Hệ thống Nhà Thuốc Việt
SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH VIỆT

Viêm khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm khớp gối

Viêm khớp gối là một căn bệnh nguy hiểm và rất phổ biến, gây nhiều đau đớn và phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, bệnh trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác. Tuy nhiên có rất nhiều người chủ quan xem nhẹ bệnh dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Viêm khớp gối

Viêm khớp gối là căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi

Hãy cùng Hệ thống Nhà thuốc Việt tìm hiểu về Viêm khớp gối qua bài viết sau.

Viêm khớp gối là gì?

Trước khi tìm hiểu viêm khớp gối là gì, hãy xem khớp gối trong cơ thể chúng ta cấu tạo như thế nào nhé

Khớp gối là gì?

Khớp gối được tạo thành bởi sự kết hợp của ba xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè.

Một chất bôi trơn được gọi là sụn sẽ bao phủ các đầu của mỗi xương, nó hoạt động như là một lớp đệm giữa các xương giúp chúng không cọ xát với nhau. Ngoài ra, còn có thêm một thành phần nữa gọi là màng hoạt dịch – một loại mô bao quanh khớp giúp bôi trơn sụn.

Viêm khớp gối là gì?

Bây giờ trở lại câu hỏi lúc đầu. Viêm khớp là một căn bệnh gây đau, sưng và cứng khớp đặc trưng bởi sự mài mòn dần dần của sụn trong khớp. Khi lớp sụn bảo vệ bị mòn đi, bộ xương bị lộ ra ngoài, đầu gối bị sưng tấy và các hoạt động hàng ngày càng trở nên đau đớn. Viêm khớp gối có thể khiến các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn hơn chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày thậm chí gây tàn tật nghiêm trọng cho người bệnh.

Các loại viêm khớp ở đầu gối

Có khoảng 100 loại viêm khớp. Các loại phổ biến nhất có thể ảnh hưởng đến đầu gối của bạn bao gồm:

Viêm xương khớp

Đây là bệnh phổ biến nhất trong số các loại bệnh của viêm khớp gối. Thoái hóa khớp làm mòn sụn – phần giữa ba xương của khớp gối. Nếu không có sự bảo vệ đó, xương của bạn cọ xát vào nhau và gây ra sự đau đớn, cứng khớp, hạn chế cử động của khớp gối. Ngoài ra, điều này cũng có thể dẫn đến sự phát triển của các gai xương. Và theo thời gian, tình trạng viêm xương khớp này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Viêm khớp gối sau chấn thương

Viêm xương khớp sau chấn thương là dạng viêm khớp phát triển sau khi bạn gặp một chấn thương nào đó ở đầu gối. Ví dụ, gãy xương có thể làm hỏng bề mặt khớp dẫn đến viêm khớp nhiều năm sau chấn thương. Rách sụn chêm hoặc chấn thương dây chằng có thể làm cho khớp gối mất đi sự ổn định và hao mòn nhanh chóng, theo thời gian có thể dẫn đến viêm khớp.

 Viêm khớp gối sau chấn thương

Viêm khớp gối có thể xảy ra sau một chấn thương mạnh

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp – đây là một căn bệnh tự miễn. Hệ thống miễn dịch khỏe mạnh chỉ gây ra viêm khi nó cố gắng bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng, thương tích, độc tố hoặc những tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Phản ứng viêm là cách mà cơ thể tự bảo vệ mình khỏi những yếu tố bất lợi. Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động không còn chính xác nữa và gây ra tình trạng viêm ở khớp mặc dù không có yếu tố bất lợi nào từ bên ngoài. 

Đây cũng là bệnh mãn tính tấn công nhiều khớp trên toàn cơ thể bao gồm cả khớp gối. Nó có tính đối xứng, có nghĩa là khi bạn bị viêm khớp dạng thấp thì cả hai khớp gối đều sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Những cơn đau và cứng khớp gối trong viêm khớp dạng thấp xảy ra bởi màng hoạt dịch bao phủ khớp bị sưng lên do quá trình viêm.

Viêm khớp gối trải qua các giai đoạn nào?

Có 5 giai đoạn của viêm xương khớp, loại viêm khớp phổ biến nhất ảnh hưởng đến đầu gối của bạn, bao gồm

Giai đoạn 0

Đây là giai đoạn mà khớp gối của bạn hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh, không bị viêm.

Giai đoạn 1

Giai đoạn này có nghĩa là khớp gối của bạn đã bị hao mòn. Tuy nhiên, mức độ hao mòn rất ít và bạn không hề cảm nhận các cơn đau.

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn này, khớp gối bị hao mòn đủ để bạn bắt đầu cảm nhận được cơn đau và cứng khớp. Tuy nhiên, những cơn đau và cứng khớp này chỉ thoáng qua, không thường xuyên do khớp gối vẫn còn đủ sụn để giữ cho xương không thực sự chạm vào nhau.

Giai đoạn 3

Các cơn đau sẽ nhiều hơn và thường xuyên hơn, đặc biệt là khi chạy, đi lại, ngồm xổm, quỳ gối. Hoặc các cơn đau, cứng khớp cũng xuất hiện sau một thời gian nghỉ ngơi, không vận động ví dụ như buổi sáng khi vừa thức dậy …

Giai đoạn này sụn bị tổn thương nhiều, khoảng cách các xương trong khớp gối bị thu hẹp nhiều hơn và xuất hiện gai xương gây đau đớn cho người bệnh.

Giai đoạn 4

Giai đoạn này tình trạng thoái hóa khớp nặng đồng nghĩa với việc sụn khớp gần như không còn. Đầu gối của bạn thường xuyên bị cứng, đau thậm chí có thể không còn di chuyển được nữa cần can thiệp phẫu thuật để điều trị trong trường hợp này.

Các triệu chứng viêm khớp gối

 Những cơn đau tăng dần

Đau khớp gối thường diễn biến âm thầm và từ từ, mặc dù nó có thể xuất hiện đột ngột trong một số trường hợp.

Bạn đầu, bạn có thể cảm nhận những cơn đau vào buổi sáng, sau khi không hoạt động khớp một thời gian. Hoặc các cơn đau xảy ra khi bạn:

   + Leo cầu thang.

   + Đứng thẳng dậy từ một tư thế ngồi.

   + Đi trên một bề mặt phẳng.

+ Ngồi ở tư thế xổm. 

Đau đầu gối khiến bạn thức giấc nửa đêm cũng có thể là một triệu chứng gợi ý của viêm khớp gối.

Đối với những người bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng thường bắt đầu ở các khớp nhỏ hơn. Chúng cũng có nhiều khả năng đối xứng, ảnh hưởng đến cả hai bên của cơ thể kèm theo biểu hiện sưng, nóng, đỏ khớp.

Với viêm khớp, các triệu chứng có thể tiến triển nhanh chóng hoặc âm thầm trong vài năm, tùy thuộc từng cá nhân. Các triệu chứng có xu hướng xấu đi và sau đó duy trì ổn định trong một thời gian dài hoặc thay đổi từng ngày.

Các yếu tố làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh bao gồm:

   + Thời tiết lạnh

   + Căng thẳng

   + Hoạt động quá mức

Khớp gối sưng tấy kèm theo đau

Viêm khớp gối đôi khi có thể gây viêm, điều này xảy ra bởi:

   + Sưng cứng: do sự hình thành của các gai xương (Chất tạo xương)

   + Sưng mềm: do tích tụ thêm chất lỏng quanh khớp trong quá trình viêm

Ngoài ra, tình trạng sưng viêm còn kèm theo những biểu hiện khác như: sốt, mệt mỏi.

Âm thanh lục khục khi vận động

Khi gập hoặc duỗi thẳng đầu gối, bạn có thể cảm nhận được sự va chạm của các khớp, hoặc nghe thấy tiếng lục khục, lạo xạo.

Triệu chứng này có thể xảy ra do lớp sụn của bạn mỏng dần hoặc mất đi khiến khớp không còn hoạt động trơn tru nữa. Khi sụn bị hư hỏng, bề mặt của nó sẽ thô ráp và các gai xương phát triển dẫn đến sự cọ xát giữa các xương phát ra âm thanh lục khục.

Ngoài ra, các triệu chứng khác của viêm khớp gối bao gồm:

   + Phạm vi chuyển động của khớp bị hạn chế dẫn đến khó khăn trong vận động

   + Cứng khớp

   + Biến dạng khớp

Nguyên nhân viêm khớp gối

Tuổi tác là nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối, vì khả năng chữa lành của sụn giảm dần khi chúng ta già đi. Hầu hết mọi người cuối cùng cũng sẽ gặp các vấn đề viêm xương khớp chỉ là thời gian mà thôi.

 Viêm khớp gối thường gặp ở người lớn tuổi

Viêm khớp gối thường gặp ở người lớn tuổi

Các yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp nhanh hơn, bao gồm:

    + Thừa cân béo phì: người thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực lên khớp gối nhiều hơn. Theo thời gian, phần sụn khớp bị mài mòn nhanh hơn so với người có cân nặng chuẩn. Và đó cũng là nguyên nhân khiến bạn bị viêm xương khớp dù ở độ tuổi còn trẻ.

   + Dị tật về xương: Bạn sẽ có nguy cơ cao bị viêm xương khớp nếu xương hoặc khớp của bạn bị cong vẹo bẩm sinh, hoặc sau một chấn thương nào đó gây ra.

   + Mắc các bệnh lý về khớp gối như thoái hóa khớp gối, viêm khớp gối dạng thấp, bàn chân bẹt, gout … Các bệnh lý này sẽ thúc đầy, gây viêm đau cho khớp gối

   + Chấn thương: Tổn thương khớp gối xuất phát từ tai nạn trong quá trình lao động, tai nạn giao thông hay từ quá trình vận động, chơi thể thao. Những chấn thương này có thể gây ra bong gân, viêm bao hoạt dịch, trật khớp … từ đó dẫn đến viêm khớp gối.

Điều trị viêm khớp gối như thế nào?

Viêm khớp gối là căn bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị hiện nay là giúp bạn có thể giảm tình trạng đau nhức và vận động được tốt hơn.

Việc điều trị sẽ khác nhau ở từng bệnh nhân, tùy thuộc vào loại và giai đoạn viêm khớp, tuổi của bạn, mức độ nghiêm trọng của các cơn đau cũng như nhiều yếu tố khác nữa.

Những biện pháp điều trị viêm khớp gối bao gồm: điều chỉnh lối sống, vật lý trị liệu, sử dụng thuốc và phẫu thuật.

Điều chỉnh lối sống

Viêm khớp gối ở giai đoạn mới bắt đầu, có thể được cải thiện triệu chứng bằng các biện pháp điều chỉnh lối sống sau đây:

   + Tập thể dục thường xuyên bằng các bài vận động nhẹ nhàng phù hợp với mức độ bệnh của bạn, không nên gắng sức. Hãy nghỉ ngơi ngay khi bạn cảm nhận các cơn đau đang tăng lên nhé.

   + Điều chỉnh cân nặng hợp lí sẽ giúp giảm áp lực lên khớp gối và cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh.

   + Đi giày dép phù hợp, đặc biệt là các bạn nữ thường xuyên mang giày cao gót – điều này không tốt cho khớp gối. Vì vậy, hãy lựa chọn đi giày, dép phù hợp, thoải mái nhất, tránh áp lực lên khớp gối.

   + Sử dụng các thiết bị đặc biệt để giảm áp lực cho khớp gối của bạn trong các hoạt động hàng ngày như gậy hoặc khung tập đi để hỗ trợ.

   + Tránh giữ nguyên tư thế quá lâu, các tư thế không tốt cho khớp gối như ngồi xổm, vận động quá sức như chạy, nhảy, mang vác nặng.

Nếu biện pháp điều chỉnh lối sống vẫn không thể cải thiện được triệu chứng viêm khớp gối, bạn có thể cần kết hợp điều trị bổ sung với các bài tập vật lý trị liệu và sử dụng thêm thuốc.

Vật lý trị liệu

Nếu bạn gặp vấn đề khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày thì các nhà vật lý trị liệu có thể thiết kế riêng một bài tập vận động tốt cho khớp gối và phù hợp với thể trạng và mức độ bệnh của bạn.

Sử dụng thuốc

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Một số thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có bán không kèm theo toa của bác sĩ (OTC) như ibuprofen, naproxen. Hoặc nếu không đáp ứng, bạn sẽ cần đến một NSAID mạnh hơn như các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (celecoxib, …) và đây là thuốc cần được kê đơn. Nhưng dù là bạn đang sử dụng thuốc không kê đơn hay kê đơn thì cũng không được lạm dụng thuốc, bất kể bạn dùng thuốc gì cũng đều nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng thời gian dài trên 10 ngày.

NSAID 

NSAID hay được sử dụng để giảm đau, kháng viêm trong viêm khớp gối

Acetaminophen

Đây là loại thuốc thường được sử dụng để giúp người bệnh giảm đau trong các cơn đau do viêm khớp gối từ nhẹ đến trung bình.

Thuốc chống thấp khớp DMARDs (Disease – Modifying Antirheumatic Drugs)

Các thuốc chống thấp khớp DMARDs được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp trong viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc như sulfasalazine, methotrexate, và hydroxychloroquine thường được kê đơn.

Ngoài ra, các thuốc DMARDs sinh học như etanercept (Enbrel) và adalimumab (Humira) có thể làm giảm phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức của cơ thể.

Thực phẩm chức năng như glucosamine và chondroitin sulfate

Glucosamine và chondroitin hiện nay là hai loại được sử dụng phổ biến trong việc điều trị các triệu chứng của viêm khớp gối. Tuy thuốc có tác động chậm do vậy hiệu quả có thể sẽ phát huy sau 2-3 tháng sử dụng liên tục, bù lại thuốc khá an toàn, ít tác dụng phụ cho người sử dụng.

Phẫu thuật

Tiêm corticosteroid vào khớp gối

Corticosteroid là một chất chống viêm mạnh, có thể được tiêm vào khớp. Những mũi tiêm này giúp người bệnh giảm đau và giảm viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không phải là mãi mãi và việc lạm dụng tiêm corticosteroid quá thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ. Do vậy, bạn chỉ nên tiêm khoảng 3 – 4 mũi mỗi năm cho một khớp gối để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Tiêm các thuốc bôi trơn

Khớp duy nhất mà FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) đã chấp thuận cho loại điều trị này là đầu gối. Thuốc được tiêm vào đầu gối với ba liều, thường cách nhau một tuần. Chất được tiêm vào là acid hyaluronic, giúp giảm ma sát giữa các sụn do tăng cường chất bôi trơn, cải thiện chất lượng của dịch khớp.

Ghép sụn

Mô sụn khỏe mạnh, bình thường sẽ được lấy ra từ một phần khác của đầu gối hoặc từ ngân hàng mô để lấp đầy những lỗ hổng trên sụn khớp bị tổn thương. Thủ thuật này thường thực hiện trên bệnh nhân trẻ tuổi có vùng sụn khớp tổn thương nhỏ.

Cắt bỏ bao khớp

Loại phẫu thuật này thường áp dụng trong viêm do viêm khớp dạng thấp. Mục đích là để loại bỏ lớp niêm mạc khớp bị tổn thương từ đó giảm viêm, đau và sưng cho khớp gối.

Phẫu thuật cắt xương

Trong phẫu thuật cắt xương đầu gối, xương chày (xương ống chân) hoặc xương đùi thì các xương này sẽ được cắt và sau đó tạo hình lại để giảm áp lực lên khớp gối.

Phương pháp nắn xương khớp gối sẽ được áp dụng khi bạn ở giai đoạn đầu của thoái hóa khớp và chỉ tổn thương một bên khớp gối. Phương pháp này có thể giúp giảm đau và cải thiện đáng kể chức năng ở đầu gối bị viêm khớp của bạn.

Phẫu thuật thay khớp

Phẫu thuật này có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ đầu gối. Đây là phương pháp loại bỏ lớp sụn và xương bị hư hỏng, sau đó định vị các bề mặt khớp bằng kim loại hoặc nhựa mới để phục hồi lại chức năng của đầu gối bạn

Sau bất kỳ loại phẫu thuật nào đối với bệnh nhân bị viêm khớp gối cũng cần có một khoảng thời gian để hồi phục. Thời gian hồi phục này phụ thuộc vào tình trạng bệnh và loại phẫu thuật mà họ được thực hiện. Trong hầu hết các trường hợp, can thiệp phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân giảm đau cũng như thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn.

Trên đây là các thông tin hữu ích giúp bạn đọc giải đáp những vấn đề xoay quanh viêm khớp gối. Nếu vẫn còn khó khăn hoặc thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Nhà thuốc Việt của chúng tôi qua hotline 0398883456 - với kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn, cung cấp các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, tin rằng Hệ thống Nhà Thuốc Việt sẽ hỗ trợ cho bạn những thông tin đúng và phù hợp nhất.

Tham gia bình luận:

  • 6fa1

Tin tức mới nhất

Tin tức nổi bật