Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Biết để phòng ngừa: Chỉ số acid uric bao nhiêu thì bị gout?

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Khi nói đến gout, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần xem xét chính là mức acid uric trong máu. Đây không chỉ là một con số thông thường mà còn là một chỉ báo quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Câu hỏi đặt ra là: "Chỉ số acid uric bao nhiêu thì bị gout?" Trong bài viết này, Nhà Thuốc Việt sẽ cùng bạn giải đáp thắc mắc và khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến mức acid uric trong máu cũng như tìm hiểu biện pháp kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thông qua chế độ ăn uống và lối sống. 

Acid uric là gì? Mối liên hệ giữa chỉ số acid uric và bệnh gout

Acid uric là một loại axit hữu cơ yếu, là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân hủy các nucleotid purin. Nó được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau trong cơ thể, bao gồm:

  • Thực phẩm: Ăn các thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, cá, bia, rượu...
  • Tổng hợp nội sinh: Cơ thể tự tổng hợp purin từ các tiền chất phi-purin.
  • Tái sử dụng: Tái sử dụng các hợp chất purin đã được hình thành trước đó.

Ở những người khỏe mạnh, khoảng 2/3 lượng acid uric được bài tiết qua thận và 1/3 được bài tiết qua ruột nhờ vi khuẩn đường ruột phân hủy urate. Trong điều kiện bình thường, lượng acid uric được sản xuất và bài tiết luôn cân bằng.

Acid uric không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thải của quá trình chuyển hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng acid uric có vai trò tác dụng kích thích hệ miễn dịch, đồng thời là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Acid uric giúp duy trì huyết áp trong môi trường thiếu muối và mang lại một số lợi ích cho bệnh lý hệ thần kinh trung ương, có thể là nhờ vào tính chất chống oxy hóa của nó. 

Trong một số trường hợp, lượng acid uric trong máu có thể được sử dụng như một chỉ số để đánh giá mức độ stress oxy hóa, đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh hóa của các rối loạn tim mạch, béo phì, rối loạn dung nạp glucose, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

Acid uric là sản phẩm từ quá trình phân hủy purin

Acid uric là sản phẩm từ quá trình phân hủy purin

Chỉ số acid uric bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số acid uric bình thường trong máu dao động trong khoảng từ 3.5 đến 7.2 miligam trên mỗi decilit (mg/dL). Tuy nhiên, mức bình thường có thể thay đổi nhẹ giữa các phòng xét nghiệm khác nhau. Do đó, khi bạn nhận được kết quả xét nghiệm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình dựa trên các giá trị chuẩn cụ thể của phòng thí nghiệm nơi bạn thực hiện.

Đối với trường hợp có kết quả chỉ số acid uric cao, bạn có thể đang có các vấn đề sức khỏe liên quan đến gout, một số bệnh lý chuyển hóa, tăng huyết áp, sỏi thận… Trong khi đó, xét nghiệm nồng độ acid uric thấp hơn mức bình thường thường không đáng lo ngại. Tuy vậy, vẫn nên có một thái độ cảnh giác vì tình trạng này có thể liên quan đến các rối loạn thần kinh nghiêm trọng bao gồm: bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), đau dây thần kinh sinh ba.

Chỉ số acid uric máu cao hay thấp đều có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác nhau

Chỉ số acid uric máu cao hay thấp đều có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác nhau

Chỉ số acid uric bao nhiêu thì bị gout?

Gout là một bệnh lý thuốc nhóm viêm khớp tinh thể. Bệnh gây ra các cơn đau nhức dữ dội do lắng đọng các tinh thể urate ở nhiều vị trí trong cơ thể, chủ yếu ở các khớp và mô xung quanh. Nguyên nhân gây ra sự lắng đọng này là do sản xuất quá nhiều hoặc đào thải quá ít các sản phẩm từ quá trình chuyển hóa purin từ thức ăn và trong cơ thể.

Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ lắng đọng tinh thể urat tăng lên khi chỉ số acid uric trong máu vượt quá 380 μmol/L (khoảng 7.0 mg/dL). Tuy nhiên, đây chỉ là một mốc tham khảo, còn tùy thuộc vào từng cá nhân.

Mặc dù chỉ số acid uric máu cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh gout, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là:

  • Không phải tất cả những người có nồng độ acid uric cao đều bị gout.
  • Ngược lại, một số người có nồng độ acid uric thấp hơn mức được coi là bình thường vẫn có thể mắc bệnh gout.

Bên cạnh acid uric máu, một số yếu tố khác đã được chứng minh có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout:

  • Tuổi tác và giới tính: Gout thường gặp hơn ở người lớn tuổi và nam giới nhiều hơn nữ giới với tần suất tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh gout ở phụ nữ tăng lên sau thời kỳ mãn kinh do nồng độ estrogen giảm.
  • Di truyền: Nghiên cứu cho thấy rằng một số gen ảnh hưởng đến chức năng thận (SLC2A9 và ABCG2) và chức năng ruột (ABCG2) làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút.
  • Thừa cân béo phì: Những người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn. Họ cũng tăng khả năng mắc bệnh gút khi còn trẻ.
  • Hội chứng chuyển hóa: Đây là một nhóm các rối loạn chuyển hóa, bao gồm béo phì, huyết áp cao, rối loạn lipid máu và đường huyết, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Chỉ số acid uric máu tăng được chứng minh có liên quan tới bệnh gout

Chỉ số acid uric máu tăng được chứng minh có liên quan tới bệnh gout

Các nguyên nhân gây tăng uric acid trong máu

Khi có kết quả xét nghiệm tăng nồng độ uric acid trong máu mà không có biểu hiện bệnh gout hay các vấn đề y tế liên quan, một số tình trạng có thể giải thích cho kết quả này được liệt kê dưới đây. Cần lưu ý rằng, tăng acid uric máu đem lại nhiều nguy cơ cho sức khỏe, trong đó có bệnh gout. Người bệnh có acid uric máu cao nhưng chưa có biểu hiện bệnh vẫn cần phải đặc biệt lưu tâm đến chỉ số này để có những biện pháp điều trị phù hợp, tránh tiến triển thành bệnh lý về sau.

Yếu tố di truyền:

  • Thiếu hụt enzym di truyền: Một số bệnh lý di truyền do thiếu hụt enzyme, bao gồm thiếu hụt enzyme hypoxanthine-guanine phosphoribosyl transferase, tăng hoạt động enzyme phosphoribosyl pyrophosphate synthetase, bệnh tích trữ glycogen, thiếu hụt enzyme fructose-1-phosphate aldolase, thiếu hụt enzym myoadenylate deaminase, thiếu hụt enzyme carnitine palmitoyltransferase II, có thể dẫn đến tăng sản xuất acid uric.

Chế độ ăn uống:

  • Uống nhiều rượu bia: Rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và các đợt bùng phát gout.
  • Chế độ ăn nhiều purin: Thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, đồ ngọt, nước ngọt có ga và siro bắp cao fructose có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu. (Fructose từ trái cây cũng có thể góp phần làm tăng acid uric.)

Các vấn đề sức khỏe:

  • Bệnh lý: Một số bệnh lý như rối loạn tăng sinh tủy xương và tăng sinh lympho, ung thư, vảy nến, hội chứng Down… cũng có thể làm tăng acid uric trong máu.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine, thuốc lợi tiểu, aspirin liều thấp, thuốc điều trị loãng xương Teriparatide,… có khả năng làm tăng acid uric máu.
  • Bệnh ác tính: Bệnh ác tính thường đi kèm với quá trình chuyển hóa purin mạnh mẽ, có thể dẫn đến tăng acid uric máu.
  • Suy thận: Ở bệnh nhân suy thận, tăng acid uric máu là một trong những nguyên nhân đặc trưng do chức năng thận suy giảm.
Bệnh lý thận là yếu tố có thể làm tăng chỉ số acid uric

Bệnh lý thận là yếu tố có thể làm tăng chỉ số acid uric

Các phương pháp giúp kiểm tra nồng độ acid uric?

Để kiểm tra chỉ số acid uric trong cơ thể, có một số phương pháp mà bác sĩ có thể sử dụng như đo lường nồng độ acid uric trong máu, đo trong nước tiểu và trong hơi thở ngưng tụ.

Đơn giản và thường được áp dụng nhất là phương pháp kiểm tra nồng độ acid uric trong máu. Để đảm bảo kết quả chính xác, bạn không nên ăn uống gì trong vòng 4 giờ trước khi làm xét nghiệm, trừ khi có chỉ dẫn khác từ bác sĩ. Điều này giúp tránh bất kỳ yếu tố nào có thể làm sai lệch kết quả đo nồng độ acid uric trong máu tại thời điểm kiểm tra.

Xem thêm: Bệnh Gout là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tại nhà

Cần làm gì nếu chỉ số acid uric quá cao?

Đối với những ai chưa từng xuất hiện triệu chứng của gout, việc điều trị thuốc làm hạ acid uric máu không được khuyến cáo. Thay vào đó, một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh là giải pháp hàng đầu. Trong đó, một số loại thực phẩm nên hạn chế vì chúng có thể làm tăng acid uric máu, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa:

  • Thịt đỏ, đặc biệt là nội tạng động vật: Nội tạng động vật như gan và thận chứa nhiều purin, cần hạn chế tiêu thụ.
  • Rượu bia: Đặc biệt là bia, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và các đợt bùng phát gout.
  • Đồ uống có đường, bánh kẹo và tráng miệng: Đường fructose có trong các loại thực phẩm này có thể làm tăng acid uric máu.
  • Chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ, bơ, kem, kem tươi và dầu dừa nên hạn chế.
  • Nước trái cây có đường hoặc không đường (trừ nước ép cherry): Nước trái cây, ngoại trừ nước ép cherry, có thể làm tăng acid uric máu.

Với những người đã xuất hiện triệu chứng của gout lần đầu tiên, xét nghiệm ra acid uric máu tăng >9mg/dL hoặc đang mắc bệnh thận mạn giai đoạn từ độ III trở đi có thể được cân nhắc sử dụng thuốc làm hạ acid uric máu.

Trường hợp những ai đã được chẩn đoán gout, xuất hiện nốt Tophi hoặc có tổn thương khớp trên hình ảnh học hoặc tần suất tái phát gout từ 2 lần/năm trở lên được khuyến cáo mạnh nên điều trị thuốc hạ acid uric máu. Hai thuốc thường được sử dụng đầu tay tại Việt Nam bao gồm Allopurinol và Febuxostat.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc kết hợp hài hòa giữa thay đổi lối sống, tuân thủ chế độ ăn và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ khi đủ điều kiện có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc gout hoặc giảm tần suất tái phát cơn gout.

Một chế độ ăn hợp lý có thể giúp giảm chỉ số acid uric máu

Một chế độ ăn hợp lý có thể giúp giảm chỉ số acid uric máu

KẾT: Việc hiểu rõ “Chỉ số acid uric là gì” và “Chỉ số acid uric bao nhiêu thì bị gout" là điều cần thiết để bạn có thể chủ động phòng ngừa và quản lý tình trạng sức khỏe này. Bằng cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giảm thiểu các thực phẩm giàu purin, và theo dõi định kỳ chỉ số acid uric, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh gout. Đừng quên tham vấn với bác sĩ để có những hướng dẫn cụ thể và phù hợp nhất dành cho tình trạng của bạn. Qua bài viết trên, Nhà Thuốc Việt hy vọng bạn đã có cái nhìn chính xác hơn về bệnh gout và mối liên quan với chỉ số acid uric để có những thay đổi trong chăm sóc sức khỏe của mình và người thân.

Tài liệu tham khảo

https://www.mims.com/specialty/gout/signs%20and%20symptoms?channel=rheumatology

https://www.ucsfhealth.org/medical-tests/uric-acid----blood-

https://www.arthritis.org/diseases/more-about/high-low-uric-acid-symptoms-how-stay-in-safe-range

 

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật