Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Hiểu về ung thư xương: Dấu hiệu, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Trong nhóm bệnh lý về ung thư, ung thư xương tương đối hiếm gặp. Cũng chính vì thế mà khả năng phát hiện bệnh sớm thường rất thấp, dẫn đến việc điều trị kém hiệu quả. Bệnh ung thư xương có thể gặp ở nhiều độ tuổi, từ trẻ em đến người già và đôi khi không gây bất kỳ triệu chứng khó chịu nào. Trong bài viết sau đây, Nhà Thuốc Việt sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin để giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư xương, các dấu hiệu chẩn đoán và những lựa chọn điều trị ở thời điểm hiện tại.

Tổng quan về ung thư xương

Ung thư xương sự phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát của các tế bào trong xương. Tuy khá hiếm gặp so với các loại ung thư khác nhưng nếu bị bỏ sót, ung thư xương sẽ diễn tiến nặng dần theo thời gian dẫn tới khó điều trị. Các tế bào ung thư xương cũng có thể tách ra khỏi khối u xương ban đầu và di chuyển đến các cơ quan khác, thường là phổi hoặc các xương khác. Ở đó chúng có thể phát triển thành khối u mới.

Biểu hiện thường gặp trong bệnh ung thư xương là đau, xương dễ gãy. Tại khối u, các tế bào ung thư nhân lên và bắt đầu phá hủy xương khiến xương không đủ khả năng thực hiện chức năng nâng đỡ cơ thể. 

Ung thư xương nguyên phát có nguồn gốc từ tế bào xương

Ung thư xương nguyên phát có nguồn gốc từ tế bào xương

Phân loại ung thư xương khác nhau thế nào?

Ung thư xương được chia làm 2 loại: ung thư xương nguyên phát và ung thư xương thứ phát. Ung thư xương nguyên phát là loại ung thư mà các tế bào ung phát triển trực tiếp từ xương, trong khi ung thư xương thứ phát là do tế bào ung di căn từ các cơ quan khác đến. Các thuật ngữ như “ung thư phổi di căn xương, ung thư vú di căn xương,…” đều ám chỉ ung thư xương thứ phát.

Các bác sĩ đôi khi sử dụng thuật ngữ “sarcoma” xương khi họ nói về bệnh ung thư xương nguyên phát. Sarcoma là bệnh ung thư bắt đầu ở mô liên kết nào trong cơ thể. Trong đó bao gồm xương nhưng cũng được sử dụng trong các loại ung thư liên quan đến cơ bắp, gân, mạch máu và mô mỡ.

Đối với ung thư xương nguyên phát, chúng ta sẽ có các phân loại chi tiết hơn tùy theo nguyên nhân và nguồn gốc của khối u. Gồm có:

Osteosarcoma: 

Osteosarcoma là bệnh ung thư xương nguyên phát phổ biến nhất. Bệnh thường xảy ra ở những người trẻ tuổi trong độ tuổi từ 10 đến 30, có khoảng 10% trường hợp phát triển ở những người trên 60 tuổi. Bệnh này hiếm gặp ở người trung niên và phổ biến ở nam hơn nữ. Hầu hết các khối u phát triển xung quanh đầu gối ở xương đùi (xương đùi) hoặc xương chày (xương ống chân). Các vị trí phổ biến khác bao gồm hông và vai. Ung thư xương thường được điều trị bằng hóa trị và phẫu thuật.

Sarcoma Ewing: 

Sarcoma Ewing là loại ung thư xương nguyên phát phổ biến thứ hai ở trẻ em, thanh thiếu niên và là loại ung thư xương phổ biến thứ ba nói chung. Loại ung thư này hiếm gặp ở người lớn trên 30 tuổi. Các vị trí bị ảnh hưởng phổ biến nhất là cẳng chân trên và dưới, xương chậu, cánh tay trên và xương sườn. Sarcoma Ewing thường được điều trị bằng hóa trị và phẫu thuật hoặc xạ trị.

Chondrosarcoma:

Chondrosarcoma là một khối u ác tính của các tế bào sụn. Bệnh hiếm gặp ở những người dưới 20 tuổi và nguy cơ mắc bệnh ung thư sụn tăng lên khi mọi người già đi, thường gặp nhất ở những bệnh nhân trong độ tuổi từ 40 đến 70. Hầu hết các trường hợp xảy ra quanh vùng hông, xương chậu hoặc vai. Một số ít trường hợp bệnh bắt đầu ở khí quản, thanh quản, thành ngực, bả vai, xương sườn hoặc hộp sọ. 

Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất được sử dụng cho bệnh chondrosarcoma.

Bệnh đa u tủy: 

Đa u tủy là một loại ung thư của tủy xương. Bệnh có thể ảnh hưởng đến xương và đôi khi được hiểu như là một loại ung thư xương. Tuy nhiên bệnh phát triển từ các tế bào trong tủy xương gọi là tế bào plasma. Do vậy đây không phải là một loại ung thư xương nguyên phát. Nếu bạn bị đa u tủy, việc điều trị của bạn sẽ khác.

Bệnh đa u tủy được nhắc đến ở đây chủ yếu vì sự phổ biến của nó trong nhóm ung thư xương. Tần suất của đa u tủy gây ảnh hưởng đến xương thậm chị còn nhiều hơn Osteosarcoma, khoảng 7 người trên 100.000 người mỗi năm. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, hơn 130.000 người đang sống chung với căn bệnh này mỗi năm. Hầu hết các trường hợp được gặp ở bệnh nhân trong độ tuổi từ 50 đến 70.

Các loại ung thư xương hiếm gặp:

  • Sarcoma tế bào hình thoi: phổ biến hơn ở xương chân 
  • Chordoma: thường bắt đầu ở xương cùng, đốt sống lưng hoặc xương mặt và hộp sọ

Sự tăng sinh bất thường của các tế bào xương

Sự tăng sinh bất thường của các tế bào xương

Ai có nguy cơ mắc ung thư xương?

Nguyên nhân của hầu hết các loại ung thư xương hiện tại chưa rõ ràng. Nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ để một người mắc ung thư xương.

Tuổi:

Giống như hầu hết các bệnh ung thư, nguy cơ ung thư xương tăng theo tuổi tác. Nhưng đối với một số loại ung thư xương, người trẻ tuổi có nguy cơ cao hơn chẳng hạn như Osteosarcoma phổ biến hơn ở thanh thiếu niên (10 đến 30 tuổi). Nó dường như có liên quan đến sự phát triển của xương ở tuổi dậy thì. Ewing sarcoma thường phát triển ở trẻ em (0 đến 14 tuổi) và thanh thiếu niên. 

Chondrosarcomas và sarcoma tế bào hình thoi chính có xu hướng xảy ra ở người lớn trong độ tuổi từ 30 đến 60. Chordomas phổ biến hơn ở người lớn trên 50 tuổi.

Điều trị ung thư:

Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị có liên quan đến việc tăng tỷ lệ ung thư xương. Đặc biệt khi áp dụng đối với các bệnh nhân nhỏ tuổi.

Bệnh lý của xương:

Một số loại bệnh về xương có thể làm tăng nguy cơ ung thư xương như:

  • Enchondroma: là những khối u xương không gây ung thư (lành tính). Tuy nhiên nếu có những khối u này, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc một loại ung thư xương gọi là sarcoma sụn.
  • Bệnh Ollier’s (hay còn được gọi là enchondromatosis): những người mắc bệnh này sẽ phát triển nhiều khối u không phải ung thư (lành tính) trong xương. Những khối u này có thể trở thành ung thư.
  • Bệnh Paget: người mắc bệnh Paget sẽ có tình thay xương mới với tốc độ nhanh hơn bình thường. Điều này cũng làm tăng xác suất xảy ra ung thư xương.

Đối với những người mắc các bệnh về xương được liệt kê phía trên, các bác sĩ có thể khuyên bạn nên theo dõi chặt chẽ hơn để phát hiện sớm ung thư xương.

Yếu tố di truyền, gen:

Một số yếu tố di truyền có liên quan đến ung thư xương như trong hội chứng Li-Fraumeni, U nguyên bào võng mạc di truyền, hội chứng Werner, hội chứng Rothmund–Thomson, hội chứng Bloom. 

Chấn thương và va chạm:

Một cú va chạm hoặc chấn thương ở xương có thể gây ung thư xương là quan niệm chưa chính xác. Nhiều khả năng vết thương gây ra sưng tấy, khi được kiểm tra sẽ phát hiện ra bệnh ung thư đã tồn tại ở đó. Hoặc xương bị ảnh hưởng bởi ung thư có thể bị suy yếu và dễ bị gãy (gãy xương) khi gặp tai nạn. Sau đó, các bác sĩ có thể phát hiện ra khối u khi họ kiểm tra vết gãy bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.

Hình ảnh ung thư xương của chân

Hình ảnh ung thư xương trên xquang

Dấu hiệu của ung thư xương

Các biểu hiện của ung thư xương sẽ khác nhau, tùy thuộc vào kích thước của ung thư và vị trí của nó trong cơ thể. Biểu hiện ung thư xương thường gặp nhất mà người bệnh có thể nhận thấy là đau ở vùng có khối u. Cơn đau thường được mô tả là âm ỉ và nhức nhối, đôi khi trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm và tăng lên khi hoạt động. Các triệu chứng toàn thân của người bệnh ung thư có thể bao gồm sốt, mệt mỏi uể oải, sụt cân và đổ mồ hôi ban đêm. Một số có thể cảm nhận được một khối sưng bất thường nằm dưới da.

Ung thư xương cột sống có thể đè lên các rễ thần kinh khiến người bệnh có cảm giác tê, dị cảm hoặc yếu ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, tùy thuộc vào rễ thần kinh bị chèn ép.

Dấu hiệu ung thư xương chân có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý thường gặp như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm. Ung thư xương chân khiến người bệnh đi đứng khó khăn do đau hoặc do khớp hạn chế cử động. Nguy cơ gãy xương tại chân cũng cao hơn do chịu nhiều áp lực của toàn bộ cơ thể.

Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu của ung thư xương không rõ ràng. Nhiều bệnh nhân sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào. Thông thường các khối u chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp X-quang vì một lý do khác, chẳng hạn như bong gân mắt cá chân hoặc chấn thương đầu gối.

Mặc dù khối u xương không phải do chấn thương, nhưng chấn thương đôi khi có thể khiến khối u bắt đầu đau. Chấn thương cũng có thể khiến xương bị suy yếu do khối u bị nứt hoặc gãy. Điều này có thể gây đau đớn nghiêm trọng. 

Ung thư xương cũng có thể di căn đến các cơ quan khác gây ra ung thư thứ phát. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thứ phát khác nhau tùy vào cơ quan bị xâm lấn.

Ung thư xương thường có biểu hiện đau

Ung thư xương thường có biểu hiện đau

Chẩn đoán ung thư xương như thế nào?

Hỏi bệnh

Có nhiều bệnh lý có thể biểu hiện đau khớp, khối sưng hay tê chân tương tự như ung thư xương. Để chắc chắn bạn chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng và yêu cầu một số xét nghiệm. Quá trình này đầu tiên đòi hỏi một bệnh sử tỉ mỉ, chi tiết của bạn, các loại thuốc bạn dùng và các triệu chứng hiện tại. Bác sĩ cũng sẽ muốn biết liệu bạn hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình có tiền sử khối u hoặc ung thư hay không.

Thăm khám

Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất kỹ lưỡng, tập trung vào than phiền của người bệnh và vị trí khối u (nếu phát hiện). Các nghiệm pháp có thể được thực hiện để phân biệt với một số bệnh lý của cột sống lưng, cột sống cổ. Đây cũng là bước thăm khám quan trọng để định hướng được vị trí tổn thương và tiến hành các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết.

Chụp phim

  • Xquang: Xquang là phương tiện hình ảnh đơn giản và thường được sử dụng đầu tay để chẩn đoán các vấn đề cơ xương khớp. Đối với ung thư xương, các loại khối u khác nhau có thể biểu hiện khác nhau trên X-quang. Các khối u có thể trông “rách rưới” thay vì rắn chắc trên phim chụp X-quang hoặc chúng có thể trông giống như một cái lỗ trên xương. Đôi khi bác sĩ có thể thấy khối u có thể lan tới các mô lân cận (chẳng hạn như cơ hoặc mỡ).
  • Các phương tiện hình ảnh học khác: nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) để đánh giá thêm.

Sinh thiết

Kết quả xét nghiệm hình ảnh có thể gợi ý rõ ràng rằng một người bị ung thư xương, nhưng sinh thiết (cắt bỏ một số vùng bất thường và kiểm tra dưới kính hiển vi và các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm) thường là cách duy nhất để chắc chắn.

Có hai phương pháp sinh thiết có thể được sử dụng: 

  • Sinh thiết kim: khi thực hiện, một đầu kim được đưa vào khối u để lấy mô. Trước đó, bạn sẽ được gây tê cục bộ qua da hoặc gây mê nếu cần thiết. Bác sĩ có thể nhắm kim bằng cách sờ vào vùng nghi ngờ nếu nó ở gần bề mặt cơ thể. Nếu không thể sờ thấy khối u vì nó quá sâu, bác sĩ có thể hướng kim vào khối u bằng xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT.
  • Sinh thiết mở: sinh thiết mở được thực hiện trong phòng phẫu thuật bởi phẫu thuật viên. Sau khi bạn được gây mê, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ và lấy mô u.
Hình ảnh ung thư xương của chân

Hình ảnh ung thư xương của chân

Ung thư xương có chữa được không?

Ung thư xương có chữa được không sẽ tùy thuộc vào giai đoạn ung thư khi được chẩn đoán. Điều này có nghĩa là nó lớn đến mức nào và liệu nó có lan rộng hay không? Nếu ung thư được khu trú, các tế bào ung thư chỉ có tại khối u và khu vực xung quanh. Khi ung thư đã đến giai đoạn di căn, nó sẽ lan rộng đến những nơi khác trong cơ thể khiến biểu hiện bệnh nghiêm trọng hơn và khó chữa hơn.

Triển vọng sống còn của ung thư xương phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau. Vì vậy không ai có thể nói cho bạn biết chính xác bạn sẽ sống được bao lâu. Vì tần suất của ung thư xương ít phổ biến nên khả năng sống sót khó ước tính hơn so với các loại ung thư khác phổ biến hơn. 

Tại Anh, một con số thống kê được công bố đối với những người mắc bệnh ung thư xương nguyên phát cho thấy rằng có gần 75% sống sót sau bệnh ung thư từ 1 năm trở lên và hơn 50 trong số 100 người sống sót sau bệnh ung thư từ 5 năm trở lên. Tuy vậy con số này khác nhau đối với từng loại ung thư và chỉ mang tính chất tham khảo.

Xem thêm:

Phương pháp điều trị ung thư xương

Các phương pháp điều trị chính trong ung thư xương nguyên phát gồm: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Việc sử dụng phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí u, đã di căn hay chưa, mức độ biệt hóa của các tế bào dưới kính hiển vi, sức khỏe tổng quát và mức độ thể lực của người bệnh. 

Phẫu thuật: 

Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào kích thước của khối u, vị trí của nó trong cơ thể và liệu đã lan sang các mô xung quanh xương hay chưa, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ xương có khối u: khi ung thư nằm trong các xương mà bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ và không cần phải thay thế vì cơ thể chỉ bị mất rất ít chức năng (như xương mác, xương sườn).
  • Phẫu thuật bảo tồn chi: đối với ung thư xương ở tay, chân, phẫu thuật bảo tồn chi là phẫu thuật chính cho những bệnh nhân này. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ vùng xương chứa ung thư mà không cần phải cắt bỏ tay hay chân, và có thể thay thế nó bằng vật liệu nhân tạo hoặc lấy xương từ các vùng khác của cơ thể hoặc từ ngân hàng xương.
  • Đoạn chi: người bệnh cần phải cắt cụt chi nếu khối u xương đã lan vào các mô xung quanh xương và ảnh hưởng đến các mạch máu hoặc dây thần kinh. Nếu chỉ phẫu thuật lấy u thì nguy cơ tái phát là rất cao. Một chỉ định khác của việc đoạn chi là khi khối u có thể nằm ở vị trí mà chức năng của chi không được tốt sau phẫu thuật cắt bỏ chi, chẳng hạn như ở bàn chân hoặc mắt cá chân.

Đối với hầu hết các khối u xương, lựa chọn phẫu thuật cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ ung thư phản ứng với hóa trị. Sau khi hóa trị để thu nhỏ một số loại ung thư xương, người bệnh có thể được phẫu thuật cắt bỏ chi thay vì phẫu thuật cắt bỏ chi (cắt cụt).

Xạ trị: 

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X liều cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Đây không phải là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho tất cả các loại ung thư xương. Nhưng nó có thể là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh sarcoma Ewing. Trong một số trường hợp ung thư xương khác mà không thể phẫu thuật, xạ trị cũng có thể được sử dụng.

Hóa trị:

Hóa trị thường được sử dụng trước và sau phẫu thuật. Trước phẫu thuật, hóa trị có thể thu nhỏ khối u và giúp việc cắt bỏ dễ dàng hơn. Sau phẫu thuật, hóa trị có thể tiêu diệt tế bào ung thư đã trốn thoát trước khi phẫu thuật. Điều này làm giảm nguy cơ ung thư tái phát trong tương lai.

Điều trị ung thư xương bằng phẫu thuật cấy ghép

Điều trị ung thư xương bằng phẫu thuật cấy ghép

Với những ai xuất hiện các dấu hiệu bất thường nêu trên, cần có thái độ cảnh giác với ung thư xương. Tần suất hiếm gặp cũng như các triệu chứng phổ biến trong các bệnh lý thông thường khác là nguyên nhân chính dẫn đến bỏ sót bệnh. Việc chẩn đoán bệnh sớm giúp người bệnh có nhiều lựa chọn điều trị bảo tồn và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Qua bài viết trên, Nhà Thuốc Việt hy vọng đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích để hiểu hơn về căn bệnh ung thư xương.

Tài liệu tham khảo: 

https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/bone-tumor/

https://www.cancer.org/cancer/types/bone-cancer/about/what-is-bone-cancer.html

https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/bone-cancer/about

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật