Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân, chẩn đoán và hướng điều trị

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Đau lưng ở người trẻ có thể là chỉ điểm cho một bệnh lý tự miễn nghiêm trọng là viêm cột sống dính khớp. Bệnh gây ra đau, dính khớp tại cột sống và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, làm việc của người bệnh. Việc sống chung với viêm cột sống dính khớp chưa bao giờ là dễ dàng, hiện bệnh cũng chưa có phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho ra đời các loại thuốc có thể kiềm hãm và cải thiện bệnh. Việc khám và chẩn đoán sớm viêm cột sống dính khớp có thể góp phần rất lớn trong việc cải thiện tiên lượng dài lâu của bệnh. Sau đây, Nhà Thuốc Việt xin gửi đến bạn đọc những thông tin quan trọng và chi tiết về căn bệnh này.

Bệnh viêm cột sống dính khớp là gì? 

Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing spondylitis - VCSDK) là bệnh viêm khớp mạn tính gây ảnh hưởng lên khớp cột sống và khớp cùng chậu (nơi gắn xương chậu với đoạn cuối của cột sống). Theo giải phẫu, cột sống có khả năng di động và uốn cong để cơ thể có thể thực hiện các động tác, tư thế khác nhau. Nếu bạn bị VCSDK, tình trạng viêm ở các khớp và mô của cột sống có thể gây cứng khớp. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể khiến các đốt sống dính và hợp nhất vào nhau, làm mất đi tính linh hoạt của cột sống và làm giới hạn nhiều khả năng làm việc, sinh hoạt của người bệnh.

Nhiều người bệnh bị VCSDK có những cơn đau lưng và cứng khớp nhẹ đến rồi đi. Nhưng những người khác lại bị đau dữ dội, liên tục và mất tính linh hoạt ở cột sống. Ngoài ra, vì viêm cột sống dính khớp là bệnh lý liên quan đến yếu tố tự miễn, tức các tế bào miễn dịch của cơ thể hiểu sai và tấn công nhầm các cơ quan của chúng ta. Do đó các triệu chứng khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào khu vực nào khác trên cơ thể bị ảnh hưởng bởi bệnh như mắt, tim, phổi, ruột. Bên cạnh đó bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp ngoại vi như khớp gối, mắt cá chân và hông.

Hiện tại vẫn chưa có cách trị khỏi VCSDK nhưng các bác sĩ đã có nhiều lựa chọn hơn để điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu do viêm cột sống dính khớp gây ra. Nếu được điều trị, hầu hết những người bị viêm cột sống dính khớp đều có thể có cuộc sống ổn định và tốt hơn.

Đau lưng ở người trẻ cần nghĩ đến nguyên nhân viêm cột sống dính khớp 

Đau lưng ở người trẻ cần nghĩ đến nguyên nhân viêm cột sống dính khớp

Triệu chứng của viêm cột sống dính khớp

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm cột sống dính khớp là đau lưng, tiếp sau đó là đau hông và cứng khớp. Theo thời gian, các triệu chứng có thể tiến triển sang các vùng khác của cột sống hoặc cơ thể. Cơn đau thường trầm trọng hơn khi nghỉ ngơi hoặc không hoạt động, điều này có thể khiến một số người cảm thấy đau nhiều hơn vào lúc nửa đêm hoặc sau khi ngồi lâu. Người bệnh VCSDK cũng than phiền về việc cứng khớp vào buổi sáng kéo dài từ 30 phút trở lên. Thông thường, di chuyển và tập thể dục có thể giúp cải thiện cơn đau. 

Tại các cấu trúc xung quanh khớp có thể có triệu chứng đau do nhiều nguyên nhân như viêm điểm bám gân (ví dụ như gân Achilles, mào chậu, củ chày; gây đau khi sờ nắn), sưng viêm ngón tay, ngón chân, đau khớp hông…

Trong thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể thực hiện các test kích thích cơn đau ở khớp cùng chậu để lấy tư liệu chẩn đoán như test FABER, dấu Mennell và các test tìm dấu giảm vận động cột sống như test Schober, kiểm tra độ uốn thắt lưng bên, kiểm tra độ giãn nở lồng ngực và chứng gù cột sống.

Các triệu chứng của VCSDK khác nhau ở mỗi người, thời gian mắc bệnh và điều trị của họ. Một số người có những cơn đau nhẹ đến rồi đi, trong khi những người khác sẽ bị đau mãn tính, dữ dội. Các triệu chứng của viêm cột sống dính khớp, dù nhẹ hay nặng đều có thể trở nên trầm trọng hơn theo từng đợt bùng phát cấp tính của bệnh và cải thiện trong thời gian bệnh lui.

Triệu chứng viêm ngón tay trong viêm cột sống dính khớp

Triệu chứng viêm ngón tay trong viêm cột sống dính khớp

Bên cạnh tác động chính lên các khớp và gân, VCSDK cũng gây ra những bệnh lý, dấu hiệu tại các cơ quan khác trên cơ thể như:

  • Viêm màng bồ đào trước một bên cấp tính: đây là biểu hiện ngoài khớp phổ biến nhất; xuất hiện ở khoảng 25% bệnh nhân. Nếu gặp phải tình trạng này, mắt người bệnh có thể bị đỏ, đau và nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng). Tầm nhìn của người bệnh cũng có thể bị mờ hoặc như bị sương mù che phủ.
  • Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, suy nhược, sốt, chán ăn và sụt cân. Một phần có thể đến từ nguyên nhân mất ngủ kéo dài do đau khớp.
  • Bệnh phổi hạn chế do giảm khả năng vận động của cột sống ngực và khớp sườn, hoặc thứ phát sau xơ đỉnh phổi hoặc bệnh phổi mô kẽ lan. Bệnh phổi hạn chế làm người bệnh khó để hít thở sâu.
  • Các bệnh lý về đường tiêu hóa như bệnh ruột viêm mãn tính liên quan VCSDK, chiếm khoảng 5–10% bệnh nhân.
  • Phát ban da trong vảy nến.
  • Viêm tiền liệt tuyến
  • Viêm tại gốc động mạch chủ có thể dẫn đến hở van động mạch chủ, block nhĩ thất.
  • Bệnh thận IgA: khá hiếm gặp.
Viêm màng bồ đào mắt (P) do viêm cột sống dính khớp

Viêm màng bồ đào mắt (P) do viêm cột sống dính khớp

Nguyên nhân của viêm cột sống dính khớp

Cho đến hiện tại, các nghiên cứu vẫn xác định được nguyên nhân gây ra bệnh VCSDK. Dù vậy, một số yếu tố về gen và môi trường có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh đã được tìm ra. Trong đó, gen HLA-B27 được tìm thấy ở 90-95% số người mắc viêm cột sống dính khớp. 

Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc VCSDK như tuổi. Thông thường bệnh sẽ khởi phát từ 15-45 tuổi. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ một số người mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc thiếu niên. Những người mắc bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hoặc bệnh vẩy nến cũng có tỷ lệ mắc viêm cột sống dính khớp cao hơn so với thông thường.

Cơ chế gây bệnh của VCSDK là do hệ thống miễn dịch bị rối loạn chức năng sinh ra các yếu tố viêm tấn công lên các cơ quan của cơ thể. Đích đến thường thấy của các tế bào viêm này là dây chằng và gân gắn vào các đốt sống. Dẫn tới hiện tượng xương bị xói mòn ở những vị trí này và cơ thể cố gắng tự sửa chữa bằng cách hình thành xương mới. Dần dần các đốt sống bắt đầu dày lên và hợp nhất vào nhau khiến cột sống trở nên cứng, không linh hoạt và đau đớn. Điều trớ trêu thay là mặc dù có xương mới được hình thành nhưng đốt sống ban đầu của người bệnh có thể có mật độ xương thấp và tăng nguy cơ gãy xẹp đốt sống.

Viêm cột sống dính khớp có di truyền không?

Vì có liên quan đến yếu tố gen đã được tìm thấy là HLA-B27, nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh VCSDK, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh nếu có gen này, bởi chỉ 1–2% số người có HLA-B27 bị viêm cột sống dính khớp.

Đau khớp cùng chậu là triệu chứng phổ biến trong viêm cột sống dính khớp

Đau khớp cùng chậu là triệu chứng phổ biến trong viêm cột sống dính khớp

Biến chứng viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp sống được bao lâu?

Các thống kê cho thấy, người bệnh viêm cột sống dính khớp có thể sống với tuổi thọ tương đương với dân số nói chung, ngoại trừ những bệnh nhân có triệu chứng và biến chứng nặng. Điều này càng nhấn mạnh vai trò của việc chẩn đoán và điều trị sớm VCSDK để cải thiện tiên lượng dài lâu. 

Biến chứng của viêm cột sống dính khớp là gì?

Cần phải hiểu rằng mặc dù bản thân VCSDK không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể có các biến chứng và bệnh đi kèm liên quan đến tình trạng này. Các biến chứng của viêm cột sống dính khớp có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ bao gồm:

  • Dính hoàn toàn của cột sống: mặc dù hầu hết những người bệnh VCSDK vẫn có khả năng sinh hoạt độc lập hoặc có một số hạn chế nhỏ trong thời gian dài của bệnh, vẫn có một số trường hợp VCSDK sẽ tiến triển đến dính khớp hoàn toàn. Tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng đến phần lưng dưới và là kết quả của việc các đốt sống liên kết lại với nhau. Việc đốt sống bị dính chặt có thể khiến người bệnh khó cử động lưng, ngực và tư thế bị cố định ở một vị trí.
  • Tổn thương khớp: VCSDK có thể khiến các khớp như hông và đầu gối bị viêm. Điều này có thể làm tổn thương các khớp bị ảnh hưởng theo thời gian, gây ra đau đớn và khó cử động. Nếu khớp bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ cần phẫu thuật để thay khớp nhân tạo.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch: nếu bạn mắc VCSDK, bạn cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều quan trọng là phải thực hiện các hành động để giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Bác sĩ thấp khớp, chuyên gia điều trị các bệnh về cơ và khớp có thể tư vấn về những thay đổi trong lối sống mà bạn nên thực hiện để giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim mạch như ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, dầu mỡ, duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục.
  • Tăng nguy cơ loãng xương: loãng xương là tình trạng xương trở nên yếu và giòn. Trong VCSDK, chứng loãng xương có thể phát triển và làm tăng nguy cơ gãy xương ở cột sống. Người bệnh VCSDK càng lâu thì nguy cơ này càng tăng lên. 
  • Gãy xương dạng que phấn: gãy ngang qua cột sống bị hợp nhất. Cơ chế là do giảm tính linh hoạt do cột sống dính chặt và loãng xương
  • Khó thở do hạn chế mở rộng lồng ngực và vận động cột sống
  • Xơ hóa thùy trên của phổi.
Hình ảnh CT xơ hóa thùy trên của phổi gặp trong viêm cột sống dính khớp

Hình ảnh CT xơ hóa thùy trên của phổi gặp trong viêm cột sống dính khớp

Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp

Trên thực tế lâm sàng, viêm cột sống dính khớp rất khó chẩn đoán; Đây là một căn bệnh rất đa dạng với nhiều triệu chứng khác nhau. Một số người có thể chỉ bị đau lưng nhẹ, trong khi những người khác sẽ bị đau mãn tính nghiêm trọng kèm theo cứng cột sống ảnh hưởng đến tư thế và hoạt động hàng ngày của họ. Sụt cân, mệt mỏi, sốt hoặc đổ mồ hôi đêm là những triệu chứng có thể xảy ra, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. 

Theo Hiệp Hội Quốc Tế Về Viêm Cột Sống (Spondyloarthritis International Society [ASAS]), tiêu chuẩn chẩn đoán VCSDK sẽ bao gồm cả yếu tố lâm sàng, hình ảnh học và xét nghiệm, cụ thể là:

Đau lưng dưới > 3 tháng ở bệnh nhân < 45 tuổi và có một trong các dấu hiệu sau: 

  • Viêm khớp cùng chậu được xác nhận trên X-quang hoặc MRI và ≥ 1 dấu hiệu lâm sàng hoặc xét nghiệm điển hình 
  • Xét nghiệm HLA-B27 dương tính và ≥ 2 dấu hiệu lâm sàng hoặc xét nghiệm điển hình

Các dấu hiệu lâm sàng và kết quả xét nghiệm được sử dụng trong tiêu chuẩn chẩn đoán VCSDK bao gồm: 

  • Biểu hiện ở khớp: đau lưng kiểu viêm, viêm ngón, viêm khớp 
  • Biểu hiện ngoài khớp: viêm điểm bám gân (có thể biểu hiện đau gót chân), viêm màng bồ đào, bệnh ruột viêm IBD, bệnh vẩy nến 
  • Yếu tố tiền sử:
    • Tiền sử gia đình mắc bệnh viêm cột sống 
    • Các triệu chứng thuyên giảm trong vòng 24–48 giờ sau khi dùng NSAID đủ liều 
  • Kết quả xét nghiệm: dương tính với HLA-B27; ↑ CRP và/hoặc ESR
Hình ảnh dính khớp trên Xquang của người bệnh VCSDK

Hình ảnh dính khớp trên Xquang của người bệnh VCSDK

Điều trị viêm cột sống dính khớp

Bệnh viêm cột sống dính khớp có chữa được không?

Hiện tại viêm cột sống dính khớp vẫn chưa chữa khỏi hoàn toàn được. Mục tiêu điều trị vẫn là kiểm soát triệu chứng và mức độ hoạt động của bệnh, phòng các biến chứng xảy ra. 

Điều trị bằng thuốc 

Đối với nhóm bệnh nhân có VCSDK đang hoạt động:

Các người bệnh VCSDK có bệnh đang hoạt động, than phiền nhiều triệu chứng, thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID) là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên. Thông thường, thuốc cần được sử dụng liên tục, kéo dài khi bệnh vẫn còn tiến triển. Cần lưu ý kiểm tra chức năng thận và các tác dụng phụ lên dạ dày của người bệnh.

Với những người bệnh VCSDK có kèm bệnh ruột viêm, viêm mống mắt tái phát hay không đáp ứng với điều trị NSAID, lựa chọn thứ hai sẽ được cân nhắc sử dụng nhóm thuốc sinh học ức chế TNF-α (Infliximab, Adalimumab, Etanecept).

Các nhóm thuốc điều trị thay thế như nhóm thuốc chống thấp làm thay đổi bệnh DMARD (như SulfVCSDKalazine, Methotrexate, Secukinumab, Ixekizumab), glucocorticoid tiêm nội khớp có thể được chỉ định trong một số trường hợp viêm khớp ngoại vi hoặc không đáp ứng đầy đủ với các nhóm thuốc đầu tay. 

Số ít bệnh nhân không đáp ứng với tất cả các phương pháp điều trị kể trên có thể được đề xuất sử dụng nhóm thuốc sinh học trúng đích DMARD như Tofacitinib hoặc phẫu thuật.

Đối với nhóm bệnh nhân có VCSDK ổn định.

Bệnh nhân mắc VCSDK có thể có bệnh ổn định khi chẩn đoán hoặc sau khi điều trị ổn bệnh giai đoạn hoạt động sẽ được chỉ định nhóm NSAID khi cần để kiểm soát đau và xem xét các thuốc sinh học nếu NSAID không đáp ứng đầy đủ.

Bên cạnh điều trị chính của VCSDK, cũng cần phải lưu tâm đến các bệnh lý ngoài khớp liên quan như bệnh ruột viêm, loãng xương, bệnh phổi… để điều trị toàn diện cho người bệnh.

Điều trị không dùng thuốc

Mặc dù thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát VCSDK, nhưng việc kết hợp các liệu pháp không dùng thuốc có thể cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

  • Tư thế: tư thế ngồi, nằm trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh VCSDK cần phải đặc biệt lưu ý và phải tránh các tư thế xấu gây áp lực nhiều lên cột sống.
  • Vật lý trị liệu thường xuyên đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì cả phạm vi chuyển động, tư thế thích hợp cũng như giảm đau trong VCSDK.
  • Bỏ hút thuốc lá được chứng minh có khả năng làm giảm hoạt động bệnh VCSDK. 
  • Các phương pháp chủ động như sàng lọc và điều trị loãng xương là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng xương liên quan đến VCSDK. Khoảng thời gian sàng lọc tối ưu chưa được xác định; một số tổ chức thực hiện sàng lọc bằng phương pháp đo mật độ xương tiêu chuẩn trong vòng 1 năm kể từ khi chẩn đoán. 
  • Một điều quan trọng khác cần lưu ý là nếu người bệnh bị loãng xương nghiêm trọng hoặc bị dính khớp cột sống thì nên tránh các kỹ thuật thao tác liên quan đến cúi, vẹo cột sống.

Viêm cột sống dính khớp nên ăn gì?

Tương tự như trong viêm khớp dạng thấp, VCSDK cũng là một bệnh tự miễn gây viêm và làm tăng yếu tố nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nên chế độ ăn của hai bệnh gần như tương đồng. Các thực phẩm tốt được khuyến khích sử dụng bao gồm các thực phẩm chứa acid béo omega 3, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ trái cây, thực phẩm giàu canxi, vitamin D và một số gia vi có tính kháng viêm như tỏi, gừng, nghệ…

Các thực phẩm nên hạn chế sử dụng cho các người bệnh VCSDK gồm thịt đỏ, đồ ăn nhanh, thức uống có cồn, thức ăn nhiều dầu mỡ. Đồng thời hạn chế muối, đường vừa tốt cho tình trạng bệnh VCSDK, vừa tốt cho tim mạch.

Tư thế ngủ đúng viêm cột sống dính khớp

Thời gian nghỉ ngơi và không hoạt động có thể làm nặng thêm các triệu chứng viêm cột sống dính khớp của bạn. Điều này khiến việc ngủ trở thành một thách thức vì người bệnh càng nằm trên giường lâu thì càng cảm thấy đau nhiều hơn. Có 3 mẹo có thể giúp người bệnh VCSDK ngủ ngon hơn mà không ảnh hưởng xấu lên khớp:

Nằm ngửa khi ngủ: Nhiều người thấy giảm bớt các triệu chứng viêm cột sống dính khớp bằng cách nằm ngửa khi ngủ. Các bác sĩ cho rằng chìa khóa để ngủ ở tư thế này là duy trì độ cong tự nhiên của cột sống.

Rời khỏi giường nếu không thể ngủ được: Bạn không thể ép mình đi vào giấc ngủ và việc nằm trên giường có thể sẽ làm tăng căng thẳng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm cột sống dính khớp của bạn. 

Kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ: Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy những người bị viêm cột sống dính khớp có nhiều khả năng bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. 1 Điều này có nghĩa là vấn đề về giấc ngủ của bạn có thể không phải do các triệu chứng viêm cột sống dính khớp gây ra. Đúng hơn, đường thở của bạn có thể bị hạn chế, dẫn đến thở nông hoặc hạn chế, có thể khiến bạn thức giấc liên tục suốt đêm.

Điều trị phẫu thuật

Chỉ được phẫu thuật được xem xét cho người bệnh bị suy giảm chức năng nghiêm trọng nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống. Các lựa chọn bao gồm phẫu thuật khớp háng cho người bệnh viêm khớp háng nặng và phẫu thuật cắt đốt sống ở những bệnh nhân bị gù cột sống nặng gây đau đớn nghiêm trọng, khuyết tật về thể chất hoặc đau khổ tâm lý.

Bệnh viêm cột sống dính khớp là một bệnh tự miễn phức tạp, có tác động lâu dài. Mặc dù không có cách chữa trị nhưng các chiến lược quản lý hiệu quả có thể kiểm soát tình trạng viêm, giảm thiểu tổn thương khớp và tối ưu hóa chất lượng cuộc sống. Hãy nhớ rằng, điều trị VCSDK là một hành trình, không phải là đích đến. Việc sống chung với VCSDK đòi hỏi vai trò tích cực của người bệnh trong việc quản lý sức khỏe của mình và nhận được sự hỗ trợ của nhóm chăm sóc sức khỏe từ các chuyên gia y tế. Trên đây là các thông tin về VCSDK, Nhà Thuốc Việt hy vọng bạn đọc đã có được các thông tin y tế hữu ích để chăm sóc tốt hơn cho bản thân và gia đình mình.

Xem thêm: Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nguồn tham khảo:

 

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật