Bài viết được thực hiện bởi Dược sĩ Nguyễn Tiến Dũng
Giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các căn bệnh có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là trên đối tượng trẻ em. Một trong số các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ là bệnh Tay - Chân - Miệng. Đây là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh, có thể bùng phát thành dịch.
Tuy nhiên, nếu bệnh mới chớm thì khả năng điều trị khỏi có tỷ lệ rất cao nếu được điều trị đúng cách. Dưới đây, Hệ thống Nhà thuốc Việt sẽ đưa ra hướng dẫn về cách điều trị bệnh Tay - Chân - Miệng tại nhà.
Tổng quan về bệnh Tay - Chân - Miệng
1/ Bệnh Tay - Chân - Miệng là gì?
Bệnh Tay - Chân - Miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt và xuất hiện những nốt mụn nước trên da (lòng bàn tay, lòng bàn chân,...) và trong niêm mạc (trong khoang miệng,...)
Tay - Chân - Miệng là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, cũng như để lại nhiều di chứng nặng nề ở trẻ. Thông thường, các đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu may mắn khỏi bệnh, trẻ sẽ miễn dịch với Tay - Chân - Miệng khi lớn lên, vì trong cơ thể đã có sẵn kháng thể. Một số người lớn có miễn dịch suy giảm, và người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết cả nước cũng nắng mưa thất thường liên tục trong nhiều ngày. Đây được xem là những yếu tố nguy cơ tiềm tàng để bệnh Tay - Chân - Miệng phát triển, lây lan và có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Nổi mụn nước ở khoang miệng trong bệnh Tay - Chân - Miệng
2/ Nguyên nhân của bệnh Tay - Chân - Miệng là gì?
Bệnh Tay - Chân - Miệng xuất hiện là do 2 loại virus thuộc họ Enterovirus gây ra. Thướng gặp nhất là virus Coxsackie A-16. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể nhiễm phải loại virus hiếm gặp hơn là Enterovirus 71. Tuy cả hai loại virus này đều gây ra biểu hiện lâm sàng giống nhau, nhưng nếu mắc enterovirus 71 thì có khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp (như viêm màng não do virus, viêm não hoặc gây tổn thương cơ tim).
3/ Các triệu chứng thường gặp của bệnh Tay - Chân - Miệng
Bệnh Tay - Chân - Miệng là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan ở trẻ, với các triệu chứng không điển hình và điển hình như sau:
- Các triệu chứng không điển hình gồm có: Sốt, đau họng, chảy nước mũi, tiêu chảy, có thể sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ, vùng hàm dưới hoặc cả hai vùng.
- Các triệu chứng điển hình bao gồm: Xuất hiện các khu vực tổn thương trên da và niêm mạc dưới dạng mụn nước phồng rộp, dễ vỡ. Sau khi vỡ trở thành các vết loét, khiến trẻ đau đớn và giải phóng dịch chứa virus lây nhiễm cho người lành. Các tổn thương ở da có đường kính khoảng 2 - 10mm, có thể ẩn hoặc hiện trên bề mặt da. Tổn thương ở niêm mạc trong cơ thể có đường kính nhỏ hơn, từ 2 đến 3mm.
Một số triệu chứng của bệnh Tay - Chân - Miệng ở trẻ
4/ Một số biến chứng của bệnh Tay - Chân - Miệng
Thông thường, nếu không xảy ra biến chứng, thì trẻ có thể tự khỏi bệnh Tay - Chân - Miệng mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc bệnh Tay - Chân - Miệng do Enterovirus 71, thì nguy cơ biến chứng là tương đối cao. Các biến chứng thường gặp là sốt cao, mê sảng, co giật,..
5/ Các giai đoạn của bệnh Tay - Chân - Miệng
Sự phát triển của bệnh Tay - Chân - Miệng được xác định là có 4 giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh.
- Giai đoạn ủ bệnh Tay - Chân - Miệng: Kéo dài từ 3 đến 7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus từ nước bọt, vết phồng hay phân của người mắc bệnh. Đa phần trẻ rất dễ nhiễm trong các môi trường kín như trong trường mẫu giáo, hoặc các khu vui chơi công cộng như công viên.
- Giai đoạn khởi phát của bệnh Tay - Chân - Miệng: Thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày sau giai đoạn ủ bệnh (tức từ 4 đến 9 ngày sau khi mắc bệnh Tay - Chân - Miệng). Các triệu chứng của bệnh Tay - Chân - Miệng đều tương tự như bệnh cúm, cụ thể gồm có: Sốt nhẹ hoặc sốt cao, Mệt mỏi nhiều, Đau họng, Biếng ăn, Tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, tuy trẻ có sốt nhẹ và vừa trong giai đoạn khởi phát, nhưng nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C và kéo dài từ 3 ngày trở lên ở trẻ dưới 3 tuổi, thì nhiều khả năng trẻ đã bị biến chứng viêm não. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.
- Giai đoạn toàn phát của bệnh Tay - Chân - Miệng: Thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày sau giai đoạn khởi phát (tức từ 7 đến 19 ngày sau khi mắc bệnh Tay - Chân - Miệng). Các triệu chứng chủ yếu của bệnh Tay - Chân - Miệng trong giai đoạn này là Loét miệng, Phát ban và các triệu chứng khác.
- Loét miệng: Là các tổn thương niêm mạc dưới dạng bóng nước ở miệng, lợi và lưỡi. Nếu vết loét bị vỡ có thể khiến trẻ bị đau miệng, khó ăn hoặc bú, cũng như tăng tiết nước bọt.
- Phát ban dạng vết bỏng: Ban đầu, chỉ là những vết ban thông thường, có kích thước nhỏ, sau đó to dần. Các vết phát ban thường sẽ tồn tại dưới 7 ngày, sau đó có thể để lại vết sẹo thâm, hoặc khỏi hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách. Các vết ban chủ yếu xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trẻ sơ sinh có thể xuất hiện ở vùng mông (khu vực quấn tã), và đầu gối. Nếu phát ban từ màu hồng chuyển sang màu vẩn đục thì là dấu hiệu của bội nhiễm, trường hợp này thường hiếm khi xảy ra.
- Các dấu hiệu khác: Trẻ có thể bị sốt nhẹ và nôn, nếu sốt cao và nôn nhiều có thể dẫn tới biến chứng khá cao. Các biến chứng về thần kinh, tim mạch hay hô hấp thường chỉ xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 phát bệnh.