Đau thần kinh toạ là bệnh rất phổ biến với những người đang ở độ tuổi trung niên từ 30 – 50 tuổi. Bệnh gây những cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, thậm chí nếu không có biện pháp xử lý kịp thời người bệnh có thể phải đối mặt với khả năng suy giảm chức năng vận động nghiêm trọng.
Nguyên nhân của đau thần kinh tọa là gì? Triệu chứng ra sao? Liệu bệnh có được điều trị khỏi không? Hãy cùng Hệ thống Nhà thuốc Việt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đau thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài và dày nhất trong cơ thể. Nó được tạo thành từ năm rễ thần kinh: Hai rễ từ vùng lưng dưới được gọi là cột sống thắt lưng, và ba rễ từ phần cuối cùng của cột sống hay còn gọi là xương cùng.
Năm rễ thần kinh kết hợp với nhau để tạo thành dây thần kinh tọa bên phải và bên trái. Ở mỗi bên cơ thể, dây thần kinh tọa chạy qua hông, mông và xuống chân, kết thúc ngay dưới đầu gối. Sau đó, dây thần kinh toạ phân nhánh thành các dây thần kinh khác, tiếp tục đi xuống chân, bàn chân và ngón chân.
Thần kinh tọa là dây thần kinh dài và dày nhất trong cơ thể
Đau thần kinh tọa là cơn đau dây thần kinh do chấn thương hoặc kích thích dây thần kinh tọa, bắt nguồn vùng mông của bạn.
Tổn thương thực sự đối với dây thần kinh tọa và gây ra “đau thần kinh tọa” rất hiếm gặp. Tuy nhiên, thuật ngữ “đau thần kinh tọa” thường được sử dụng để mô tả cho bất kỳ cơn đau nào bắt nguồn lưng dưới và lan xuống chân – vị trí của thần kinh tọa. Đặc điểm chung của những cơn đau này là chấn thương dây thần kinh như bị kích thích, viêm hay bị chèn ép.
Đau thần kinh tọa là những cơn đau từ nhẹ đến nặng, đôi khi nó cũng là nguyên nhân gây yếu cơ ở chân và bàn chân của bạn, đôi khi là cảm giác tê chân, ngứa râm ran hoặc cảm giác kim châm ở chân, bàn chân hoặc ngón chân.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa?
Đau thần kinh tọa xảy ra khi có vật gì đó đè hoặc cọ xát vào dây thần kinh tọa. Điều này xảy ra do một số bệnh lý như:
Thoát vị đĩa đệm hoặc trượt đĩa đệm
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thần kinh tọa. Khi một mô đệm mềm nằm giữa các xương trong cột sống của bạn bị thoát vị hoặc trượt ra sẽ gây áp lực lên rễ thần kinh của dây thần kinh tọa.
Thoái hoá đĩa đệm
Bệnh thoái hoá đĩa đệm là sự hao mòn tự nhiên của các đĩa đệm giữa các đốt của cột sống. Việc hao mòn đĩa đệm làm giảm chiều dài của chúng, từ đó làm giảm không gian, gây hẹp ống sống và chèn ép lên các rễ thần kinh tọa.
Trượt đốt sống thắt lưng
Một đốt sống bị trượt và lệch ra ngoài so với những đốt sống ở trên, làm thu hẹp lỗ mở mà dây thần kinh thoát ra ngoài gây nên tình trạng chèn ép.
Hội chứng Piriformis (Hội chứng cơ hình lê, cơ tháp)
Hội chứng xảy ra khi cơ piriformis (kéo dài từ mông ở rìa cột sống đến tận đầu đùi) bị căng hoặc co thắt. Điều này có thể gây áp lực và kích thích dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, hội chứng Piriformis là một rối loạn thần kinh cơ không phổ biến.
Hội chứng Cauda equina
Đây là một tình trạng rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến bó dây thần kinh ở cuối tuỷ sống – được gọi là cauda equina. Hội chứng này gây đau xuống chân, tê quanh hậu môn và mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang.
Ngoài ra, còn có một số bệnh lý khác cũng gây đau thần kinh tọa như: gai xương, chấn thương cột sống thắt lưng, chấn thương dây thần kinh tọa, khối u trong ống sống thắt lưng, …
Triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa
Các triệu chứng của đau thần kinh toạ bao gồm:
+ Đau từ vừa đến nặng ở vùng lưng dưới, mông và lan xuống chân.
+ Tê hoặc yếu ở vùng lưng dưới, mông, chân hoặc bàn chân của bạn.
+ Đau nặng hơn khi cử động, hoặc mất cử động.
+ Cảm giác “kim châm” ở chân, ngón chân hoặc bàn chân của bạn.
+ Mất kiểm soát ruột và bàng quang (do hội chứng Cauda equina đã nêu ở trên)
Những cơn đau này có thể có mức độ nghiêm trọng và có thể trầm trọng hơn khi ngồi trong thời gian dài.
>>> Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về bệnh zona thần kinh
Các yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa là gì?
Dưới đây là các yếu tố nguy cơ khiến cho bạn dễ dàng mắc phải vấn đề về đau thần kinh tọa, bao gồm:
Chấn thương, hoặc đã từng bị chấn thương trước đó
Nếu bạn bị chấn thương, hoặc đã từng bị chấn thương trước đó, đặc biệt là các chấn thương ở vùng lưng dưới, cột sống sẽ khiến bạn có nguy cơ bị đau thần kinh toạ nhiều hơn những người bình thường khác.
Tuổi tác
Theo thời gian, với quá trình lão hoá bình thường, các mô xương và đĩa đệm trong cột sống của bạn sẽ bị mài mòn một cách tự nhiên. Điều này sẽ khiến cho dây thần kinh tọa của bạn có nguy cơ bị chèn ép và gây ra đau thần kinh tọa.
Đau thần kinh tọa là căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi.
Thừa cân, béo phì
Trọng lượng cơ thể càng cao càng tạo ra nhiều áp lực lên cột sống, từ đó có thể dẫn đến căng cơ lưng, đau nhức và các vấn đề về thần kinh tọa.
Lối sống ít vận động
Việc ngồi lâu trong một thời gian dài, hoặc một lối sống ít vận động sẽ khiến cho bạn có nguy cơ bị đau thần kinh tọa cao hơn so với người có lối sống năng động.
Tính chất công việc
Những công việc đòi hỏi phải thường xuyên mang, vác nặng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến thắt lưng, thần kinh tọa, hoặc với những công việc phải ngồi lâu như tài xế, nhân viên văn phòng, …
Tiểu đường
Một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường đó là tổn thương thần kinh. Điều này làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa hơn những người bình thường khác.
Khói thuốc
Trong khói thuốc lá có thành phần gọi là nicotin, chính thành phần này có thể làm hỏng mô cột sống, làm loãng xương và đẩy nhanh quá trình bào mòn đĩa đệm đốt sống. Từ đó gây ra đau thần kinh tọa.
Thai kỳ
Đau thần kinh tọa thường phổ biến ở phụ nữ mang thai, nhưng tăng cân không phải là nguyên nhân chính gây ra vấn đề này.
Trong thời kỳ mang thai, dưới sự ảnh hưởng của của một số hormone khiến cho dây chằng bị nới lỏng làm cho cột sống mất ổn định, dẫn đến đĩa đệm dễ bị trượt chèn ép lên dây thần kinh và gây ra chứng đau thần kinh tọa.
Đau thần kinh toạ có thể được chữa khỏi không?
Tuỳ thuộc vào nhiều nguyên nhân, nhiều trường hợp đau thần kinh toạ sẽ biến mất theo thời gian bằng một số phương pháp điều trị, tự chăm sóc đơn giản. Nhưng cũng sẽ có những trường hợp bạn phải cần đến sự can thiệp và tư vấn của bác sĩ để có được phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị đau thần kinh tọa như thế nào?
Các phương pháp điều trị đơn giản tại nhà
Chườm đá hoặc chườm nóng
Đầu tiên bạn nên chườm đá để giảm đau và sưng. Bạn có thể sử dụng túi nước đá, hoặc dùng khăn bọc đá vào và chườm lên vùng bị đau. Phương pháp này nên áp dụng trong 20 phút, một ngày thực hiện vài lần.
Chườm đá là cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm đau và sưng viêm.
Chườm nóng nên thực hiện sau vài ngày đầu tiên bạn đã chườm đá. Áp dụng cho 20 phút tại một thời điểm.
Nếu bạn vẫn còn đau, hãy chuyển đổi giữa chườm nóng và chườm lạnh – tùy theo cách nào giúp bạn giảm cảm giác khó chịu tốt nhất.
Sử dụng thuốc không kê đơn
Các thuốc không kê đơn sử dụng trong trường hợp này là những thuốc giảm đau, kháng viêm và giảm sưng như NSAIDS (Ibuprofen, Naproxen, hoặc Aspirin). Tuy nhiên, hãy thận trọng nếu sử dụng Aspirin bởi nếu sử dụng thường xuyên Aspirin có thể gây loét và xuất huyết tiêu hoá ở một số người.
Nếu bạn không thể dùng NSAIDS, có thể dùng Acetaminophen (Paracetamol) để thay thế.
Thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng
Các nhân viên y tế có thể hướng dẫn bạn một vài động tác nhẹ nhàng, phù hợp với từng thể trạng và tình trạng cụ thể.
Ngoài ra, các bài tập đơn giản như đi bộ, yoga … cũng giúp ích khá nhiều cho người bị đau thần kinh tọa.
Các phương pháp điều trị chuyên sâu
Cơn đau thần kinh tọa ở mỗi người là khác nhau. Bản chất đau có thể khác nhau, cường độ khác nhau, và nguyên nhân gây ra cơn đau có thể khác nhau.
Nếu sau khoảng 6 tuần áp dụng những biện pháp điều trị đơn giản tại nhà như chườm nóng – lạnh, kéo giãn cơ, dùng thuốc không kê đơn mà vẫn không cải thiện, thì đã đến lúc bạn cần có sự giúp đỡ từ bác sĩ với các phương pháp điều trị phù hợp hơn.
Các lựa chọn điều trị khác bao gồm
Thuốc kê đơn
Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc giãn cơ, chẳng hạn như Cyclobenzaprine để giảm bớt sự khó chịu do co thắt cơ.
Hoặc các loại thuốc khác có tác dụng giảm đau như thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh,… tuỳ thuộc vào mức độ đau của bạn.
Vật lý trị liệu
Mục tiêu của vật lý trị liệu là tìm ra các động tác thể dục làm giảm đau thần kinh tọa bằng cách giảm áp lực lên dây thần kinh.
Tiêm cột sống
Corticosteroid – một loại thuốc chống viêm, có thể được tiêm vào vùng lưng dưới với mục đích giảm đau và viêm xung quanh rễ thần kinh bị ảnh hưởng.
Phương pháp này thường giúp giảm đau trong một thời gian ngắn – khoảng 3 tháng.
Các liệu pháp thay thế
Các liệu pháp thay thế ngày càng được nhiều bệnh nhân lựa chọn sử dụng để điều trị và kiểm soát các cơn đau. Các liệu pháp này bao gồm nắn chỉnh cột sống, yoga, xoa bóp hoặc châm cứu.
Yoga vừa giúp nâng cao sức bền cơ thể vừa hỗ trợ kiểm soát cơn đau thần kinh tọa.
Phẫu thuật
Đây là phương pháp cuối cùng nếu bạn không thể đáp ứng được với các phương pháp kể trên. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất.
Cho dù là thực hiện biện pháp đơn giản tại nhà hay các phương pháp đòi hỏi chuyên môn thì bạn cũng cần tuân thủ theo các hướng dẫn của nhân viên y tế, không tự ý sử dụng thuốc để tránh những tác dụng không mong muốn.
Bạn có thể ngăn ngừa chứng đau thần kinh tọa không?
Ngoại trừ những nguyên nhân bất khả kháng như: lão hoá, thai kỳ, bệnh thoái hoá đĩa đệm do tuổi tác … thì bạn có thể ngăn ngừa chứng đau thần kinh tọa cũng như bảo vệ lưng bằng những biện pháp dưới đây:
Duy trì tư thế tốt
Thực hiện đúng các tư thế khi ngồi, đứng, hoặc nâng đồ vật, tránh nâng vật nặng quá sức mục đích giảm áp lực lên vùng lưng dưới của bạn.
Đau là một dấu hiệu cảnh báo sớm tư thế của bạn đang không đúng cách, do vậy cần điều chỉnh tư thế nếu bạn cảm thấy đau nhé.
Không hút thuốc
Nicotine làm giảm lượng máu cung cấp cho xương, làm suy yếu cột sống và đĩa đệm, gây áp lực cho cột sống và đĩa đệm – nguyên nhân cho nhiều vấn đề về lưng và cột sống.
Duy trì cân nặng hợp lý
Béo phì là một trong những nguyên nhân khiến cột sống của bạn gặp nhiều áp lực. do vậy, việc duy trì cân nặng hợp lý cũng là cách giúp bạn hạn chế rủi ro bị chứng đau thần kinh tọa.
Tập thể dục thường xuyên
Các bài tập thể dục giúp kéo giãn, giữ cho các khớp linh hoạt, hoặc các bài tập tăng cường sức mạnh cho các cơ ở vùng lưng dưới, bụng sẽ giúp hỗ trợ tốt cột sống của bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế ngồi trong một thời gian dài.
Các động tác giúp giảm đau thần kinh tọa
Căng cơ mông
Thực hiện các bước sau:
Bước 1: Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng trước mặt.
Bước 2: Cong chân phải của bạn, đặt mắt cá chân phải của bạn trên đầu gối trái.
Bước 3: Nghiêng về phía trước và cho phép phần thân trên vươn về phía đùi của bạn. Giữ trong 15 - 30 giây.
Bước 4: Lặp lại tương tự ở phía còn lại.
Động tác này giúp kéo căng cơ mông và vùng lưng dưới.
Ngồi kéo giãn cột sống
Thực hiện các bước sau:
Bước 1: Ngồi trên mặt đất, hai chân duỗi thẳng, hai bàn chân hướng lên.
Bước 2: Cong đầu gối phải của bạn và đặt bàn chân phải của bạn lên sàn bên ngoài đầu gối trái.
Bước 3: Đặt khuỷu tay trái ở bên ngoài đầu gối phải và nhẹ nhàng xoay người sang phải.
Bước 4: Giữ trong 30 giây và lặp lại 3 lần, sau đó đổi bên.
Động tác ngồi kéo giãn cột sống giúp giảm áp lực lên dây thần kinh ở hông
Đau dây thần kinh tọa được kích hoạt khi các đốt sống bị nén. Động tác này giúp kéo giãn, tạo khoảng trống trong cột sống nhằm giảm áp lực lên dây thần kinh hông.
Tư thế ngồi duỗi cơ bản
Bạn hãy bắt đầu động tác này bằng cách ngồi xuống ghế và bắt chéo chân bị đau qua đầu gối của chân kia. Sau đó làm theo các bước sau:
Bước 1: Cúi người về phía trước, cố gắng giữ thẳng cột sống. Cúi người thấp nhất có thể, dừng lại nếu bạn cảm thấy đau.
Bước 2: Giữ nguyên tư thế này trong 30 giây và lặp lại với chân bên kia.
Căng cơ động tác đứng
Đây là một động tác kéo giãn khác có thể giúp giảm đau thần kinh tọa.
Bước 1: Đặt chân đau của bạn lên đầu gối của chân kia khi đứng. Gập chân đứng và cố gắng thực hiện tư thế số 4 này với hông hạ thấp xuống đất một góc 45 độ.
Bước 2: Gập eo và vung tay trong khi giữ thẳng lưng. Giữ nguyên tư thế trong 30 – 60 giây.
Bước 3: Đổi chân và lặp lại.
Thực hiện tư thế số 4 giúp bạn giảm đau thần kinh tọa
Bạn có thể thực hiện động tác này mà không cần hỗ trợ nếu có thể, hoặc có thể đứng dựa vào tường và đặt chân cách tường khoảng 20 cm.
Hy vọng bài viết trên có thể cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về chứng đau thần kinh tọa. Nếu bạn cần thêm những thông tin, hoặc cần giải đáp thắc mắc, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Nhà thuốc Việt để được hỗ trợ nhé.
Thông tin liên hệ:
- Hotline: 0985508450
- Zalo: 0985508450
- Website:Nhathuocviet.vn
Hơn 15 năm hoạt động trên thị trường dược phẩm, Nhà thuốc Việt luôn tự hào là một trong những nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt bán lẻ thuốc) sớm nhất do sở y tế TPHCM cấp phép. Với danh mục sản phẩm đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, chúng tôi luôn đảm bảo phục vụ tốt mọi nhu cầu của khách hàng một cách chu đáo nhất.
Hệ thống Nhà thuốc Việt
Địa chỉ:
- Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
- Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM
Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bạn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!