Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Gãy xương sườn là một chấn thương phổ biến nhưng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Nhận biết sớm các dấu hiệu, hiểu rõ các biến chứng có thể xảy ra và biết cách điều trị đúng cách sẽ giúp quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi hơn. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Việt sẽ cung cấp thông tin chi tiết về gãy xương sườn, từ những dấu hiệu ban đầu, các biến chứng nguy hiểm, cho đến những phương pháp điều trị mới ở thời điểm hiện tại.
Dấu hiệu của gãy xương sườn
Xương sườn là những xương cong nằm trong lồng ngực. Chúng có nhiệm vụ giúp bảo vệ phổi và hỗ trợ lồng ngực khi hít thở. Không như xương sườn của trẻ em dễ uốn cong và thường có thể chịu được va đập hoặc ngã, xương sườn của người lớn dễ bị gãy (nứt) hơn khi chịu áp lực. Ngay cả ho hoặc hắt hơi mạnh cũng có thể làm gãy xương sườn.
Dưới đây là những dấu hiệu của gãy xương sườn mà bạn có thể gặp:
- Đau ngực: Chấn thương do gãy xương sườn có thể gây ra cơn đau dữ dội, đau tăng hít thở sâu là đặc điểm nổi trội dễ nhận biết. Cơn đau thậm chí có thể cản trở việc hít thở gây khó thở, suy hô hấp.
- Khó thở: có thể thấy người bệnh thở nhanh, khó mệt và khó thở hơn bình thường.
- Thay đổi của thành ngực: da vùng chấn thương bầm tím, có thể biến dạng lồng ngực
- Nghe tiếng lạo xạo dưới da do sự ma sát của các đầu xương gãy.
- Mảng sườn di động: Nguyên nhân do có từ ba xương sườn liền kề trở lên bị gãy ở hai hoặc nhiều chỗ, hình thành mảng sườn di động nghịch với chiều hô hấp của lồng ngực (di chuyển vào trong khi hít vào và ra ngoài khi thở ra).
Đau ngực kiểu màng phổi là dấu hiệu nổi bật của gãy xương sườn
Ai có nguy cơ dễ bị gãy xương sườn?
Con người chúng ta có 12 cặp xương sườn quấn quanh ngực. Xương sườn từ thứ 4 đến thứ 10 là những xương thường bị gãy nhất. Gãy các xương sườn từ thứ 1 đến thứ 3 thường liên quan đến chấn thương năng lượng cao.
Một người có thể gãy một hoặc nhiều xương sườn trong một chấn thương, chẳng hạn như tai nạn ô tô, ngã từ trên cao hoặc va chạm trong thể thao. Gãy xương sườn thậm chí có thể xảy ra do các chuyển động lặp đi lặp lại trong một số bộ môn thể thao cụ thể, chẳng hạn như chơi gôn. Đôi khi, ho dữ dội có thể gây gãy xương sườn, đặc biệt ở những người bị ung thư làm xương yếu hoặc những người già hoặc bị loãng xương.
Biến chứng của gãy xương sườn
Những ai nghi ngờ gãy xương sườn luôn phải được thăm khám tại các cơ sở y tế để được đánh giá toàn diện và tránh bỏ sót các biến chứng do gãy xương sườn. Các biến chứng này sườn được mô tả chi tiết sau đây:
Tổn thương các cơ quan bên dưới
Xương sườn có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan bên trong lồng ngực. Khi gãy, đầu xương sườn có thể đâm vào các cơ quan này. Trong đó:
- Gãy xương sườn thứ nhất và thứ hai hiếm khi xảy ra nhưng có thể liên quan đến tổn thương nghiêm trọng đến đám rối thần kinh cánh tay, các mạch máu dưới đòn.
- Gãy các xương sườn giữa từ 7-10 thường xảy ra nhất và có liên quan đến các tổn thương của phổi.
- Gãy xương sườn dưới có thể gây tổn thương cơ hoành, gan và lá lách.
Tràn khí màng phổi
Đầu xương gãy sắc có thể đâm thủng phổi, gây rò rỉ không khí vào khoang màng phổi gây ra một tình trạng gọi là tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi có thể diễn tiến từ mức độ nhẹ, ít khó thở cho đến khó thở đe dọa tính mạng.
Tràn máu màng phổi
Các trường hợp gãy xương sườn, đặc biệt là sau một chấn thương nghiêm trọng hoặc khi bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu, các đầu gãy của xương có thể chảy máu vào khoang màng phổi. Máu này có xu hướng đông lại khá nhanh và gây ra hiện tượng tràn máu màng phổi. Hậu quả là máu tích tụ gây chèn ép phổi và làm cho việc thở trở nên khó khăn. Trong tình huống này, máu cần phải được loại bỏ bằng cách đưa một ống qua thành ngực để thoát dịch ra ngoài.
Biến chứng tràn máu màng phổi do gãy xương sườn
Mảng sườn di động
Mảng sườn di động là một trong những biến chứng của gãy xương sườn nặng. hình thành khi có từ ba xương sườn liền kề trở lên bị gãy ở hai hoặc nhiều chỗ. Lúc này lồng ngực trên của bạn tách ra khỏi phần còn lại của thành ngực và không thể giữ được hình dạng khi hít thở, gây ra tình trạng hô hấp đảo nghịch khiến hô hấp khó khăn.
Dập phổi
Dập phổi là một tổn thương của nhu mô phổi, thường đi kèm với mảng sườn di động. Điểm nguy hiểm của tổn thương phổi dập là có thể diễn tiến tới hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) đe dọa tính mạng người bệnh và đòi hỏi phải hỗ trợ hô hấp.
Viêm phổi, xẹp phổi
Ngoài các biến chứng chấn thương xuất hiện gần như ngay lập tức được đề cập ở trên, xẹp phổi và viêm phổi cũng là những biến chứng có thể gặp phải ở những người bệnh có thể trạng yếu, khả năng chịu đau kém. Họ thường thở nông để giảm đau và tránh các hoạt động gây đau thêm. Nếu phổi không được giãn nở đủ lâu gây xẹp phổi, đờm dễ tích tụ trong phổi và đường hô hấp, gây ra viêm phổi. Các vấn đề này xuất hiện muộn hơn và góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do gãy xương sườn.
Suy hô hấp
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc hít thở do quá đau hoặc những biến chứng nêu trên. Hô hấp không thuận lợi có thể khiến oxy máu giảm, CO2 máu tăng gây suy hô hấp và đòi hỏi phải được hỗ trợ hô hấp nhanh chóng.
Cách xử trí khi gãy xương sườn?
Nếu bạn đã gặp một chấn thương vật lý nghiêm trọng, chẳng hạn như bị tai nạn ô tô, cho dù có hoặc không có sự xuất hiện của các triệu chứng gãy xương sườn kể trên (chẳng hạn như đau ngực), bạn đều nên tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức. Một số dấu hiệu nguy hiểm mà bạn cần lưu ý để tìm kiếm sự giúp đỡ y tế sớm bao gồm:
- Khó thở tăng dần
- Khó thở sâu hoặc ho
- Sốt
- Ho bất thường, hoặc ho ra đờm hoặc máu
- Cảm thấy chóng mặt hoặc yếu
- Đau bụng
Cần lưu ý, các khuyến cáo y khoa mới hiện không còn chỉ định băng ép cho gãy xương sườn khi có mảng sườn di động nữa vì chúng có thể hạn chế việc thở, dẫn đến viêm phổi hoặc thậm chí xẹp phổi một phần.
Luôn đến cơ sở y tế để thăm khám khi nghi ngờ có tình trạng gãy xương sườn
Điều trị gãy xương sườn như thế nào?
Không có điều trị cụ thể cho gãy xương sườn, nhưng có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác nhau, chủ yếu là kiểm soát cơn đau. Sau khi chẩn đoán và đánh giá bằng các phương tiện hình ảnh cơ bản như X-quang, CT Scan mà không có bất thường gì đáng lưu ý, hầu hết những người bị gãy xương sườn được điều trị tại nhà mà không cần can thiệp y tế nhiều.
Kiểm soát cơn đau
Kiểm soát cơn đau là rất quan trọng trong điều trị gãy xương sườn, đặc biệt trong vài ngày đầu sau chấn thương. Có nhiều lựa chọn để kiểm soát cơn đau, bao gồm các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen (paracetamol), ibuprofen hoặc naproxen; sử dụng miếng dán lidocaine như một phương pháp điều trị tại chỗ và các loại thuốc mạnh hơn như Opioid. Cần lưu ý mặc dù thuốc giảm đau gây nghiện Opioid có thể được kê đơn ban đầu bởi bác sĩ và có khả năng giảm đau tốt nhưng chúng lại có nguy cơ gây nghiện cao, vì vậy bạn nên giảm thiểu việc sử dụng chúng khi cơn đau của bạn cải thiện.
Thông khí cơ học
Nếu gãy xương sườn và các chấn thương liên quan đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến thông khí, bệnh nhân có thể phải nhập khoa hồi sức tích cực để theo dõi và thở máy khi có chỉ định.
Tập cử động nhẹ nhàng
Sau chấn thương thành ngực, bạn nên tập cử động nhẹ nhàng, tùy theo mức độ thoải mái trong thời gian càng sớm càng tốt. Ngay cả một vết bầm ở xương sườn cũng có thể mất từ 8-12 tuần để lành hoàn toàn, do đó, điều quan trọng là bạn dần dần tăng cường bài tập tổng thể trong thời gian này. Sau khi được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ, bạn sẽ được hướng dẫn các bài tập cụ thể để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Ngược lại, không vận động trong một thời gian dài có thể gây mất cân bằng cơ xung quanh cột sống ngực và ngực, khiến cơn đau kéo dài hơn thời gian cần thiết để chấn thương lành. Do đó, các khuyến nghị hiện tại khuyến khích vận động sớm để thúc đẩy khả năng di động của cột sống cũng như ngăn cơn đau kéo dài.
Tập tăng cường sức mạnh
Sau khi xương sườn đã hồi phục, việc tập luyện các bài tập tăng cường sức mạnh cho lưng, vai và ngực là vô cùng quan trọng. Những bài tập này không chỉ giúp phục hồi mà còn duy trì sự mạnh mẽ của cơ thể, giảm nguy cơ chấn thương vùng cổ, vai và lưng khi hoạt động. Bên cạnh đó, chúng còn giúp duy trì tư thế tốt, tránh các vấn đề về sức khỏe sau này. Đặc biệt, nếu bạn quay lại chơi thể thao, việc tập luyện không chỉ giới hạn trong phòng gym mà còn bao gồm các bài tập đặc thù cho từng môn thể thao. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa chấn thương thêm mà còn tối ưu hóa hiệu suất và tăng cường sự tự tin khi bạn trở lại sân chơi.
Bạn cũng nên chú ý đến những điều sau:
- Giữ cho cơ thể vận động, nhưng tránh những động tác có thể gây thêm áp lực lên vùng bị thương.
- Cố gắng hít thở sâu và ho nhẹ ít nhất mỗi giờ một lần. Bạn có thể sử dụng một chiếc gối để hỗ trợ khu vực bị thương giúp việc hít thở dễ dàng hơn.
- Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện các triệu chứng mới như khó thở, sốt, hoặc cơn đau trở quá dữ dội khiến bạn không thể thở hoặc ho.
Kiểm soát cơn đau là bước điều trị quan trọng trong gãy xương sườn
Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến gãy xương sườn
Biến chứng không liền xương trong gãy xương sườn
Phần lớn các vết gãy xương sườn thường lành trong vòng ba tháng, nhưng đôi khi cơn đau không giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân có thể là do một tình trạng gọi là "sự lành sai" của vết gãy. Như đã đề cập, xương sườn luôn chuyển động trong quá trình lành, điều này đôi khi dẫn đến việc xương mới không hình thành và các đầu xương sườn bị bao quanh bởi mô sợi. Mô này không mạnh mẽ như xương, tương tự như một mảnh gỗ mềm, nên sự di chuyển này gây ra đau đớn. Phương pháp điều trị là sử dụng một tấm kim loại titan để cố định xương sườn ở vị trí đúng và loại bỏ cơn đau.
Gãy xương sườn có cần bó bột không?
Điểm khác biệt quan trọng nhất khi so sánh giữa gãy xương sườn và các chấn thương xương khác là cách điều trị. Với các chấn thương xương khác, thường hai đầu xương sẽ được cố định để tạo điều kiện cho quá trình hồi phục. Tuy nhiên, đối với gãy xương sườn, việc này không thể thực hiện được vì chúng ta không thể bó bột lồng ngực. Các vết gãy ở xương sườn liên tục di chuyển do quá trình thở và các hoạt động hàng ngày, làm cho việc cố định trở nên không khả thi.
Khi nào gãy xương sườn cần phải phẫu thuật?
Phẫu thuật gãy xương sườn chỉ được đề xuất cho những trường hợp phức tạp nhất. Trong một số trường hợp hiếm, khi chấn thương xương sườn nghiêm trọng trong bệnh cảnh đa chấn thương (chẳng hạn như mảng sườn di động), có thể sử dụng phương pháp ORIF (cố định xương sườn bằng phẫu thuật). Mục tiêu là cải thiện chức năng hô hấp, giảm thời gian nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Phẫu thuật cố định gãy xương sườn có mảng sườn di động
Bị gãy xương sườn thì bao lâu mới hết?
Trong hầu hết các trường hợp, gãy xương sườn sẽ tự lành trong khoảng thời gian từ 1,5 đến 3 tháng, tùy thuộc vào từng cá nhân. Quá trình hồi phục có thể thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm độ tuổi, tình trạng sức khỏe tổng quát, mức độ nghiêm trọng của chấn thương, và khả năng tuân thủ các biện pháp chăm sóc và điều trị được đề xuất. Người trẻ và những người có sức khỏe tốt thường có khả năng hồi phục nhanh hơn. Ngược lại, những người lớn tuổi hoặc có các vấn đề sức khỏe mãn tính, hút thuốc lá, nghiện rượu có thể mất nhiều thời gian hơn. Trong suốt quá trình này, việc duy trì hoạt động nhẹ nhàng và tập hít thở đúng cách là rất quan trọng để hỗ trợ quá trình lành xương.
Gãy xương sườn bao lâu đi làm lại được?
Thời gian nghỉ làm do gãy xương sườn phụ thuộc nhiều vào tình hình cá nhân của mỗi người. Thông thường, những người làm công việc lao động chân tay cần thời gian nghỉ dài hơn so với người làm việc văn phòng. Nhân viên văn phòng có thể quay lại công việc sau khoảng 2-3 tuần nếu cơn đau đã giảm đáng kể hoặc có thể kiểm soát được bằng thuốc giảm đau không cần kê đơn. Sự khác biệt này do tính chất công việc và mức độ hoạt động cơ thể yêu cầu trong mỗi ngành nghề.
Tập thở đúng cách giúp giảm đau và nhanh hồi phục từ chấn thương gãy xương sườn
Kết luận
Gãy xương sườn có thể gây ra nhiều đau đớn và biến chứng, nhưng với sự chăm sóc đúng cách, bạn có thể hồi phục hoàn toàn. Điều quan trọng là nhận biết sớm các dấu hiệu và tìm kiếm sự tư vấn y tế kịp thời. Việc tuân thủ các hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà sẽ giúp giảm đau, thúc đẩy nhanh tiến trình liền xương và tránh các biến chứng nghiêm trọng. Qua bài viết trên, Nhà Thuốc Việt hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích để bạn an tâm hiểu hơn về chấn thương gãy xương sườn.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ:
- Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
- Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM
Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bạn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Tài liệu tham khảo
https://www.aast.org/resources-detail/rib-fractures
https://www.yalemedicine.org/conditions/rib-fracture
https://radiopaedia.org/articles/rib-fractures
https://www.ribinjuryclinic.com/treatments/physical-therapy-rehabilitation/