giải độc gan đơn giản, ngay tại nhà
Mách bạn 7 cách làm nước uống giải độc gan đơn giản, ngay tại nhà

1. Giải độc gan bằng nước đậu đen

Hạt đậu đen chứa nhiều vitamin, muối khoáng và nhiều thành phần thực vật có đặc tính chống oxy hóa như saponin, anthocyanins, kaempferol và quercetin. Chúng không chỉ cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể mà còn chống lại gốc tự do (nguyên nhân gây nên nhiều bệnh trong đó có các bệnh lý ở gan). Bên cạnh đó, đậu đen có chứa molypden - chất tạo nên enzyme sulfite oxidase tham gia vào quá trình giải độc sulfates cho gan. Nhờ những tác dụng trên, mà đậu đen trở thành một trong những thức uống giải độc gan hiệu quả mà bạn có thể dùng thường xuyên cho gia đình mình. 

 Giải độc gan bằng nước đậu đen

Giải độc gan bằng nước đậu đen

Để nấu nước đậu đen giải độc gan bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu và thực hiện theo các bước như sau:

Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu

  • Đậu đen: 200 gam, bạn chọn hạt săn chắc, bỏ hạt lép, rửa sạch rồi để ráo nước
  • Nước lọc: 500 – 600 ml

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Đậu đen sau khi ráo nước, bạn cho vào chảo rang thơm
  • Bước 2: Sau đó, cho đậu đen đã rang vào 500ml nước đun sôi với lửa nhỏ trong vòng 10 - 15 phút rồi tắt bếp
  • Bước 3: Lọc bỏ phần bả, cho thêm đường hoặc muối tùy theo khẩu vị của bạn vào phần nước và thưởng thức. 
  • Bước 4: Nước đậu đen có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 1 - 2 ngày. 

2. Trà bí đao - thanh nhiệt, giải độc gan

Trong Đông y, bí đao có tính hàn, vị ngọt thanh, có tác dụng giải độc gan, thanh nhiệt rất tốt. 

Còn theo y văn ghi lại thì bí đao có công năng lợi tiểu tiêu thũng, tháo nước trong toàn thân giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể. Không chỉ vậy, nước uống bí đao còn có tác dụng hỗ trợ giảm cân rất tốt, nhờ hoạt chất hyterin-caperin có khả năng ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ, giúp giảm tích tụ mỡ trong cơ thể. Do đó, dùng trà bí đao thường xuyên rất có lợi cho cơ thể, đặc biệt vào dịp cuối năm khi cơ thể bạn phải thường xuyên dung nạp chất béo, thức uống chứa cồn và nước ngọt khác, làm tăng gánh nặng cho gan. 

Để nấu trà bí đao chuẩn vị, bạn có thể tham khảo công thức và cách làm như sau: 

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Bí đao: cần khoảng 1 kg, bạn chọn quả già, nếu dùng quả non phải bỏ phần ruột. Sau đó, rửa sạch, gọt bỏ phần vỏ, thái thành miếng nhỏ 
  • Lá dứa (lá nếp): lấy khoảng 5 lá rửa sạch rồi buộc gọn.
  • Thục địa: 10 gam
  • Đường phèn: 150 gam
  • Muối: 1/3 muỗng cà phê
  • Nước: 4 lít

 Thanh nhiệt, giải độc gan bằng trà bí đao

Thanh nhiệt, giải độc gan bằng trà bí đao

Các bước làm cụ thể

  • Cho bí đao, thục địa, muối và nước cho vào nồi. Đun trên bếp với lửa nhỏ trong 2 tiếng.
  • Khi bí đao đã nhừ, bạn cho đường và lá dứa nấu thêm 5 phút rồi tắt bếp. 
  • Để nguội, lọc bỏ phần bã và bảo quản trong tủ lạnh. 

3. Nước rau má - thức uống thanh lọc cho gan

Rau má là loại rau phổ biến mà bạn có thể mua ở bất kỳ siêu thị hay khu chợ nào. Bên cạnh việc chế biến thành món ăn quen thuộc như canh rau má hay nộm rau má thì chúng còn có thể phối hợp với nhiều thành phần khác để tạo thành thức uống thơm ngon. 

Rau má có vị đắng nhẵn nhẹ, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, được dùng để giải độc, mát gan và phòng chống bệnh lý tại gan và tim mạch rất tốt. Tuy nhiên, với những bạn có cơ địa huyết áp thấp, nên hạn chế thức uống này, vì dùng nhiều có thể làm hạ huyết áp quá mức làm bạn hoa mắt, chóng mặt, giảm tập trung, chân tay lạnh,...

Nguyên liệu và cách làm nước rau má cụ thể như sau:

Cách sơ chế và nguyên liệu

  • Rau má: dùng 200 gam, bạn rửa sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 30 phút rồi rửa lại lần nữa. 
  • Nước đun sôi để nguội: 1 lít

 Nước rau má là thức uống tốt cho gan

Nước rau má là thức uống tốt cho gan

Cách làm:

  • Bước 1: Cắt nhỏ rau má để xay dễ dàng hơn. 
  • Bước 2: Cho rau má vào máy xay đến khoảng ⅓ đến ½ cối xay, thêm nước đến vừa ngập phần rau. Nếu cho quá nhiều hoặc quá ít sẽ khó xay. 
  • Bước 3: Lọc lấy nước rau má và bỏ bã
  • Bước 4: Làm lại bước 2 và 3 cho đến khi hết 200 gam rau má. 
  • Bước 5: Bạn bảo quản nước rau má trong tủ lạnh. 

Lưu ý: 

  • Để bảo quản nước rau má được lâu hơn, bạn không nên cho đường vào nước rau má. 
  • Người cơ địa huyết áp thấp không nên uống thường xuyên nước rau má, mỗi lần dùng cũng không nên uống quá nhiều 

4. Trà atiso - "thần dược" giải độc gan

Atiso được biết đến là “thần dược” giúp thanh nhiệt và giải độc cho gan. Trong atiso có chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như protein, lipid, glucid, các vitamin A, B, C và khoáng chất như mangan, photpho, sắt. Bên cạnh nguồn dưỡng chất mang giá trị dinh dưỡng cao, atiso còn chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng giải độc và tăng cường chức năng gan. Điển hình nhất trong các chất là chất cynarin và silymarin.

 Atiso được xem là “thần dược” trong việc thanh nhiệt và giải độc cho gan

Atiso được xem là “thần dược” trong việc thanh nhiệt và giải độc cho gan

Bên cạnh đó, cyanin còn có khả năng kích thích tuyến mật, tăng lượng dịch mật gấp 4 lần so với bình thường. Nhờ cơ chế này mà atiso giúp gan đào thải cholesterol và chất độc ra ngoài cơ thể. Vì muối mật trong dịch mật đóng vai trò là chất tẩy rửa sinh học cho phép cơ thể bài tiết cholesterol và các chất độc (ví dụ, bilirubin, các thành phần chuyển hóa của thuốc). 

Cách làm trà atiso như sau:

Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu

  • Hoa Atiso: cần dùng 2 búp, bạn cắt bỏ phần cành, cuống, lá già và bị dập ở phía ngoài, rồi rửa sạch.
  • Nước: 3 lít
  • Đường phèn: 3 thìa

Cách làm:

  • Cho nước và atiso đã chuẩn bị vào nồi, đun cho sôi
  • Sau khi nước đã sôi, bạn vặn lửa nhỏ và đun tiếp trong khoảng 45 phút rồi tắt bếp
  • Sau đó 45 phút, bạn cho đường phèn vào, khi đường tan hoàn toàn là có thể tắt bếp. Bạn có thể dùng nóng hoặc uống lạnh đều được. 

Lưu ý khi uống trà atiso

  • Nên dùng khi trà còn nóng và dùng hết trong ngày, vì để lâu trong không khí những thành phần có tác dụng chống oxy hóa sẽ bị phân hủy. 
  • Bạn có thể dùng bình giữ nhiệt để giữ trà nóng lâu hơn. 

5. Giải độc gan bằng nước nha đam đường phèn

Trong Đông y, nha đam là dược liệu có tính mát, vị đắng có tác dụng thanh nhiệt, thông tiện. Giúp giảm độc, điều trị tình trạng nóng trong người, táo bón và giải độc cho cơ thể. Trong y học hiện đại, chiết xuất từ nha đam cũng được dùng nhiều trong chế phẩm nhờ đặc tính làm dịu và dưỡng ẩm cho da. 

 Nước nha đam mang lại cho bạn một lá gan sạch

Nước nha đam mang lại cho bạn một lá gan sạch

Nha đam cung cấp cho cơ thể nguồn dưỡng chất rất đa dạng, từ thành phần dinh dưỡng thiết yếu như axit amin, vitamin và một số khoáng tố vi lượng như Na, K, Fe, Ca đến những hoạt chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa. Trong đó, phải kể đến mucopolysaccharides, anthraquinones, axit salicylic và saponin, chúng đều là những thành phần tạo nên “linh hồn” cho khả năng giải độc của nha đam. 

Vậy thì, để làm ra nước nha đam chuẩn chỉnh, vừa thêm được dinh dưỡng, vừa thải được độc tố bạn cần thực hiện như sau:

Chuẩn bị nguyên liệu 

  • Nha đam: cần dùng 2 lá (khoảng 500 - 600g), chọn lá nha đam còn tươi, nguyên vẹn không bị dập và có độ dày vừa phải. 
  • Đường: 250g, có thể thêm hoặc bớt tùy theo khẩu vị của mình 
  • 4 - 5 lá dứa, rửa sạch rồi cắt khúc nhỏ
  • Nước cốt nhanh: 15ml
  • Muối: khoảng ⅓ muỗng cà phê

Cách làm nước nha đam

  • Bước 1: Sơ chế nha đam

- Rửa sạch nha đam, cắt bỏ hai bên mép lá và lớp xanh ở một mặt lá, mặt còn lại để nguyên sẽ giúp bạn cắt thịt nha đam dễ hơn. Sau đó, dùng dao cắt nhỏ phần thịt nha đam thành hình hạt lựu, rồi bỏ phần vỏ xanh còn lại để lấy phần thịt trắng đã cắt hạt lựu. 

- Cho phần nha đam đã cắt hạt lựu vào nước, cho vào 15ml nước cốt chanh, ngâm trong khoảng 10 phút. Sau khi ngâm, bạn cần rửa lại nhiều lần với nước để loại bỏ hết phần dịch nhớt. 

  • Bước 2: Trụm nha đam qua nước sôi trong 30 giây rồi ngâm ngay vào nước lạnh
  • Bước 3: Đun sôi nước cùng với đường phèn và lá dứa. 
  • Bước 4: Sau khi nước sôi, bạn cho nha đam vào, nấu sôi trở lại rồi tắt bếp ngay. Loại bỏ phần lá dứa, để nguội là bạn có thể dùng ngay. Có thể cho thêm đá để nước nha đam ngon miệng hơn. 

6. Trà râu ngô, rau má, mã đề - Bộ ba thải trừ độc tố cho gan

Râu ngô, rau má hay mã đề đã được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền với tác dụng lợi tiểu, lợi mật, thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể. Được dùng nhiều trong những trường hợp nóng trong người, mụn nhọt và giải độc cho gan. Bộ ba này khi hết hợp với nhau không chỉ nâng cao tác dụng của nhau mà còn tạo mùi vị thơm ngon. Vị ngọt thanh từ râu ngô sẽ hòa quyện cùng vị thanh mát dịu nhẹ của mã đề để lấn át đi vị đắng nhẵn của rau má. 

 Râu ngô, rau má, mã đề - bộ ba “quyền lực” đẩy lùi độc tố khỏi gan

Râu ngô, rau má, mã đề - bộ ba “quyền lực” đẩy lùi độc tố khỏi gan

Cách làm trà râu ngô, rau má, mã đề như sau:

Nguyên liệu cần có:

  • 50g râu ngô
  • 50g rau má
  • 50g mã đề
  • 1  lít nước
  • 1 chút muối

Cách làm như sau:

  • Bước 1: Bạn nhặt sạch lá úa của râu ngô, rau má, mã đề, rồi mang đi rửa sạch để ráo nước
  • Bước 2: Cho nước, râu ngô, rau má và mã đề rồi đun sôi trên lửa lớn. Sau đó hạ lửa nhỏ, tiếp tục đun trong 5 - 10 phút rồi tắt bếp. 
  • Bước 3: Sau khi tắt bếp, bạn cho 1 ít muối vào là có thể dùng ngay. 

Lưu ý khi dùng:

  • Trà râu ngô, rau má, mã đề nên dùng trong ngày, tránh để lâu làm biến đổi, mất hoạt tính trong trà. 
  • Bạn có thể uống nóng hoặc lạnh tùy theo sở thích của mình
  • Vì râu ngô đã ngọt, nên bạn không cần cho đường vào

7. Các loại nước ép giải độc gan

Bên cạnh những loại trà từ nguyên liệu dễ tìm đã nêu trên, thì những loại trái cây, rau củ có ngay trong bếp nhà bạn cũng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Nổi trội trong đó là một số loại nước ép có cách làm như sau:

 Các loại nước ép giải độc gan

Các loại nước ép giải độc gan

Nước ép bưởi

Bưởi rất giàu vitamin C và khoáng chất 

Nguyên liệu chế biến nước bưởi chanh:

- 1/4 quả bưởi

- 1/2 quả chanh thường hoặc chanh leo

- Đường phèn: cho ít hoặc nhiều tùy theo khẩu vị của bạn. 

Cách chế biến nước bưởi chanh:

- Bước 1: Bổ bưởi lấy múi bưởi, bỏ hạt, ép lấy nước bằng máy ép trái cây

- Bước 2: Vắt lấy nước cốt chanh. Với chanh dây bạn có thể để nguyên hạt hoặc dùng rây ép lấy phần nước

- Bước 3: Cho nước ép bưởi và nước cốt chanh vào khuấy đều rồi thưởng thức. Để tăng vị ngọt và ngon bạn có thể thêm đường, đá tùy theo khẩu vị của mình. 

Nước ép dưa hấu

Dưa hấu là trái cây phổ biến tại nước ta. Không chỉ mọng nước, ngọt thanh dịu, giúp bạn giải khát mà dưa hấu còn có chứa acid malic và chất citrulline có khả năng tăng cường chức năng gan, thải trừ amoniac và các hóa chất độc hại khác có trong gan. 

Nguyên liệu chế biến nước dưa hấu:

- 1 quả dưa hấu

Cách chế biến nước dưa hấu:

- Bước 1: Rửa sạch dưa hấu, bỏ vỏ và cắt thành miếng nhỏ

- Bước 2: Cho vào máy ép lấy nước

- Bước 3: Cho đá vào là bạn có thể thưởng thức ngay

Nước ép táo 

Táo là trái cây đa công dụng. Không chỉ làm đẹp da, táo còn giải trừ độc tố ở đường tiêu hóa nhờ hoạt chất pectin giúp phân giải độc tố, và acid malic có công dụng giải độc. 

Cách làm nước ép táo như sau: 

Nguyên liệu cần có: 

  • Táo đỏ: cần khoảng 3 - 4 quả táo đỏ, chọn quả vừa chín tới
  • Nước đường
  • Chanh: nửa trái
  • Muối

Cách chế biến nước táo ép:

  • Bước 1: Rửa sạch táo bằng nước muối. Sau đó, cắt táo thành hình múi cau dày khoảng 1 cm không bỏ vỏ
  • Bước 2: Cho táo vào máy ép lấy nước. Chanh vắt lấy nước cốt
  • Bước 3: Cho nước táo đã ép, nước cốt chanh và khoảng 4 muỗng canh đường vào khuấy đều và thưởng thức.

Nước ép cần tây

Cần tây là thực phẩm xanh, lành tính và tốt cho gan. Loại rau xanh này giúp loại bỏ chất béo tích tụ trong gan, hỗ trợ gan sản xuất enzyme đào thải độc tố. Polyacetylenes và luteolin có trong cần tây là những chất chống oxy hóa có khả năng chống viêm hiệu quả, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Nhờ vậy mà phòng tránh được các bệnh lý tại gan và xương khớp. 

Nguyên liệu: 

  • Cần tây: khoảng 250g
  • Nước lọc: 100ml
  • Đường

Cách làm:

  • Bước 1: Rửa sạch cần tây, cắt khúc nhỏ sao cho vừa máy ép của bạn
  • Bước 2: Cho cần tây vào máy ép, rồi pha loãng nước ép cần bằng 100ml nước lọc đã chuẩn bị. Thêm đá và đường tùy theo khẩu vị để dễ uống và ngon miệng hơn. 

Như bạn thấy đấy, những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày đôi khi có những công dụng không ngờ trong việc giải độc gan. Những thức uống giải độc gan mà Nhà thuốc Việt đã chia sẻ với bạn đều được làm từ những nguyên liệu gần gũi, quen thuộc mà bạn có thể dễ dàng tìm mua, cách làm cũng rất đơn giản. Mong rằng, một số chia sẻ và kinh nghiệm khi chế biến các loại thức uống trên sẽ giúp bạn có lá gan khỏe mạnh hơn để đón Tết sum vầy bên gia đình và bạn bè. 

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác về sức khỏe nói chung, cũng như bệnh lý tại gan nói riêng, bạn có thể liên hệ với DƯỢC SĨ của chúng tôi với các hình thức như sau: 

– Hotline: 0985508450

– Zalo OA: https://zalo.me/2326937184300810408 

– Website: Nhathuocviet.vn

Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp, sản phẩm phù hợp nhất với bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

>>>Xem thêm: 

Cà gai leo - dược liệu quý điều trị bệnh gan

TOP 5 viên uống cà gai leo giải độc gan tốt nhất hiện nay

Tham gia bình luận:

  • cc44

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật