Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Bệnh Gout là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tại nhà

Bạn đang bị gout, hay nghi ngờ mình bị gout, bạn phải đối mặt với những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay hoặc đầu gối kèm theo đó là hiện tượng sưng đỏ ở các khớp mà không biết được nguyên nhân? Hãy cùng Hệ thống Nhà Thuốc Việt tìm hiểu bệnh gout là gì, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng điển hình cũng như cách điều trị gout tại nhà qua bài viết sau đây nhé.

Bệnh gout (gút) là gì?

Gout (dân gian hay gọi là thống phong) là một dạng của viêm khớp. Bệnh gây ra những cơn đau khớp kèm theo sưng, viêm ở các khớp, kéo dài trong một đến hai tuần.

Thời điểm khởi phát những cơn gout cấp thường vào ban đêm, vị trí ở ngón chân cái hoặc chi dưới. 

Gout gây ra những cơn đau dữ dội vào ban đêm cho người bệnh

Bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng quá trình sản xuất hoặc giảm đào thải acid uric tại thận hoặc cả hai. Kết quả của sự rối loạn này là nồng độ acid uric huyết tăng cao, tích tụ tại các khớp và lắng đọng thành những tinh thể hình kim gây đau đớn cho người bệnh.

>>> Xem thêm bài viết liên quan: Nước lá Tía tô chữa bệnh Gút được không?

Nguyên nhân gây bệnh gout

Bệnh gout xuất hiện khi nồng độ acid uric máu tăng cao, hình thành những tinh thể monosodium urate kết tủa trong khớp, gân cơ và một số mô ngoại vi. Kết quả của việc lắng đọng những tinh thể này đó là kích hoạt hệ thống miễn dịch trung gian gây viêm, sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp và những vị trí tinh thể hình thành.

Nguồn gốc của acid uric trong cơ thể tăng cao đến từ việc chuyển hóa quá nhiều purin và kém đào thải acid này qua thận. Những nguyên nhân dẫn đến tăng nồng độ acid uric bao gồm:

Chế độ ăn uống quá nhiều đạm, hải sản, phủ tạng động vật kết hợp với bia rượu sẽ không chỉ làm tăng lượng purin (chất chuyển hóa thành acid uric) mà còn tạo ra vô số những gốc tự do di chuyển trong máu gây biến đổi gen làm tăng nguy cơ bện gout và những bệnh chuyển hóa khác.

Hội chứng chuyển hóa, béo phì vòng bụng, tăng huyết áp, đề kháng Insulin (Đái tháo đường typ 1 và 2), rối loạn lipid máu cũng làm gia tăng nguy cơ của bệnh.

Tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai trong các trường hợp:

   + Các bệnh lý về thận làm giảm độ lọc cầu thận, giảm lượng acid uric được đào thải tại đây.

   + Bệnh lý về máu như bạch cầu cấp tính, làm tăng quá trình tổng hợp purin trong cơ thể dẫn đến tăng nồng độ acid uric máu.

   + Sử dụng thuốc lợi tiểu như: furosemid, nhóm thiazid … Hoặc dùng các thuốc ức chế tế bào, thuốc kháng lao cũng làm gia tăng nồng độ acid uric dẫn đến bệnh gout.

Đối tượng nào dễ bị gout?

Gout là một căn bệnh xảy ra trên mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:

Nam giới sau tuổi 40

Nếu như trước đây, đối tượng dễ mắc bệnh thường ở độ tuổi trên 50 thì hiện nay mức độ trẻ hóa ngày càng cao, hơn 80% đối tượng mắc bệnh là nam giới sau tuổi 40. Đặc biệt, chế độ ăn uống giàu chất đạm, rượu bia kết hợp cùng lối sống ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ và tần suất của bệnh.

Nữ giới ở tuổi trung niên – tiền mãn kinh

Nội tiết tố nữ estrogen có một vai trò làm tăng đào thải acid uric, do vậy nồng độ acid uric máu trong cơ thể nữ giới thường thấp hơn nam giới. Đây cũng lý giải vì sao nam giới thường mắc loại bện này cao hơn nữ giới.

Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh sự sụt giảm đáng kể nội tiết tố nữ là nguyên nhân khiến cho chị em có nguy cơ cao mắc phải loại bệnh này.

Thừa cân, béo phì

Trọng lượng cơ thể cao là nguyên nhân khiến việc đào thải acid uric lâu hơn, đồng thời lượng acid uric nội sinh tổng hợp trong cơ thể nhiều hơn và hình thành bệnh trạng.

 

Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của gout.

Mặc khác, người thừa cân, béo phì thường có xu hướng ăn những thức ăn giàu đạm, chất béo càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn nữa.

Tiền sử gia đình có bệnh gout

Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa và tính di truyền, hiện nay các nhà khoa học đã tìm ra được 5 gen liên quan đến căn bệnh này. Do vậy, hầu hết chúng ta đều có khả năng mắc bệnh nếu người thân của mình đã mắc căn bệnh này và việc tầm soát, phát hiện sớm gout là điều rất quan trọng.

Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít vận động

Một chế độ ăn uống quá nhiều đạm, hải sản và phủ tạng động vật, cùng với đó là thói quen sinh hoạt ít vận động là những yếu tố nguy cơ gây nên gout, đặc biệt đối với người có tiền sử tăng huyết áp, chức năng thận bất thường …

Dấu hiệu nhận biết bệnh gout

Triệu chứng của bệnh gout thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm với tình trạng đau nhức dữ dội ở một hoặc một số khớp, thường hay gặp ở các khớp xương bàn chân, đặc biệt là phần gốc của ngón cái xương bàn chân. Ngoài ra, bệnh còn có thể xuất hiện ớ các khớp khác như cổ tay, ngón tay, khớp gối …

Gout thường khởi phát cơn đau vào ban đêm, nguyên nhân là do sự giảm thân nhiệt dẫn đến sự lắng đọng của các tinh thể uric ở các khớp diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, nồng độ urat bắt đầu tăng trong máu, tuy nhiên những biểu hiện của bệnh chưa rõ ràng, các cơn đau chỉ thoáng qua rồi biến mất. Người bệnh thường nhầm lẫn gout ở giai đoạn này với các cơn đau nhức xương khớp thông thường rất dễ bỏ qua và thường không được chú ý đến.

Ở giai đoạn nghiêm trọng hơn, bệnh có những dấu hiệu sau:

   + Viêm khớp gout cấp tính: Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy, vùng xung quanh khớp ấm lên.

   + Lắng đọng hạt Tophi: khi nồng độ urat tăng cao đến ngưỡng sẽ gây ra sự tích tụ tinh thể dưới da hình thành những nốt u Tophi. Thông thường, các khối u này sẽ xuất hiện xung quanh khớp ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Nếu không xử lý đúng cách, các nốt Tophi sẽ càng ngày càng lớn hơn dẫn tới viêm khớp mạn tính do bị ăn mòn.

Biến chứng của bệnh như thế nào?

Gout tuy là một bệnh lành tính, có thể kiểm soát tốt qua chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và tuân thủ tốt bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng nề.

Biến chứng liên quan đến hạt Tophi

Với bản chất là những tinh thể acid uric có thể làm biến dạng các khớp, hạn chế vận động thậm chí mất khả năng vận động gây tàn phế cho người bệnh.

 

Hạt tophi là một trong những biến chứng không thể xem thường của gout

Biến chứng trên thận

Acid uric hòa tan trong máu thông thường sẽ được đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu. Sự gia tăng nồng độ acid uric trong máu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể này tại thận gây ra sỏi.

 Sỏi thận lâu ngày dẫn đến viêm thận kẽ, viêm đài bể thận, nhiễm trùng hệ tiết niệu do ứ nước, ứ mủ.

Biến chứng liên quan đến sử dụng thuốc

Khi bị gout, người bệnh cần sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị như allopurinol, kháng sinh, corticoid … và các biến chứng trong quá trình sử dụng thuốc là điều không thể tránh khỏi.

Ví dụ:

Các biến chứng do sử dụng thuốc giảm đau lâu dài: viêm loét dạ dày, tá tràng; suy gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa …

Các biến chứng do dùng corticoid: tăng huyết áp, loãng xương, hội chứng Cushing …

Đối với bệnh nhân có cơ địa mẫn cảm còn có thể xảy ra tình trạng dị ứng thuốc, thường gặp nhất với allopurinol.

Những biến chứng của bệnh gout ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, khả năng lao động cũng như sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do vậy biết được biến chứng do gout gây nên, người bệnh có thể chủ động phòng ngừa, hạn chế những biến chứng thông qua chế độ sinh hoạt, ăn uống, tuân thủ sử dụng thuốc …

Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Gout có đặc điểm là một trong những bệnh được chẩn đoán thông qua khai thác bệnh sử. Bệnh nhân nghi ngờ bị gout nếu có những cơn viêm đau khớp lập đi lập lại ở những khớp bàn ngón, kế đó là khớp cổ chân và khớp gối. Gout thường chỉ bị mỗi lần một khớp trong khi ở những bệnh khác như lupus, viêm đa khớp dạng thấp, thường bị nhiều khớp cùng một lúc.

Bên cạnh khai thác bệnh sử, các chỉ định cận lâm sàng cũng giúp chẩn đoán gout bao gồm:

Xét nghiệm tinh thể acid uric trong dịch khớp, hoặc tinh thể urate ở Tophi và bao khớp viêm.

X-quang đôi khi có ích và có thể chỉ ra sự lắng đọng những tinh thể tophi cà tổn thương xướng do viêm khớp nhiều lần. X-quang cũng có tác dụng theo dõi nhứng ảnh hưởng của gout mãn tính lên khớp.

Chẩn đoán gout bằng xét nghiệm tinh thể acid uric trong dịch khớp.

Dưới đây là những tiêu chí chẩn đoán bệnh gout:

  • Sự xuất hiện tinh thể urat trong hoạt dịch và/hoặc
  • Tophi có chứa tinh thể urat và/hoặc
  • Sự hiện diện của 6 trong số những biểu hiện sau

+ Đợt viêm khớp cấp

+ Sưng viêm xảy ra trong vòng một ngày

+ Viêm một khớp đơn độc

+ Đỏ ở khớp

+ Đau và sưng khớp ngón chân xuất hiện lần đầu tiên

+ Đau một bên khớp ngón chân

+ Đau một bên khớp cổ chân

+ Có dấu hiệu của tophi

+ Tăng acid uric huyết

+ Chứng cứ sưng khớp từ kết quả chụp X-quang

+ Chứng cứ u nang xương dưới sụn không X-quang

+ Chứng cứ nuôi cấy hoạt dịch âm tính trong đợt viêm cấp

Điều trị

Phương pháp điều trị gout khác nhau đối với mỗi người, tùy vào mức độ và nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu chung là đưa nồng độ acid uric trong máu về ngưỡng giá trị bình thường (<6mg/dL) và duy trì vô thời hạn.

Điều trị ngoại khoa

Nốt Tophi là một trong những biến chứng của gout, phẫu thuật cắt bỏ nốt Tophi được chỉ định trong những trường hợp sau:

   + Gout kèm theo biến chứng loét gây nhiễm trùng khớp

   + Các hạt Tophi không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn, không giảm kích thước và có xu hướng tăng lên kèm theo đau đớn dữ dội cho người bệnh.

   + Các nốt gây chén ép dây thần kinh, gây suy giảm chức năng khớp và mất ổn định khớp.

Sử dụng thuốc

Các thuốc được dùng với mục đích là kiểm soát triệu chứng trong các đợt viêm khớp gout cấp, đồng thời dự phòng những đợt tái phát do tác dụng giảm nồng độ acid uric huyết.

NSAIDs (giảm đau Non Steroid)

Đây là lựa chọn đầu tay trong điều trị gout cấp, thuốc giúp cải thiện triệu chứng trong vòng vài giờ. Sử dụng liều cao tối đa cho phép trong vòng 5 -7 ngày sau đó giảm xuống liều thông thường. 

Lưu ý khi sử dụng thuốc: để tránh tác dụng phụ trên dạ dày, nhóm thuốc này được khuyên dùng kết hợp với PPIs.

Colchicine

Được dùng để thay thế trong trường hợp bệnh nhân không dung nạp với NSAIDs. Thuốc cho hiệu quả khi sử dụng sớm, trong vòng 12 – 24 giờ đầu xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang sử dụng colchicin để dự phòng gout thì hiệu quả điều trị gout cấp sẽ không còn tốt nữa.

Thuốc có thể gây ra rối loạn dạ dày, ruột và phụ thuộc vào liều, do đó sử dụng liều thấp lúc mới bắt đầu và tăng liều từ từ đến liều có hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối phát đồ điều trị cũng như liều sử dụng của thuốc. Thận trọng hoặc tránh sử dụng khi có bệnh gan, bệnh thận mạn.

Corticoid

Thường sử dụng khi có chống chỉ định hoặc không dung nạp với NSAIDs hoặc colchicine. Thuốc sử dụng bằng đường uống, hoặc đường tiêm giúp cải thiện tình trạng nhiễm trùng khớp. Thận trọng sử dụng với người bị đái tháo đường, hoặc có các bệnh lý nhiễm khuẩn.

Ngoài việc sử dụng thuốc, chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt khoa học và lành mạnh cũng giúp ích rất nhiều trong việc duy trì nồng độ acid uric máu trong ngưỡng an toàn.

Sống chung với bệnh gout dễ hay khó?

Bệnh gout là một trong những dạng viêm khớp dễ kiểm soát nhất nếu được chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị kịp thời cũng như thay đổi lối sống phù hợp. Do vậy, bạn hoàn toàn không nên quá lo lắng nếu mình chẳng may mắc phải nhé.

 

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát gout.

Thay đổi lối sống như thế nào để “sống chung” cùng bệnh gout? Siêu Thị Mỹ Phẩm sẽ mách bạn những thói quen tốt sau đây:

Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân gây tăng nồng độ acid uric trong máu – nguyên nhân gây ra các đợt gout cấp. Do vậy, việc giảm cân ở những bệnh nhân này có thể giúp chấm dứt hoặc hạn chế số lần bị viêm một cách đáng kể.

Thay đổi chế độ ăn uống – sinh hoạt

Những thực phẩm, đồ uống cần tránh:

   + Thực phẩm giàu purin như nội tạng động vật (gan, thận, lưỡi, lách …), thịt đỏ, hải sản (tôm, cua, cá mòi …)

   + Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như: sữa nguyên kem, mỡ lợn, bơ tinh, dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao …

   + Đồ uống chứa nhiều fructose như nước ngọt có gas, soda …, 

   + Rượu, bia, kể cả bia không cồn

Chế độ ăn uống tốt cho bệnh nhân gout

   + Thực phẩm giàu chất xơ như củ sắn, dưa chuột, cà chua …

   + Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, ngô, yến mạch, gạo lứt, …) cũng như sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo.

   + Uống nhiều nước, từ 2.5 – 3 lít nước mỗi ngày

Cải thiện các triệu chứng viêm vì bệnh gout bằng cách

   + Chườm lạnh lên vùng bị viêm để giúp giảm đau và giảm sưng

   + Kê cao chi bị bị sưng viêm do gout

   + Hạn chế vận động phần khớp bị gout để khớp có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Như vậy, việc chung sống cùng bệnh gout là điều không khó nếu bạn tuân thủ đúng chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Hy vọng bài chia sẻ trên có thể giúp các bạn có thêm những kiến thức bổ ích về bệnh gout. Nếu gặp bất kỳ khó khăn hay thắc mắc nào cần giải đáp, hãy liên hệ ngay với Hệ thống Nhà Thuốc Việt - với những kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn, cung cấp các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, chúng tôi tin rằng Hệ thống Nhà Thuốc Việt sẽ hỗ trợ bạn những thông tin đúng và phù hợp nhất.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo Phương

Tham gia bình luận:

  • 5285

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật