Bài viết được thực hiện bởi Dược sĩ Nguyễn Tiến Dũng
Hiện nay, chị em phụ nữ có rất nhiều biện pháp tránh thai như dùng vòng tránh thai, que tránh thai, màng ngăn âm đạo, bao cao su,... Trong đó, có 2 biện pháp phổ biến mà đem lại hiệu quả cao là đặt vòng tránh thai hoặc
Như vậy, câu hỏi được các chị em phụ nữ đặt ra là: Nên đặt vòng hay cấy que tránh thai? Đọc xong bài viết này của Hệ thống Nhà thuốc Việt, chắc chắn bạn sẽ tìm được câu trả lời.
I/ Vòng tránh thai là gì? Thủ thuật đặt vòng tránh thai là như thế nào?
Vòng tránh thai là một dụng cụ y khoa có hình chữ T, có kích thước phù hợp để đặt khít vào tử cung của người phụ nữ nhằm mục đích tránh thai. Đây là phương pháp cho tác dụng lâu dài, có thể đảo ngược được, cũng là một trong những phương pháp tránh thai hiệu quả nhất hiện nay.
Hiện nay, phổ biến nhất là có 2 loại vòng tránh thai. Loại thứ nhất là vòng tránh thai dạng hormon như các sản phẩm Mirena, Kyleena, Liletta và Skyla. Thứ hai là vòng tránh thai không chứa hormon hay vòng tránh thai phóng thích ion đồng như sản phẩm Paragard.
Hai loại vòng tránh thai: chứa và không chứa hormon
Sản phẩm Paragard được quấn bởi một số vòng dây đồng, khi được đưa vào trong tử cung sẽ ngăn chặn tinh trùng theo cơ chế phóng thích ion đồng là chất gây độc cho tinh trùng, mang lại tác dụng bảo vệ tới khoảng 12 năm.
Các loại vòng tránh thai dạng hormon hoạt động bằng cách phóng thích từ từ các hợp chất progestin (là dạng progesteron nhân tạo), chất này sẽ giúp tránh thai theo 2 cơ chế: làm đặc chất nhầy cổ tử cung khiến tinh trùng không thể gặp trứng, và ngăn cản quá trình rụng trứng. Trong đó, sản phẩm Mirena bảo vệ tới khoảng 8 năm, Kyleena bảo vệ tới khoảng 5 năm, Liletta bảo vệ tới khoảng 8 năm và Skyla bảo vệ tới khoảng 3 năm.
Trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ và y tá sẽ hỏi bạn một số thông tin về tiền sử bệnh tật. Sau đó, họ sẽ tiến hành kiểm tra âm đạo, cổ tử cung và tử cung của bạn, thậm chí là kiểm tra xem bạn có mắc phải bất kỳ bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nào không. Sau đó, bạn sẽ được cung cấp thuốc giảm đau và thuốc gây tê cục bộ lên tử cung để thủ thuật diễn ra dễ dàng hơn.
Đầu tiên, bác sĩ hay y tá sẽ đưa kẹp mỏ vịt vào âm đạo của bạn, rồi dùng dụng cụ chuyên biệt để đưa vòng tránh thai vượt qua cổ tử cung vào trong tử cung của bạn. Sau khi đã đưa vòng vào đúng vị trí, bác sĩ hay y tá sẽ cắt và chừa lại khoảng 2-3 cm dây để thuận tiện cho việc tháo vòng sau này. Thời gian thực hiện các thao tác đưa vòng vào là khoảng dưới 5 phút.
Thông thường bạn sẽ được tư vấn đặt vòng sau khi sinh con hoặc sau khi phá thai.
Đặt vòng tránh thai trong tử cung
II/ Ưu điểm khi đặt vòng tránh thai
- Đây là một trong những biện pháp tránh thai có hiệu quả cao nhất với hơn 99%, bên cạnh thủ thuật triệt sản và thủ thuật cấy que tránh thai.
- Đem lại sự thuận tiện cho phụ nữ: Bạn không cần phải chuẩn bị trước khi quan hệ tình dục như biện pháp dùng bao cao su hoặc màng ngăn âm đạo. Vòng tránh thai sẽ hoạt động hiệu quả cho tới khi hết hạn sử dụng.
- Tối ưu về chi phí: Chỉ trả tiền 1 lần nhưng cho tác dụng lâu dài.
- Có thể đảo ngược được: Bạn có thể tháo vòng tránh thai bất cứ khi nào bạn muốn. Sau đó, khả năng sinh sản sẽ trở về bình thường.
- Vòng tránh thai loại hormon giúp điều hoà chu kỳ kinh nguyệt: Các vòng tránh thai loại này điển hình như sản phẩm Mirena, Kyleena, Liletta và Skyla có thể giúp cải thiện tình trạng chuột rút và giúp lượng máu thất thoát hàng tháng ít hơn hoặc hoàn toàn biến mất. Như vậy bạn sẽ không gặp phải tình trạng thiếu máu do thiếu sắt và các vấn đề khó chịu khác thường gặp trong kỳ kinh nguyệt, cũng như đỡ tốn tiền mua băng vệ sinh hàng tháng.
- Vòng tránh thai loại phóng thích ion đồng không chứa hormon: thích hợp cho những phụ nữ muốn tránh thai mà ngại hoặc không thể bổ sung thêm các loại hormon.
III/ Nhược điểm khi đặt vòng tránh thai
- Phương pháp này không giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua con đường tình dục (STIs). Để phòng ngừa, bạn phải dùng các biện pháp bảo vệ khác như sử dụng bao cao su hoặc màng ngăn âm đạo.
- Không thể tự thực hiện tại nhà. Để tiến hành đặt vòng tránh thai, bạn cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế.
- Sau thời gian nhất định, phải tiến hành thủ thuật để lấy vòng ra, thông thường là sau khoảng từ 3 đến 12 năm, tuỳ loại vòng tránh thai.
- Có thể gây đau ở một số phụ nữ do sự kích ứng khi đưa vòng đi qua khu vực cổ tử cung.
- Có một số trường hợp không phù hợp cho việc đặt vòng tránh thai. Ví dụ như ở phụ nữ có hình dạng tử cung bất thường, việc đưa vòng vào bên trong tử cung sẽ khó khăn và nguy cơ thủng tử cung sẽ cao hơn.
- Ở một số phụ nữ có thể gặp các tác dụng không mong muốn: Với hai loại vòng tránh thai dạng hormon hoặc dạng phóng thích ion đồng, bạn có thể sẽ gặp phải hiện tượng chảy máu bất thường hoặc chuột rút trong vài tháng đầu. Để giảm đau, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau loại NSAID như Ibuprofen. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp đi lặp lại, hoặc uống thuốc rồi nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, đặc biệt nếu máu chảy ra ướt đẫm một hay nhiều miếng băng vệ sinh trong vòng 1 giờ, bạn cần đi khám bác sĩ để được theo dõi và tư vấn thêm.
>>> Xem thêm bài viết liên quan: Cấy que tránh thai - Biện pháp mang lại hiệu quả cao
IV/ Que cấy tránh thai là gì? Thủ thuật cấy que tránh thai là như thế nào?
Que cấy tránh thai là một ống nhỏ hình trụ, dài khoảng 4cm, đường kính 2cm, có kích thước tương tự như que diêm, có vỏ được làm bằng nhựa dẻo loại ethylene vinyl acetat copolymer, được đưa vào cơ thể bằng thủ thuật cấy dưới da tại vùng cánh tay không thuận của người phụ nữ. Hormon được phóng thích chậm từ que giúp mang lại hiệu quả tránh thai kéo dài khi được thao tác đúng kỹ thuật nhờ tác dụng ngăn rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt.
Que cấy tránh thai loại Implanon
Một kỹ thuật viên có kinh nghiệm sẽ tiến hành cấy để thủ thuật diễn ra hoàn hảo thông qua việc giảm thiểu rủi ro gây tổn thương thần kinh hoặc đặt sai vị trí - là các nguyên nhân khiến biện pháp thất bại.
Trước khi cấy ghép, cánh tay không thuận sẽ được làm sạch với dung dịch sát khuẩn rồi sẽ được gây tê cục bộ tại khu vực bắp tay, quanh nơi sẽ cấy ghép. Dụng cụ hỗ trợ cấy ghép vô trùng sẽ được dùng để cấy que vào vị trí trong các mô dưới da, tại mặt sau của bắp tay, trong rãnh giữa cơ tam đầu và cơ nhị đầu cánh tay. Bên trọng dụng cụ này có chứa một chiếc ống nhỏ có chứa que tránh thai. Sau khi đưa que vào thì dụng cụ hỗ trợ cấy ghép sẽ được lấy ra khỏi bắp tay.
Thời gian thực hiện thủ thuật sẽ diễn ra trung bình từ 0.5 đến 1 phút.
Thủ thuật cấy que tránh thai
V/ Ưu điểm khi cấy que tránh thai
- Đây là một trong các phương pháp có hiệu quả cao nhất với tỷ lệ ngừa thai thành công là trên 99%, cùng với thủ thuật đặt vòng tránh thai và thủ thuật triệt sản.
- Cho tác dụng lâu dài: Sau khi cấy ghép, que sẽ cho tác dụng trong khoảng 3 năm hoặc lâu hơn (tuỳ thuộc que cấy loại Implanon hay loại khác).
- Phương pháp đem lại sự tiện lợi cho người phụ nữ, không cần phải chuẩn bị trước khi quan hệ tình dục hay phải tính toán thời gian chính xác.
- Tối ưu về chi phí: Chỉ phải trả 1 lần cho ít nhất 3 năm tác dụng.
- Giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định hơn: Việc cấy que tránh thai giúp bạn cải thiện tình trạng chuột rút, lượng máu thất thoát hàng tháng có thể ít hơn hoặc hoàn toàn biến mất.
- Có thể đảo ngược được: Que cấy có thể được tháo ra bất cứ khi nào bạn muốn, và khả năng sinh sản sẽ trở lại như bình thường.
- Không chứa estrogen: Vì que cấy tránh thai chỉ chứa các hợp chất progestin nên dùng được cho các đối tượng có chống chỉ định với việc bổ sung estrogen.
VI/ Nhược điểm khi cấy que tránh thai
- Phương pháp này không giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua con đường tình dục (STIs). Để phòng ngừa, bạn phải dùng các biện pháp bảo vệ khác như sử dụng bao cao su hoặc màng ngăn âm đạo.
- Không thể tự thực hiện tại nhà. Để cấy que tránh thai, bạn cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế.
- Cần tháo que sau thời gian nhất định, thông thường là sau khoảng 3 năm.
- Trong 1 số trường hợp hiếm, que cấy có thể di lệch ra khỏi vị trí cấy ghép, gây khó khăn khi thực hiện thao tác tháo que sau này.
- Tác dụng không mong muốn có thể xảy ra ở một số phụ nữ.
- Có một số trường hợp không nên thực hiện thủ thuật cấy que tránh thai. Ví dụ như người dị ứng với các hợp chất progestin, phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú, hoặc có hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường.
VII/ Vậy chị em nên đặt vòng hay cấy que tránh thai?
Như vậy, trên đây Hệ thống Nhà thuốc Việt đã giới thiệu cho các bạn chi tiết và ưu nhược điểm của hai phương pháp tránh thai hiệu quả và phổ biến nhất là đặt vòng và cấy que tránh thai. Sau khi đọc xong bài này, mong rằng các chị em phụ nữ sẽ lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất cho mình - nên đặt vòng hay cấy que tránh thai.
>> Xem thêm:
1/ Thuốc tránh thai Drosperin 20 Abbott dùng hàng ngày (1 vỉ x 28 viên)
2/ Thuốc tránh thai Drosperin Abbott dùng hàng ngày (1 vỉ x 28 viên)
>> Tài liệu tham khảo:
1/ Adrienne Santos-Longhurst and Marie Beaugureau, Everything you need to know about the Birth Control Implant, https://www.healthline.com/health/birth-control-implant, Mar 23th 2022.
3/ Do the Benefits of an IUD Outweigh the Potential Side Effects?, https://bom.so/Yl9mOu, Sep 8th 2022, Cleveland Clinic.
4/ IUD, https://bom.so/xz4JQG, Planned Parenthood Federation of America Inc.
----------------------------------------
Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!
• Website: https://nhathuocviet.vn
• Hotline/Zalo: 0985508450
• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet