Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Cách trị hà ăn chân đơn giản, hiệu quả nhất

Bài viết được tham vấn bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân
Khi thời tiết ẩm ướt hoặc khi chân không được giữ vệ sinh sạch sẽ rất dễ gặp phải các vấn đề về da, điển hình là tình trạng hà ăn chân. Ban đầu, bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không được xử lý sớm sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của chân cũng như khiến việc điều trị về sau càng khó khăn hơn. Vậy nguyên nhân hà chân là gì và cách chữa trị như thế nào? Bài viết sau đây, hãy cùng Hệ thống Nhà Thuốc Việt tìm hiểu nhé.

Hà ăn chân là gì?

Hà ăn chân hay nước ăn chân là bệnh thường xuất hiện giữa các ngón chân (hay còn được gọi là nấm kẽ chân), bàn chân, lòng bàn chân và gót chân. Nguyên nhân gây ra bởi các loại vi nấm khác nhau, phổ biến nhất là các chủng nấm Trichophyton Rubrum, microsporum, trichophyton hay vi nấm thuộc nhóm candida albicans. 
Hà ăn chân

 

Hà ăn chân

Nguyên nhân gây ra bệnh hà ăn chân

Các loại nấm này có thể lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc gián tiếp qua các vật dụng chung như giày dép, khăn tắm, quần áo,... Ngoài ra, các yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hà ăn chân:
  • Thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.
  • Mang giày dép không thoáng khí, khiến chân bị đổ mồ hôi nhiều.
  • Thói quen đi chân đất, đặc biệt là ở những nơi công cộng như hồ bơi, phòng tắm,...
  • Hệ miễn dịch suy yếu.

Dấu hiệu nhận biết hà ăn chân

Dấu hiệu nhận biết hà ăn chân thường gặp bao gồm:
  • Da chân khô, nứt nẻ, bong tróc thành từng mảng, thường ở kẽ chân, rìa bàn chân, mu bàn chân hoặc lòng bàn chân.
  • Da chân bị ngứa ngáy, càng ngứa hơn khi thời tiết khô hanh hoặc sau khi tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa.
  • Có thể xuất hiện mụn nước ở vùng da bị bệnh, gây ngứa ngáy khó chịu. Khi gãi, mụn nước vỡ ra gây tiết dịch, đóng vảy hoặc tạo ra các đường nứt kẽ rỉ máu, đau rát.
  • Đầu các ngón chân có màu trắng bợt, nhiều trường hợp đầu móng có thể chuyển sang màu tím tái.
Dấu hiệu nhận biết hà ăn chân

Dấu hiệu nhận biết hà ăn chân

Các đối tượng dễ mắc hà ăn chân

Tình trạng hà ăn chân thường xảy ở các đối tượng sau:
  • Người có sức đề kháng kém: Những người có sức đề kháng kém, đặc biệt là trẻ em, người già, người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,... có nguy cơ cao mắc hà ăn chân.
  • Người có thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh: Những người có thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh như không thường xuyên rửa chân, ngâm chân trong nước bẩn,... có nguy cơ cao mắc hà ăn chân.
  • Người làm việc trong môi trường ẩm ướt: Những người làm việc trong môi trường ẩm ướt như nông dân, ngư dân, người lao động chân tay,... có nguy cơ cao mắc hà ăn chân do chân thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn.
  • Người có vết thương hở ở chân: Những người có vết thương hở ở chân do bị trầy xước, cắt đứt,... có nguy cơ cao mắc hà ăn chân do vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua vết thương.

Cách trị hà ăn chân đơn giản, hiệu quả nhất

Có nhiều biện pháp giúp điều trị bệnh hà ăn chân hiệu quả khi bạn phát hiện sớm và áp dụng đúng cách. Người bệnh có thể dùng mẹo dân gian kết hợp điều trị bằng các loại thuốc bác sĩ kê đơn.

Cách trị hà ăn chân bằng mẹo dân gian

Dùng phèn chua
Phèn chua có tác dụng sát trùng, diệt nấm nên sẽ giúp ức chế được hầu hết các chủng vi nấm gây bệnh. 
Cách thực hiện:
  • Giã nhỏ cục phèn chua, sau đó bỏ vào nồi chưng nóng cho đến khi hóa lỏng, rút hết nước và nở phồng ra. Sản phẩm thu được là bột phèn chua có màu trắng, mịn. Chờ nguội rồi bảo quản trong hũ đậy nắp kín dùng dần.
  • Mỗi lần chỉ cần lấy lượng vừa đủ bột phèn chua bôi vào các kẽ chân,vùng da bị nấm sẽ thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương, giảm ngứa da và ngăn ngừa mùi hôi khó chịu ở chân.
  • Cách làm này nên thực hiện 1 lần/ngày.
Dùng phèn chua trị hà ăn chân

Dùng phèn chua trị hà ăn chân

Ngâm chân vào hỗn hợp nước muối, giấm ăn và rượu

Cả ba nguyên liệu muối, giấm và rượu đều có đặc tính sát trùng, kháng nấm mạnh. Khi kết hợp chúng với nhau sẽ làm tăng hiệu quả ức chế vi nấm phát triển, giảm ngứa, làm sạch vùng da tổn thương cũng như ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
Cách thực hiện:
  • Hòa tan 3 thìa cà phê muối, một cốc giấm ăn, một ly rượu với lượng nước vừa đủ.
  • Ngâm bàn chân bị bệnh vào hỗn hợp nước này trong thời gian khoảng 15 phút.
  • Thực hiện cách làm này 2 - 3 lần/ngày, sau khi ngâm xong thì dùng khăn sạch riêng thấm khô chân.
Rau răm và lá trầu không
Cả rau răm và lá trầu không đều có khả năng hỗ trợ điều trị nhiễm nấm ngoài da, trong đó có bệnh hà ăn chân nhờ đặc tính kháng khuẩn, chống nấm tự nhiên của các hoạt chất trong lá.
Cách thực hiện:
  • Rửa sạch nắm lá trầu và rau răm rồi vò nát.
  • Đun sôi 1 lít nước, sau đó cho nguyên liệu lá vào tiếp tục đun cho nước trong nồi sôi trở lại rồi để lửa nhỏ thêm 10 phút để lá cây giải phóng hết các hoạt chất vào trong nước.
  • Chắt nước ra chậu/thau, chờ nước còn ấm vừa phải thì ngâm chân. Khi ngâm, bạn có thể dùng xác lá chà nhẹ vùng da bệnh để làm dịu cơn ngứa cũng như tẩy da bong tróc.
  • Cách làm này nên thực hiện 1 - 2 lần/ngày, sau khi ngâm thì dùng khăn sạch lau khô chân.
Rau răm và lá trầu không trị hà ăn chân

Rau răm và lá trầu không trị hà ăn chân

Cách trị hà ăn chân bằng thuốc Tây

Các loại thuốc chữa nấm chân thường được sử dụng trong Tây y chủ yếu là các loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng tại chỗ hoặc uống.
Thuốc bôi ngoài da
  • BSI 2%: Thuốc sát trùng, diệt nấm, giảm ngứa. Bôi 1-2 lần/ngày.
  • Cồn ASA: Sát trùng, ngăn ngừa bội nhiễm.
  • Povidon Iod 10%: Sát trùng, diệt nấm. Pha loãng 1:5 để rửa.
  • Dipolac: Kháng viêm, giảm ngứa. Bôi 2-3 lần/ngày. Không dùng cho trẻ em.
Thuốc bôi ngoài da trị hà ăn chân
 
Thuốc bôi ngoài da trị hà ăn chân
Thuốc uống
  • Các thuốc kháng nấm: Được sử dụng để điều trị nấm kẽ chân nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng sinh: Sử dụng trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.
Lưu ý:
  • Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Không tự ý dùng thuốc.
  • Khi dùng thuốc có thể gặp tác dụng phụ, cần thông báo cho bác sĩ.

Cách phòng ngừa hà ăn chân

Để ngăn ngừa hà ăn chân, cần thực hiện các biện pháp sau:
  • Vệ sinh chân sạch sẽ: Đây là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa hà ăn chân. Cần rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng, đặc biệt là giữa các ngón chân. Sau khi rửa chân, cần lau khô chân bằng khăn sạch.
  • Giữ chân khô ráo: Độ ẩm là môi trường thuận lợi cho vi nấm phát triển. Do đó, cần giữ chân khô ráo, đặc biệt là giữa các ngón chân. Nên thay tất thường xuyên, mỗi ngày một lần.
  • Chọn giày dép phù hợp: Giày dép chật, bí bách sẽ khiến chân bị bí, nóng, ra mồ hôi, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển. Do đó, cần chọn giày dép vừa vặn, thoáng mát, có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
  • Không đi chân đất ở những nơi công cộng: Ở những nơi công cộng như bể bơi, phòng tập thể dục,... có thể có vi nấm gây bệnh. Do đó, cần tránh đi chân đất ở những nơi này.
  • Tăng cường sức đề kháng: Người có sức đề kháng kém dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, trong đó có hà ăn chân. Do đó, cần tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc,...

Một số câu hỏi liên quan đến bệnh hà ăn chân

Hà ăn chân có lây không?

Hà ăn chân là căn bệnh có khả năng lây nhiễm do nấm. Khi bị bệnh lâu ngày mà không có biện pháp kiểm soát tốt, vi nấm có thể tấn công sang các vùng da lành xung quanh. 
Mầm bệnh cũng có thể lây truyền qua các con đường như:
  • Tiếp xúc da kề da
  • Dùng chung vớ, giày, dép
  • Sử dụng chung quần áo, chậu tắm, khăn tắm
  • Ngủ chung giường và dùng chung chăn với người bệnh

Bệnh hà ăn chân có nguy hiểm không?

Thông thường nước ăn chân không nguy hiểm. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể dẫn đến một số vấn đề sau:
  • Bội nhiễm vi khuẩn
  • Lở loét, gây đau đớn, khó chịu 
  • Nhiễm trùng máu
  • Nhiễm nấm toàn thân
Trên đây là một số thông tin về bệnh hà ăn chân và cách chữa trị hiệu quả. Hy vọng thông qua bài viết trên, bạn đọc đã hiểu hơn về bệnh lý này để có phương pháp chữa trị hiệu quả.

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật