Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Thoát vị đĩa đệm cổ thường gây đau cổ và cánh tay ở bệnh nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thường ngày. Người bị đau vùng cổ, đau lan xuống vai và cánh tay có thể đang băn khoăn liệu mình có phải bị thoát vị đĩa đệm hay không. Người bệnh đã được chẩn đoán bệnh lo lắng về tình trạng bệnh của mình do chưa nắm rõ về bệnh lý này sẽ điều trị ra sao, bao lâu thì khỏi. Những thông tin y học hữu ích sau đây sẽ giúp các bạn giải tỏa nỗi băn khoăn của mình. Trong bài viết này, Nhà thuốc Việt sẽ giải đáp tường tận đến các bạn đọc: thoát vị đĩa đệm cổ là gì, triệu chứng, nguyên nhân vì sao bị thoát vị, làm sao để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cách điều trị bệnh lý này. 

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ LÀ GÌ?

Hiểu về cột sống cổ và đĩa đệm

Xương cột sống của bạn được tạo thành từ 24 đốt xương có thể di chuyển, gọi là các xương đốt sống. Phần cổ của cột sống hỗ trợ nâng đỡ trọng lượng của đầu bạn và cho phép bạn cúi đầu về phía trước và phía sau, từ bên này sang bên kia và xoay 180 độ. 

Có 7 đốt sống cổ được đánh số từ C1 đến C7. Các đốt sống được ngăn cách bằng các đĩa đệm, có tác dụng giảm chấn và tránh các đốt sống không cọ xát vào nhau làm mòn, xẹp đốt sống vì nâng đỡ trọng lượng khá nặng của đầu.

Đĩa đệm có 2 thành phần là vòng xơ bên ngoài và một trung tâm chứa đầy gel gọi là nhân đĩa đệm. Ở mỗi đĩa đệm, một cặp dây thần kinh cột sống thoát ra từ tủy sống và phân nhánh ra cơ thể bạn. Tủy sống và các dây thần kinh cột sống của bạn hoạt động như một "chiếc điện thoại", cho phép truyền thông tin giữa não và cơ thể mang đến cảm giác và khả năng chuyển động cho cơ thể. 

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đa phần người bệnh sẽ thấy hoang mang khi nghe về cụm từ “thoát vị đĩa đệm cột sống cổ” vì chúng ta thường lầm tưởng rằng thoát vị đĩa đệm là bệnh lý tại vùng lưng. Cột sống của cơ thể kéo dài từ vùng cổ đến lưng dưới gồm tổng cộng 24 đốt sống, giữa mỗi đốt sống với  nhau đều được chêm 1 đĩa đệm. Đó là lí do mà vùng cổ cũng có thể có tình trạng thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần trung tâm giống như gel của đĩa đệm vỡ ra qua một vết rách trên vòng xơ của đĩa đệm. Chất liệu gel chảy ra gây kích ứng dây thần kinh cột sống nằm gần đó. Cơn đau là kết quả của tình trạng viêm và sưng tấy dây thần kinh cột sống do áp lực của đĩa đệm thoát vị. 

Theo thời gian, thoát vị có xu hướng tự co lại và bạn có thể giảm đau một phần hoặc toàn bộ. Trong hầu hết các trường hợp, đau do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ thuyên giảm sau khoảng 6 tuần.

 

Thoát vị đĩa đệm có thể gây đau cổ, đau lan vai và tay

NGUYÊN NHÂN THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ?

  • Do thoái hóa đĩa đệm theo thời gian: Khi đĩa đệm già đi, nó sẽ mất đi độ ẩm một cách tự nhiên và trở nên kém linh hoạt và kém bền. Các vết nứt và vết rách có nhiều khả năng tiến triển hơn ở đĩa đệm có hàm lượng ẩm thấp hơn.
  • Do tổn thương: Tác động trực tiếp lên cột sống do chấn thương có thể khiến đĩa đệm bị rách và thoát vị.
  • Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn có thể gây ra thoát vị đĩa đệm, chẳng hạn như rối loạn mô liên kết hoặc các bất thường khác ở cột sống.

DẤU HIỆU THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ 

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ thường gặp

  • Đau cổ tại chỗ: Cơn đau này thường được cảm nhận ở phía sau hoặc bên cổ. Nó có thể dao động từ cơn đau nhẹ, đến cơn đau nhói.
  • Đau lan vùng cánh tay: Cơn đau này có thể tỏa ra từ dây thần kinh bị chèn ép ở cổ xuống vai, cánh tay, bàn tay và/hoặc ngón tay. Đôi khi có thể có cảm giác nóng hoặc giống như bị điện giật.
  • Yếu cơ tay: Dây thần kinh bị chèn ép hoặc viêm rễ thần kinh cũng có thể gây tê và/hoặc yếu lan xuống vai, cánh tay, bàn tay và/hoặc ngón tay. 
  • Các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn với các vị trí hoặc một số tư thế đầu nhất định, chẳng hạn như vặn sang một bên hoặc nghiêng đầu về phía trước cũng có thể khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
  • Cứng cổ: Đau và viêm do thoát vị đĩa đệm cổ có thể hạn chế một số cử động của cổ và giảm phạm vi chuyển động.

 

Đau cổ là triệu chứng thường gặp ở thoát vị đĩa đệm cổ

Dấu hiệu và triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ do rễ thần kinh

Cột sống cổ có 7 đốt sống xếp chồng lên nhau, được đánh dấu từ C1 đến C7. Các đĩa đệm nằm giữa các thân đốt sống liền kề. Ví dụ, đĩa đệm C5-C6 nằm giữa đốt sống C5 và C6. Thoát vị đĩa đệm vùng nào có thể gây ra chèn ép thần kinh vùng đó và gây nên triệu chứng thần kinh tại vùng phân bố tương ứng (hình minh hoạ)

C4-C5 (rễ thần kinh C5): Đau, ngứa ran và/hoặc tê có thể lan xuống vai, có thể cảm thấy yếu ở vai (cơ delta)

C5-C6 (rễ thần kinh C6): Có thể cảm thấy đau, ngứa ran và/hoặc tê ở phía ngón tay cái của bàn tay. Yếu có thể xảy ra ở bắp tay (cơ ở phía trước cánh tay trên) và cơ duỗi cổ tay ở cẳng tay. 

C6-C7 (rễ thần kinh C7): Đau, ngứa ran và/hoặc tê có thể lan xuống bàn tay và ngón giữa. Yếu cơ có thể được cảm nhận ở cơ tam đầu (cơ ở phía sau cánh tay trên), cơ duỗi ngón tay và các cơ khác.

C7-T1 (rễ thần kinh C8): Có thể cảm thấy đau, ngứa ran và/hoặc tê ở mặt ngoài cẳng tay và mặt trong của bàn tay. Có thể thấy yếu cơ gấp ngón tay.

 

Thoát vị đĩa đệm vùng cổ và các vị trí đau tương ứng theo rễ thần kinh

Những dấu hiệu và triệu chứng ít gặp hơn của thoát vị đĩa đệm cổ

Nếu tủy sống bị chèn ép hoặc viêm do thoát vị đĩa đệm cổ mức độ nặng hơn, các dấu hiệu và triệu chứng có thể thấy ở nửa dưới cơ thể bao gồm:

  • Đau, ngứa ran, tê và/hoặc yếu cả hai chân
  • Vấn đề về phối hợp hoặc đi bộ
  • Khó kiểm soát bàng quang và/hoặc ruột

Bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào phía trên bạn đều cần nhập viện kiểm tra ngay vì có thể sẽ cần phải mổ khẩn cấp trước khi thần kinh bị tổn thương không thể hồi phục được.

CHẨN ĐOÁN THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ BẰNG CÁCH NÀO?

Để chẩn đoán chính xác bệnh thoát vị đĩa đệm cổ thường bao gồm quy trình 3 bước:

  • Bác sĩ hỏi bệnh sử bao gồm: mọi tình trạng mãn tính, chấn thương trong quá khứ hoặc tiền sử đau lưng hoặc cổ và tình trạng đau hiện tại.
  • Khám thực thể: Bác sĩ sẽ cổ xem có vùng nào bị sưng, đau hay không. Bác sĩ cũng kiểm tra phạm vi chuyển động của cổ xem có bị khó khăn trong các hoạt động cúi, gập, xoay cổ hay không; cũng như xem ở tư thế nào sẽ tăng nặng triệu chứng nào. Quan trọng hơn bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thần kinh cảm giác và vận động của tay chân để xác nhận tình trạng tổn thương thần kinh có hay không
  • Chụp phim MRI cột sống cổ để xác nhận có thật sự thoát vị đĩa đệm cổ hay không và mức độ thoát vị như thế nào. Trong nhiều trường hợp, có thể thu thập đủ thông tin trong quá trình hỏi bệnh sử và khám thực thể của bệnh nhân để bắt đầu điều trị ngay mà không cần chụp phim MRI nếu không chỉ định phẫu thuật.

ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ

Điều trị bảo tồn

Nghỉ ngơi, hạn chế tư thế xấu cho cột sống cổ

Cơn đau do thoát vị đĩa đệm cổ thường có thể được kiểm soát bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật (hay còn gọi là điều trị bảo tồn). Các phương pháp điều trị ban đầu có thể bao gồm nghỉ ngơi một thời gian ngắn, dùng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu để cải thiện sức cơ, tính linh hoạt và tư thế của cổ.

Thoát vị đĩa đệm cổ thường gây đau đớn nhiều trong thời gian đầu hoặc khi hoạt động nhiều vùng cổ hay giữ một tư thế cổ cúi/gập trong thời gian dài. Nếu cơn đau cổ nghiêm trọng và/hoặc đau lan xuống cánh tay hoặc bàn tay, nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động của cổ sẽ giúp cải thiện cơn đau, tạo điều kiện phục hồi.

Các bạn cũng cần cân nhắc tư thế ngủ, tránh nằm gối cao. Khi ngủ nên nằm ngửa thay vì nằm nghiêng sang bên hoặc nằm sấp.

Thuốc

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm viêm trong cơ thể. Vì một số cơn đau tồi tệ nhất do thoát vị đĩa đệm xuất phát từ tình trạng viêm rễ thần kinh và các mô khác. NSAID không kê đơn (Advil, Aleve, Motrin) thường là những loại thuốc đầu tiên được khuyên dùng.

Nếu các loại thuốc không kê đơn không đủ tác dụng giảm đau, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc giảm đau khác trong thời gian ngắn. Một số ví dụ bao gồm NSAID theo toa, thuốc giãn cơ hoặc steroid đường uống. Do có nguy cơ gặp các tác dụng phụ nguy hiểm cao hơn, thuốc giảm đau theo toa có xu hướng chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, chẳng hạn như trong các đợt bùng phát đặc biệt nghiêm trọng hoặc trong một hoặc hai tuần.

 

Giảm đau bằng thuốc có thể là thuốc viên hoặc tiêm steroid

Vật lý trị liệu 

Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị hữu hiệu. Các bác sĩ vật lý trị liệu sẽ có các dụng cụ và các bài tập giúp người bệnh kéo dãn cổ, duy trì tư thế cổ tốt, theo thời gian khoảng 14 ngày trị liệu đa phần người bệnh sẽ thấy cải thiện đau rõ rệt.

Kéo cổ: một thiết bị cơ khí được buộc vào đầu và dùng để nhẹ nhàng nâng lên và kéo giãn cột sống cổ. Mục đích là giảm áp lực lên đĩa đệm và rễ thần kinh.

Liệu pháp xoa bóp. Massage nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau bằng cách giúp nới lỏng cơ bắp, tăng lưu lượng máu và thúc đẩy thư giãn. Ngoài ra một số cơ sở vật lý trị liệu có thể sử dụng thiết bị điện xung để xoa bóp. Nếu việc xoa bóp khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn, hãy dừng lại ngay lập tức.

 

Điện xung giảm đau vùng cổ vai 

Tiêm giảm đau

Nếu thuốc uống và vật lý trị liệu không giúp giảm đau, tiêm giảm đau vào trực tiếp tại vùng bị đau. Đây là một thủ thuật xâm lấn nên thường khi các biện pháp trên đều đã thử qua mà không hiệu quả thì bác sĩ mới chỉ định tiêm. Hầu hết các mũi tiêm giảm đau được thực hiện bằng phương pháp soi huỳnh quang (hướng dẫn bằng tia X) và thuốc nhuộm tương phản để hình dung vị trí chính xác của kim trong cột sống. Mục tiêu của việc tiêm thuốc steroid giúp kháng viêm giảm đau vào nơi cần thiết mà không làm tổn thương bất kỳ cấu trúc quan trọng nào bên trong cột sống, chẳng hạn như rễ thần kinh, mạch máu hoặc tủy sống. 

Phẫu thuật

Hầu hết các cơn đau cánh tay do thoát vị đĩa đệm cổ sẽ khỏi sau vài tuần đến vài tháng bằng cách điều trị không phẫu thuật và kiểm soát cơn đau. 

Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn 6 đến 12 tuần dù đã thử nhiều phương pháp điều trị không bảo tồn, hoặc thoát vị nặng gây ra yếu liệt tay/chân.

Mục tiêu của phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ là loại bỏ đĩa đệm bị tổn thương và đảm bảo rễ thần kinh và/hoặc tủy sống được giải phóng khỏi sự tì đè của đĩa đệm bị thoát vị. Hiện nay phẫu thuật cột sống cổ được ưa chuộng với vết mổ từ phía trước cổ hơn là phải mổ qua lớp cơ dày phía sau cổ, thời gian hồi phục cũng ngắn hơn và hầu như có thể về trong ngày.

Nếu trước phẫu thuật người bệnh có đau lan xuống tay thì triệu chứng đau lan này sau mổ sẽ cải thiện rất nhanh. Còn đau cổ có thể mất nhiều thời gian hơn để giảm bớt. Đối với tình trạng tê hoặc yếu ở cánh tay có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn vì thần kinh cần thời gian để phục hồi, tuy nhiên nếu yếu/liệt đã kéo dài lâu mới phẫu thuật, cơ hội hồi phục là rất ích, có thể yếu vĩnh viễn.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một bệnh lý gây nên tình trạng đau cổ và đau lan vùng vai tay thường gặp. Bệnh lý này có thể tự khỏi sau vài tuần bằng việc nghỉ ngơi, điều chỉnh tư thế cổ phù hợp, tư thế khi ngủ. Nếu cơn đau ở mức độ trung bình gây khó chịu trong các hoạt động sống thường ngày, người bệnh có thể được các bác sĩ cân nhắc điều trị với các loại thuốc giảm đau hoặc vật lý trị liệu. Trường hợp sau khi dùng giảm đau, vật lý trị liệu, thậm chí châm cứu vẫn không đỡ, các bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm steroid vào vị trí đau. Trường hợp đau mức độ nặng kèm triệu chứng yếu/liệt cơ, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật.

Thoát vị đĩa đệm cổ có các triệu chứng đau với mức độ đau trải rộng, nếu nghi ngờ thoát vị đĩa đệm cổ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chụp phim MRI kiểm tra nhằm xác định chẩn đoán chính xác. Nhà thuốc Việt hi vọng rằng với những thông tin y học đã trình bày trên, người bệnh sẽ được điều trị phù hợp và sớm phục hồi!

Người bệnh liên hệ mua thuốc chính hãng và tư vấn thuốc bởi các dược sĩ có chuyên môn cao thông qua:

– Hotline: 0985508450

– Zalo: 0985508450

– Website: nhathuocviet.vn

Địa chỉ:

Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM

Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật