Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Viêm khớp cùng chậu: Nhận diện nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị triệt để

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Nếu bạn bị đau thắt lưng mãn tính, những thay đổi về khớp ở khớp cùng chậu có thể là nguyên nhân. Các chuyên gia ước tính 1,15% đến 30% tất cả các trường hợp đau thắt lưng đều bắt nguồn từ khớp cùng chậu. Bệnh có thể diễn tiến trong nhiều năm và gây ra đau đớn dai dẳng. Trong bài viết sau đây, hệ thống Nhà Thuốc Việt sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin cần quan tâm trong việc nhận diện căn bệnh viêm khớp cùng chậu để có phương pháp điều trị sớm nhất.

Viêm khớp cùng chậu là gì?

Viêm khớp cùng chậu (Sacroiliitis) là tình trạng viêm tại khớp cùng chậu nằm ở nơi xương cùng nối với xương chậu. Bệnh thường ít khi được đoán sớm và khiến người bệnh đau ở mông hoặc lưng dưới và có thể kéo dài xuống chân trong thời gian dài. Thông thường, người bệnh viêm khớp cùng chậu sẽ cảm thấy đau sau khi đứng lâu, đi lại nhiều hoặc leo cầu thang.

Viêm khớp cùng chậu có thể là biểu hiện của một loạt các quá trình bệnh từ viêm, thoái hóa, chấn thương hay nhiễm trùng… Do triệu chứng và nguyên nhân của bệnh không điển hình và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý đau vùng hông lưng khác (như thoát vị đĩa đệm) nên cần có ý thức chẩn đoán sớm và chính xác để điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Viêm khớp cùng chậu có thể chiếm tới 30% các trường hợp đau thắt lưng

Viêm khớp cùng chậu có thể chiếm tới 30% các trường hợp đau thắt lưng

Triệu chứng của viêm khớp cùng chậu

Dấu hiệu than phiền của người bệnh

Đau khớp cùng chậu là biểu hiện khá thường gặp trên thực tế. Ước tính có khoảng 25% các trường hợp đau khớp cùng chậu và các vùng xung quanh là do viêm khớp cùng chậu.

Các triệu chứng của viêm khớp cùng chậu có thể khác nhau. Biểu hiện thường gặp là cơn đau lan tỏa ở vùng thắt lưng, mông, hông và/hoặc vùng háng. Ngoài ra, cơn đau cùng chậu có thể lan xuống chân, phổ biến nhất là dọc theo mặt sau của đùi khiến chẩn đoán thường nhầm lẫn với các bệnh cột sống phổ biến, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm. Các thống kê cho thấy có tới 50% có thể bị đau lan xuống chi dưới.

Người bệnh có thể khởi phát các triệu chứng do một số yếu tố kích thích khác nhau, tuy nhiên, chúng thường liên quan đến mức độ áp lực tăng gây ra lên khớp cùng chậu. Các yếu tố khởi phát thường gặp bao gồm đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài, leo cầu thang, chạy bộ, thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng.

Hình ảnh viêm khớp cùng chậu trên phim chụp

Trong các trường hợp thông thường, chụp X quang vẫn là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tay mặc dù khả năng chẩn đoán kém ở giai đoạn đầu của bệnh. Xquang cung cấp cho bác sĩ lâm sàng hình ảnh khớp cùng chậu một cách sơ bộ, rất hữu ích trong việc đánh giá ban đầu và so sánh cả hai bên.

Hình ảnh viêm khớp cùng chậu trên Xquang có thể biểu hiện như: xơ cứng của các đĩa tận đặc biệt là ở phía chậu, khớp đĩa tận không đều, hẹp khe khớp, xóa mòn khớp và dính khớp như trong bệnh viêm cột sống dính khớp.

CT scan: CT là phương tiện hình ảnh có khả năng cung cấp thông tin chi tiết, độ chính xác và khả năng phát hiện cao hơn so với chụp X quang thông thường. Tuy nhiên, người bệnh phải tiếp xúc với bức xạ cao trong quá trình chụp nên ít khi sử dụng CT cho mục đích tầm soát và theo dõi.

MRI: mặc dù không được sử dụng thường xuyên để đánh giá các khớp cùng chậu, MRI có khả năng xác định những thay đổi viêm sớm ở khớp khi các phương tiện hình ảnh khác cho kết quả âm tính và loại trừ các nguyên nhân khác như thoát vị đĩa đệm có thể giống với các triệu chứng lâm sàng của viêm khớp cùng chậu.

Cơn đau trong viêm khớp cùng chậu có thể lan xuống chân

Cơn đau trong viêm khớp cùng chậu có thể lan xuống chân

Nguyên nhân của viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ

Viêm khớp cùng chậu nữ giới có tần suất cao hơn nam giới. Nguyên nhân nằm ở việc khớp cùng chậu ở nữ linh hoạt hơn, đồng nghĩa với khớp sẽ  tăng áp lực phải gánh chịu, tăng mức độ chuyển động và tăng tải trọng lên các cấu trúc xung quanh bởi các hoạt động trong làm việc, tập luyện, sinh hoạt và do đó dễ bị rối loạn chức năng hơn. 

Bên cạnh đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 có nguy cơ cao nhất được chẩn đoán mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, một trong những nguyên nhân gây ra viêm khớp cùng chậu. 

Viêm khớp cùng chậu sau sinh

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể của người phụ nữ xảy ra nhiều biến đổi lớn. Khung chậu tăng dần bề rộng, các dây chằng dẵn, trọng lượng cơ thể tăng lên khiến áp lực lên khớp cùng chậu tăng lên. Do đó trong một số trường hợp, sản phụ sau sinh có thể có biểu hiện của viêm khớp cùng chậu.

Một nguyên nhân ít gặp hơn liên quan đến sự thay đổi các hormone trong thai kỳ khiến một số bệnh tự miễn bùng phát trong quá trình mang thai hoặc sau sinh (như Lupus ban đỏ hệ thống), điều này góp phần tăng tỷ lệ mắc viêm khớp cùng chậu sau sinh.

Viêm khớp cùng chậu nữ giới có tần suất phổ biến hơn

Viêm khớp cùng chậu nữ giới có tần suất phổ biến hơn

Viêm cột sống dính khớp

Thông thường, đau khớp cùng chậu là những triệu chứng ban đầu ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp. Một điểm khác biệt thú vị so với các tình trạng tự miễn dịch khác là viêm cột sống dính khớp chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới. Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp cao gấp 2 đến 3 lần so với phụ nữ. Thường bệnh khởi phát từ 15-40 tuổi. Nếu bạn có những yếu tố kể trên, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa xương khớp.

Viêm khớp vảy nến

Giống như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến là một bệnh tự miễn mãn tính. Nó có liên quan chặt chẽ với tình trạng da gọi là bệnh vẩy nến, nhưng không phải ai bị viêm khớp vẩy nến cũng bị bệnh vẩy nến.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp cũng là một bệnh do hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công lên các khớp, dẫn đến viêm khớp. Mặc dù các triệu chứng ban đầu của viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ hơn là khớp lớn, chẳng hạn như khớp ở bàn tay và cổ tay, nhưng trong một số trường hợp khớp cùng chậu cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thoái hóa khớp

Do khớp cùng chậu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển trọng lượng phần trên cơ thể xuống các chi dưới, nên nó thường bị ảnh hưởng trong thoái hóa khớp. Những người bị thoái hóa khớp ở khớp cùng chậu thường phát triển gai xương quanh khớp, dẫn đến đau và rối loạn chức năng.

Viêm khớp phản ứng

Viêm khớp cùng chậu và/hoặc các bộ phận khác của cột sống là triệu chứng phổ biến của viêm khớp phản ứng. Viêm khớp phản ứng được kích hoạt bởi nhiễm trùng và trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng đã khỏi khi các triệu chứng viêm khớp phản ứng xuất hiện.

Chấn thương

Các chấn thương khớp cùng chậu gây ra bởi ngoại lực như té ngã, va chạm… có thể gây tổn thương khớp và dây chằng xung quanh, một số trường hợp dẫn đến viêm khớp cùng chậu.

Chẩn đoán viêm khớp cùng chậu

Trên thực tế, chẩn đoán viêm khớp cùng chậu rất khó do biểu hiện triệu chứng tương tự như nhiều nguyên nhân gây đau lưng khác. Do vậy, điều quan trọng đối với các bác sĩ lâm sàng là có thái độ nghi ngờ để xác định đúng liệu rằng các dấu hiệu của cơn đau phát sinh từ khớp cùng chậu hay không để chẩn đoán đúng.

Các bác sĩ thường sẽ bắt đầu chẩn đoán bằng cách khám khớp người bện. Cách để xác định nguồn gốc của cơn đau là gây áp lực lên các vị trí ở chân, cột sống, hông và mông bằng các nghiệm pháp thăm khám đặc biệt. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhiều động tác kéo giãn khác nhau để tạo áp lực nhẹ lên khớp cùng chậu.

Chụp X-quang, MRI và các xét nghiệm hình ảnh tương tự khác cũng có thể cho thấy dấu hiệu tổn thương và viêm ở khớp cùng chậu. Thông thường, một chuyên gia về cột sống sẽ yêu cầu xét nghiệm hình ảnh nếu họ nghi ngờ viêm cột sống dính khớp hoặc các dạng viêm khớp khác là nguyên nhân chính gây đau.

Xét nghiệm máu đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu, người bệnh thường sẽ gia tăng các chỉ số viêm. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu giúp xác định các tác nhân chuyên biệt khác gây đau khớp cùng chậu như Lupus, viêm khớp dạng thấp…

Trong những trường hợp khó chẩn đoán, tiêm Corticoid vào khớp cùng chậu có đáp ứng giảm đau có thể giúp bác sĩ lâm sàng chẩn đoán căn bệnh này.

Các nghiệm pháp thăm khám rất hữu ích trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu

Các nghiệm pháp thăm khám rất hữu ích trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu

Điều trị viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi không?

Điều trị viêm khớp cùng chậu liên quan đến việc điều trị các nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, viêm khớp cùng chậu vẫn được xem là không thể chữa khỏi tuyệt đối. Dù vậy, hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc, không dùng thuốc và phẫu thuật có thể được áp dụng phù hợp giúp cải thiện triệu chứng và chất lượng sống của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, cơn đau có thể biến mất trong nhiều tháng, nhiều năm nếu người bệnh được điều trị tốt.

Viêm khớp cùng chậu nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm có thể làm nặng thêm hoặc ức chế cơn đau viêm khớp ở khớp cùng chậu. Lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể giúp bạn giảm đau khớp và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng viêm nặng hơn. 

Các thực phẩm cần tránh bao gồm chất béo bão hòa, đồ uống có cồn, đường tinh luyện, thực phẩm chứa nhiều đường, thịt đỏ… 

Các thực phẩm được khuyên dùng nhiều hơn bao gồm trái cây, rau xanh, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, chất béo không bão hòa…

Phối hợp điều trị viêm khớp cùng chậu

Thông thường, viêm khớp cùng chậu mức độ nhẹ đến trung bình có thể thuyên giảm thông qua sự kết hợp giữa nghỉ ngơi, trị liệu bằng nhiệt/chườm đá và thuốc chống viêm như ibuprofen (có thể sử dụng paracetamol nếu không thể sử dụng ibuprofen). Kết hợp lại những phương pháp điều trị đơn giản này có thể giúp giảm viêm và giúp khớp được nghỉ ngơi. 

Đối với cơn đau từ trung bình đến nặng, thuốc giảm đau cần kê đơn (ví dụ như Tramadol) và thuốc giãn cơ có thể giúp giảm đau và giảm co thắt cơ ở một mức độ nhất định để làm giảm triệu chứng bệnh.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc vào khớp cùng chậu. Nếu phương pháp điều trị này được chọn, bác sĩ thường sẽ tiêm một chất gây tê, có thể là lidocain và thuốc kháng viêm Corticosteroid vào khớp.

Phẫu thuật thường là biện pháp cuối cùng đối với những bệnh nhân đang bị đau dữ dội không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và gây cản trở cuộc sống hàng ngày của họ, phẫu thuật hợp nhất khớp cùng chậu là một lựa chọn khả thi. Phẫu thuật này giúp ổn định khớp một cách hiệu quả và tăng khả năng chịu tải bằng cách kết hợp khớp lại với nhau thông qua một thủ thuật xâm lấn tối thiểu và ngắn gọn.

Nhiều loại thuốc có thể cải thiện tốt triệu chứng viêm khớp cùng chậu

Nhiều loại thuốc có thể cải thiện tốt triệu chứng viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không?

Khi các triệu chứng cấp tính được kiểm soát, người bệnh có thể bắt đầu với các bài tập rèn luyện sự linh hoạt và các bài tập ổn định vùng chậu. Các bài tập giãn cơ và phát triển cơ bắp ở thân và chi dưới thuộc nhóm này. Sau khi phục hồi chức năng cơ bản, các bài tập aerobic tác động thấp như chạy bộ nhẹ và thể dục nhịp điệu dưới nước được chỉ định để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý quan trọng cần lưu tâm do những ảnh hưởng lên khả năng đi lại, sinh hoạt của người bệnh. Việc nhận biết triệu chứng của bệnh sớm giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Trên đây là những thông tin tổng quát về căn bệnh viêm khớp cùng chậu, hy vọng bạn đọc đã được những thông tin hữu ích.

Xem thêm: 

Nguồn tham khảo:

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật